Hiệp định CPTPP:

Kiểm soát từng sợi dệt đến vải may: Áp lực tạo ra cơ hội tỷ USD

Ngọc Diệp - 04/10/2024 13:00 (GMT+7)

(VNF) - Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp ngành dệt may khi chứng nhận xuất xứ từ sợi, cho tới vải.

CPTPP chiếm 16% thị phần xuất khẩu dệt may

Năm 2023 toàn ngành dệt may của Việt Nam xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Riêng 9 tháng năm 2024 đạt 38,4 tỷ USD; trong đó, đến từ những thị trường lớn, trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ 39 - 40%; CPTPP chiếm 16%, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.

CPTPP là thị trường mới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, hiệp định đã tạo ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong việc tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand và cũng giúp doanh nghiệp thích ứng với cách thức mua hàng của nhà nhập khẩu trong khối CPTPP.

Hiệp định đặt ra yêu cầu về chứng nhận xuất xứ, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất từ nguyên liệu đầu vào cũng như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo ông Vũ Đức Giang, Vitas đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi cung ứng, liên kết các doanh nghiệp trong nước và các nhà sản xuất, đầu tư trong khối CPTPP. Cùng đó, xây dựng chiến lược phát triển đa dạng hóa thị trường, khách hàng và ứng dụng công nghệ, tự động hóa, năng lượng tái tạo để thích ứng với yêu cầu của các nước trong khối CPTPP.

"Đặc biệt, CPTPP tạo ra áp lực nhưng cũng tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp khi chứng nhận xuất xứ từ sợi, cho tới vải. Hơn nữa, CPTPP cũng tạo cán cân thương mại của Việt Nam trong việc thâm nhập vào thị trường nội khối CPTPP, tiếp cận với doanh nghiệp trong khối. Chính điều này tạo ra sự tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp Việt hiện nay", ông Giang nói.

Vì vậy, lãnh đạo Vitas đề xuất Chính phủ thúc đẩy ký kết Chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030 và 2035, hướng tới phát triển bền vững; còn các Bộ ngành liên quan tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn để hướng dẫn các doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu của các nhà nhập khẩu trong khối CPTPP.

Tận dụng ưu đãi từ CPTPP

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, các nước thành viên Hiệp định CPTPP đang rà soát tổng thể toàn bộ việc thực thi Hiệp định nhằm tạo ra không gian hợp tác mới.

Quá trình thực thi hiệp định đã cho thấy nhiều dư địa để tăng trưởng và tiềm năng trao đổi thương mại còn rất lớn, trong đó, không gian hợp tác giữa Việt Nam với các nước CPTPP còn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và nhiều nền kinh tế khác cũng xin gia nhập sẽ tạo thêm cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa lợi thế của CPTPP, ông Ngô Trung Khanh khẳng định Việt Nam thực sự còn rất nhiều việc phải làm. Để nhận diện rõ nhất tác động của CPTPP lên thương mại, cần phải so sánh giao thương của Việt Nam với những nước đó, khi chưa ký kết FTA.

Nhìn từ mặt tích cực, xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada, Mexico và Peru tăng trưởng tốt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, máy vi tính, điện thoại, giày dép, hạt tiêu tăng trưởng tương đối tích cực.

Dù vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ba thị trường mới này vẫn chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chưa kể, tăng trưởng thương mại với nhóm nước này chưa bền vững: Xuất nhập khẩu năm 2019 chiếm 1,2% tổng giá trị thương mại Việt Nam với thế giới, lên 1,6% vào năm 2020, 2% vào năm 2021, nhưng lại giảm xuống 1,8% vào năm 2022, và giảm tiếp còn 1,7% vào năm 2023.

Đáng chú ý, thị phần một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại một số thị trường quan trọng giảm. Thủy sản vào năm 2019 có thị phần 6,4% tại Canada nhưng đến năm 2023 lại chỉ còn 5,6%.

Khắc phục những rào cản trên, Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh đề nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ hơn thông tin về Hiệp định cũng như cách thức tận dụng CPTPP để quan tâm hơn đến thị trường của nhau. Đối với các đối tác châu Mỹ, khoảng cách địa lý xa xôi khiến chi phí gia tăng cũng là một rào cản đáng kể để quyết định của các doanh nghiệp Việt.

Cụ thể, cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, cơ chế hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Mỹ; xây dựng kết nối doanh nghiệp Việt với các nước để mở rộng ý tưởng hệ sinh thái tận dụng FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường định hướng xuất khẩu xác định lĩnh vực trọng tâm, không dàn trải.

BOX:

Hiệp định CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi TPP - Hiệp định tiền thân của CPTPP vào năm 2017.
Ngày 16/7/2023, Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký hiệp ước tham gia, Indonesia đang ngỏ ý muốn tham gia CPTPP.

Hiệp định này có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Mục tiêu chính của CPTPP là tăng cường hợp tác kinh tế cũng như các chính sách, quy định thương mại giữa các quốc gia, thông qua đó tiến tới xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ xuất, nhập khẩu giữa các nước thành viên, nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội.

Nếu như các hiệp định thương mại trước đây chỉ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực, như mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, cắt giảm thuế quan, cơ chế giải quyết tranh chấp thì CPTPP có phạm vi điều chỉnh rộng hơn. CPTPP, một mặt, tiếp tục cụ thể hóa các quy định về thương mại, thuế quan; mặt khác, bổ sung nhiều quy định cho một số lĩnh vực phi thương mại mới, như đầu tư trực tiếp, tiêu chuẩn lao động, môi trường, phát triển bền vững.... Với những nội dung mới này, CPTPP được đánh giá là một FTA thế hệ mới có tham vọng, toàn diện và sâu rộng.

Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

Việt Nam lên tiếng trước việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP

Tiêu điểm
(VNF) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cùng chuyên mục
Tin khác