‘Muốn thành hổ, thành rồng phải biết chăm chút cho việc hóa bướm của đàn tằm hộ kinh doanh’

Tào Minh - 20/02/2019 14:56 (GMT+7)

(VNF) – Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ví von như vậy khi nhắc tới việc 5 triệu hộ kinh doanh chưa được coi là doanh nghiệp.

VNF

Phát biểu tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp” tổ chức hôm nay (20/2), ông Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của 2 luật Đầu tư và Doanh nghiệp đối với nền kinh tế.

“Hai luật này là 2 bánh xe, không chỉ tạo ra đột phá trong lĩnh vực đầu tư, thành lập doanh nghiệp mà còn là các văn bản tạo ‘cảm hứng’ cho các văn bản chuyên ngành về kinh doanh khác”, ông nói.

Tuy nhiên, qua 3 – 4 năm thực hiện, hai luật Đầu tư và Doanh nghiệp đã bộc lộ các vấn đề cần sửa đổi bổ sung như: thủ tục đăng kí kinh doanh, thủ tục đầu tư, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… và đặc biệt là hộ kinh doanh.

Theo ông Lộc, hộ kinh doanh là vấn đề quan trọng bậc nhất, cốt lõi nhất của việc sửa Luật Doanh nghiệp lần này.

Hiện, nước ta có gần 5 triệu hộ kinh doanh, chiếm tới 30% GDP. “Một khu vực chiếm tới 30% GDP với hơn 5 triệu thực thể nhưng lại bị loại khỏi Luật Doanh nghiệp, trong khi về bản chất, chúng chính là các doanh nghiệp. Trong các nền kinh tế trên thế giới, không quốc gia nào bỏ các hộ kinh doanh ra khỏi các phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cả”, ông Lộc cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng các hộ kinh doanh là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Việc để các doanh nghiệp này đứng ngoài hệ thống pháp luật về kinh doanh là điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay.

“Trong Luật Doanh nghiệp, ta giao nhiệm vụ quản lí hộ kinh doanh cho Chính phủ. Vậy thì Quốc hội có cảm thấy thiếu sót hay không khi 30% GDP  bị loại khỏi các cấp văn bản do Quốc hội ban hành?

“Chúng ta cần phải có khung pháp luật cho hộ kinh doanh và chắc chắn nó phải nằm trong Luật Doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI, Chính phủ rất chật vật, lo lắng cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, nhưng nếu thay đổi quy định pháp luật, chấp nhận hộ kinh doanh là doanh nghiệp, chúng ta sẽ lập tức có ngay hàng triệu doanh nghiệp.

“Điều này sẽ đưa chúng ta vào đúng quỹ đạo của nền kinh tế thế giới. Tất nhiên cần có những biện pháp minh bạch hóa khu vực này, có chính sách thuế thuận lợi, chế độ kế toán riêng”, ông Lộc lưu ý.

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc chính thức hóa hộ kinh doanh, ông Lộc nói rằng sự phát triển của 5 triệu thực thể này sẽ là bước đột phá đối với Việt Nam. Tuy bất lợi về quy mô nhưng sức sáng tạo của hộ kinh doanh lại là lớn nhất. Và với Việt Nam, xương sống của nền kinh tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải là các doanh nghiệp lớn.

“Thời đại này không phải chỉ các doanh nghiệp lớn mới tham gia vào hội nhập mà chính doanh nghiệp siêu nhỏ cũng tham gia. Chừng nào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chưa trở thành chủ thể hội nhập, chừng đó kinh tế Việt Nam chưa thể bay cao.

“Tôi nghĩ nếu chúng ta mong muốn thành hổ, thành rồng thì chúng ta phải biết chăm chút, lo toan cho việc hóa bướm của đàn tằm trong nền kinh tế. Đàn tằm đó chính là các hộ kinh doanh”, ông Lộc bình luận.

Cùng chuyên mục
Tin khác