Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh -
23/02/2018 13:07 (GMT+7)
(VNF) - Các nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, sắp tới là Mỹ, Đức... đã góp phần làm cho Khu Kinh tế Vũng Áng luôn sôi động.
Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là một trong tám Khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung phát triển bằng nguồn ngân sách giai đoạn 2016-2020. Quy hoạch chung do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ rõ Khu Kinh tế Vũng Áng sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và của cả nước.
Đến nay, trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng có 118 dự án, trong đó có 69 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 48.279,8 tỷ đồng và 49 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 11.552,96 triệu USD.
Với sản phẩm chủ lực là các loại thép phục vụ cơ khí chế tạo, Dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty Formosa sẽ kéo theo nhiều dự án phụ trợ, tạo nhiều việc làm và đóng góp nguồn thu lớn cho tỉnh Hà Tĩnh.
Những dự án trọng điểm quốc gia sản xuất ra những sản phẩm quan trọng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đảm bảo an ninh về thép, an ninh về năng lượng như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I với công suất 1.200 MW do kỹ sư, công nhân Việt Nam lần đầu tiên làm tổng thầu và lắp đặt thiết bị phát điện thương mại cả hai tổ máy vào ngày 12/5/2015; cụm cảng Vũng Áng và Sơn Dương bốc xếp hàng chục triệu tấn hàng/năm, trong đó có những cầu cảng có thể đón tàu công suất 300.000 tấn mở ra cho Hà Tĩnh rất nhiều triển vọng.
Hiện tại, với nhiều nhà đầu tư đến từ các nước và vùng lãnh thổ có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, sắp tới là Mỹ, Đức... đã góp phần làm cho Khu Kinh tế Vũng Áng luôn sôi động.
Từ một vùng khó khăn của phía Nam Hà Tĩnh với thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn 4,5 triệu đồng/năm (năm 2005), sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Khu Kinh tế Vũng Áng đã có vóc dáng của một đô thị với nhiều tiềm năng, lợi thế và từng bước khẳng định vị thế đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Nam Hà - Bắc Quảng trong tương lai không xa.
Thu ngân sách trong KKT, KCN tăng trưởng cao, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Nếu như năm 2010 tổng thu tại KKT, KCN mới đạt 719 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt 8.027 tỷ đồng, năm 2015 đạt 7.470 tỷ đồng, chiếm từ 62% - 63% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh.
Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thu ngân sách KKT, KCN thấp hơn so với những năm trước do các dự án lớn đã hoàn thành giai đoạn xây dựng và đi vào vận hành. Trong những năm tiếp theo, dự án Formosa và các dự án khác trong KKT, KCN sẽ vẫn là khu vực đóng góp chính vào ngân sách hàng năm của tỉnh.
Được sự chấp thuận của Chính phủ, ngày 29/5/2017, Công ty Formosa đã tiến hành chạy thử Lò cao số 1. Dự kiến đến hết năm 2017, Formosa sẽ sản xuất 1,6-1,8 triệu tấn phôi thép; tháng 3/2018 sẽ vận hành thử Lò cao số 2 và đến cuối năm 2018 sẽ cho ra lò khoảng 6,5-7 triệu tấn phôi thép... Việc vận hành sản xuất thành công các lò luyện thép góp phần to lớn vào việc tăng nguồn thu thu ngân sách; riêng năm 2017 dự kiến sẽ góp phần vào tăng 0,12% GDP.
Việc giải quyết việc làm cho lao động đang ngày càng hiệu quả. Tại KKT, KCN hiện có hơn 12.000 lao động, trong đó có gần 7.000 lao động Hà Tĩnh với việc làm ổn định, lâu dài, thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra có những thời điểm các dự án đã sử dụng lao động thời vụ từ 15.000-20.000 con em người địa phương.
Cùng với lực lượng lao động trong các công trường, xưởng máy, hàng năm, từ KKT, KCN đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động từ các dịch vụ phụ trợ. Theo đó, từng bước giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với thu nhập trước đây.Và hình thành lớp người lao động công nghiệp có trình độ chuyên môn, tính kỷ luật trong môi trường công nghiệp, là động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế và đô thị.
Đến thời điểm hiện tại, Dự án của Công ty Formosa đang là dự án FDI lớn nhất. Từ trước tới nay, Dự án được triển khai khá thuận lợi. Tuy nhiên, từ sự cố môi trường vừa qua, chúng ta nhận thấy năng lực quản lý (con người, trang thiết bị) của địa phương bộc lộ nhiều thiếu sót đối với các dự án lớn cần phải tiếp tục được quan tâm.
Với lợi thế tuyến đường sắt kết nối Vũng Áng – ThakheK (Lào) và thông với 18 tỉnh Đông Bắc Thái Lan (kết nối Cảng Vũng Áng gần với các nước bên ngoài), đường cao tốc Bắc Nam sắp tới sẽ được đầu tư xây dựng và sự hội nhập sâu rộng khu vực kinh tế ASEAN theo các định chế pháp lý đã ký kết.
Cùng với lợi thế về cảng nước sâu và các chính sách ưu đãi cho Khu kinh tế, xu hướng chính trong thời gian tới của Khu Kinh tế Vũng Áng là giữ vững định hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực và đồng bộ, tiếp tục xúc tiến đầu tư có trọng điểm, hướng tới các nhà đầu tư lớn ở các nước phát triển để khai thác công nghệ tiên tiến, tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, tính khoa học trong quản trị doanh nghiệp... nhằm tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám lớn.
Đồng thời, vận dụng những chính sách ưu đãi của Chính phủ và tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với những dự án chế biến nguồn nguyên liệu, vật liệu, tài nguyên hiện có của tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp góp phần giải quyết đầu ra cho sản xuất. Để đạt được mục tiêu đó, Khu Kinh tế Vũng Áng tập trung cao một số giải pháp sau:
Thứ nhất, khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần phải xem xét điều chỉnh mục tiêu và định hường phát triển ngành tại Khu kinh tế Vũng Áng (quy mô, công suất, công nghệ về nhiệt điện, chế tạo thép...) với nguyên tắc phát triển kinh tế gắn với môi trường bền vững. Tập trung chỉ đạo đưa vào khai thác các dự án trọng điểm; giữ vững định hướng chiến lược phát triển đồng bộ, đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực. Tiếp tục công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư có trọng tâm trọng điểm nhằm khai thác tốt nhất sản phẩm có công nghệ cao, có hàm lượng chất xám lớn. Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đối với các sản phẩm chế biến sâu, nhất là quan tâm đến lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các lĩnh vực hỗ trợ ngành gia công sau thép, các ngành dịch vụ sửa chữa, cơ khí... Tiếp tục xác định rõ hơn lợi thế của KKT và xây dựng danh mục các dự án phù hợp với sự phát triển của KKT, từ đó sẽ chọn giải pháp đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm lực, mời họ tiếp cận đầu tư tại các KKT, KCN của tỉnh.
Đây là việc làm cần thiết, đảm bảo cho việc lựa chọn được nhà đầu tư có tiềm lực, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ưu tiên các ngành nghề có lợi thế từ sản phẩm ngành thép và cảng biển để phát triển công nghiệp hỗ trợ sau thép. Chú trọng xây dựng các chính sách, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, có ý thức kỷ luật và đạo đức theo yêu cầu của ngành nghề; đồng thời quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, chủ động an cư lập nghiệp tại Khu kinh tế.
Thứ hai, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch khu Logistics và Khu kinh tế Vũng Áng là trung tâm Logistics quan trọng; cần phải có chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như phát triển nhân lực, cơ chế tài chính... thúc đẩy ngành Logistics phát triển nhằm kết nối phát huy tiềm năng, lợi thế về cảng nước sâu Sơn Dương Vũng Áng kết nối với năm châu.
Thứ ba, tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung công tác bồi thường, GPMB và xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc về mặt bằng các dự án trong Khu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các dự án, phát huy hiệu quả kinh tế, thúc đẩy sự thu hút các dự án vào Khu kinh tế.
Tiếp tục đồng hành tối đa với các nhà đầu tư, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Các bến cảng Vũng Áng (bến số 3, 4, 5, 6); Hạ tầng khu công nghiệp Phú Vinh; Khu nhà ở hộ gia đình cho nhân viên FHS; Khu công nghiệp Việt - Đức Hà Tĩnh...
Thứ tư, phối hợp các bộ, ngành Trung ương đôn đốc, giám sát chặt, tạo điều kiện giúp đỡ Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong quá trình vận hành chạy thử Lò cao số 1 đảm bảo ổn định, liên tục. Từ những bài học đắt giá và đúc rút kinh nghiệm từ khắc phục sự cố môi trường và vận hành chạy thử Lò cao số 1 để tháng 3/2018 sẽ vận hành thử Lò cao số 2 một cách an toàn.
Thứ năm, xây dựng chính sách nhằm tập trung thu hút nguồn lực đầu tư đa dạng để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Kỳ Anh theo định hướng đô thị động lực, mục tiêu phát triển bền vững hài hòa giữa công nghiệp thương mại và dịch vụ du lịch. Tạo tiền đề phát triển Vũng Áng thành đặc khu hành chính - kinh tế trong tương lai.
Thứ sáu, cần phải có chính sách đồng bộ và toàn diện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để phát triển có chiều sâu một số ngành, lĩnh vực có lợi thế về chế tạo cơ khí trong chuỗi liên kết sản xuất.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.