Kiệt sức sau bão: Tình huống cấp bách nhưng vẫn phải chờ
(VNF) - Sau bão số 3, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng kiệt quệ và cần vốn khẩn cấp để phục hồi sản xuất. Dù ngành ngân hàng đang đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp, các chính sách hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
DN được bồi thường bảo hiểm, ngân hàng hưởng
Chia sẻ với VietnamFinance, anh Nguyễn Văn Phú (27 tuổi), Chủ nhiệm HTX Ngư Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết, gần 1 tháng nay, dù khi bão số 3 đã đi qua, người dân nơi đây vẫn chưa thể trở lại sản xuất vì thiếu vốn. Hộ nào cũng rơi vào tình trạng oằn mình trả lãi ngân hàng với số tiền lớn, trong khi việc làm không có.
“Chúng tôi rơi vào tình trạng không còn tài sản gì để thế chấp vay thêm. 12 hộ dân trong HTX đang rất khát tiền để có thể đầu tư lại sản xuất, mong nhà nước sớm cho chính sách cấp vốn theo diện hỗ trợ đặc biệt. Không có vốn để sớm nuôi trồng các hộ dân không thể gượng dậy, và không có tiền tiếp tục đóng lãi ”, anh Phú chia sẻ.
Ông Ngô Minh Phương, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Việt Trường, Hải Phòng cho biết thiệt hại của doanh nghiệp sau bão số hơn 150 tỷ đồng. Dù DN có tham gia bảo hiểm nhưng cũng chỉ được bồi thường một phần 20 - 30 tỷ đồng. Hiện, DN đối mặt với muôn vàn khó khăn vừa phải lo chi phí để trả lương cho công nhân, đảm bảo sản xuất, cam kết với bạn hàng, vừa áp lực các khoản nợ trả lãi. Tréo ngoe, tiền đền bù từ bảo hiểm ngân hàng lại là đơn vị thụ hưởng chứ không phải DN.
“Rất mong Nhà nước có những chính sách riêng biệt cho các DN bị thiệt hại sau bão lũ như xoá nợ với những hàng hoá đã thiệt hại hoàn toàn, giãn nợ trong trung và dài hạn. Bởi thiệt hại như vậy DN có thể phải mất 10 năm mới có thể khôi phục lại được”, anh Phương tâm tư.
Lãnh đạo Công ty TNHH Việt Trường cho rằng, điều cấp bách nhất lúc này đối với DN là cần thêm vốn lưu động, vốn trung dài hạn khoảng 50 tỷ đồng, nếu không sẽ kiệt sức, có nguy cơ dẫn đến kiệt quệ, phá sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, bão số 3 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó nặng nhất là người dân nuôi biển và các doanh nghiệp thủy sản. Chưa bao giờ các DN phải chịu thiệt hại lớn như vậy. Có DN thuỷ sản Quảng Ninh, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, nhưng phải mất ít nhất 1 tuần thì mới vận hành lại được vì phải sửa chữa quá nhiều.
Có DN ở Hải Phòng đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống đông lạnh, vận hành cấp đông của nhà máy hư hỏng nặng, mất điện, làm hơn 1.000 tấn thành phẩm bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể lưu thông hay xuất khẩu được nữa. Sau 20 ngày, họ mới bắt đầu hoạt động lại được một xưởng.
Hiệp Hội xác định có 3 thiệt hại chính đó là thiệt hại về cơ sở vật chất, thiệt hại về hàng hoá và đặc biệt là thiệt hại về cơ hội kinh doanh.
Tình huống cấp bách: DN cần vốn nhanh nhưng vẫn phải chờ ngân hàng
Khi được hỏi về việc làm thế nào người dân, doanh nghiệp thiệt hại sau bão có thể tiếp cận nguồn vốn mới, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện Ngân hàng NN đã có thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, để hỗ trợ cho người dân và DN. Còn quy định cho vay thì đã được ban hành đầy đủ theo thông tư số 39 năm 2016, riêng với lĩnh vực nông nghiệp là nghị định 55/2015, sửa đổi bổ sung bằng nghị định số 116/2018.
Bà Giang lưu ý, về vấn đề cấp tín dụng mới khắc phục sau bão, tại các văn bản chỉ đạo, cũng như chỉ thị mới nhất số 04 ngày 25/9 của Thống đốc NHNN, đã chỉ đạo đến toàn hệ thống ngân hàng, về việc các TCTD xây dựng các gói tín dụng mới với mức lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, khẩn trương xét duyệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay vốn.
“Đặc biệt quan tâm vấn đề tài sản bảo đảm và hạn mức tín dụng, giúp khách hàng khắc phục khó khăn sau bão”, bà Giang nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của PV VietnamFinance về việc người dân và DN quan tâm hiện nay là tài sản thế chấp để cấp thêm vốn và hạn mức tín dụng, bà Hà Thu Giang cho biết, theo quy định của NHNN, vấn đề này đã trao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên tinh thần thoả thuận với người vay.
Riêng với các đối tượng thuộc diện chính sách, theo ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, đơn vị đang phối hợp với địa phương xác định rủi ro, lập hồ sơ, thủ tục.
Bên cạnh đó, thực hiện cho vay bổ sung theo 3 chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khách hàng mất trắng tài sản từ vốn vay, hoặc thiệt hại từ 40% trở lên được khoanh nợ 3 - 5 năm theo quy định, không thu lãi, được cho vay mới.
“Qua khảo sát thiệt hại, chúng tôi xác định tổng nhu cầu vốn phát sinh tương đương 4.900 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ bổ sung vốn cho năm nay”, ông Thuận nói.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nêu, người dân nuôi trồng và doanh nghiệp thuỷ hải sản bị mất trắng đều mong muốn có nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Dù ngành ngân hàng đã có những giải pháp, nhưng với mỗi người nuôi có sản phẩm đặc thù khác nhau. Có những loài 5-7 tháng thu hoạch, nhưng có loại 2-3 năm mới thu hoạch.
“Chúng tôi mong ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt. Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi như thế nào để đảm bảo chính sách có hiệu quả khẩn cấp”, ông Luân kỳ vọng.
Việc giảm lãi suất 0,5-2% như đề xuất của ngân hàng hiện nay như "gãi ngứa"
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, trong bối cảnh này các DN thủy sản cần nhất là cần tiếp tục duy trì dòng tiền để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Hiện nhiều DN mất mát, hư hỏng hầu như toàn bộ hàng hóa, và gần như là phải tìm kiếm khách hàng và làm mới từ đầu.
“Việc giảm lãi suất 0,5-2% như đề xuất của ngân hàng hiện nay như 'gãi ngứa'. Điều quan trọng, DN cần thêm vốn để sản xuất, và vốn để sửa chữa nhà máy. Hiện các đơn vị mới chỉ ghi nhận chưa mà chưa cấp thêm. Cùng với đó, DN cần cơ cấu những khoản nợ ngắn hạn thêm 12 tháng và khoản nợ trung hạn kéo dài thêm 36 tháng. Trong đó năm 2024 và 2025 hỗ trợ cho DN để tập trung nguồn vốn tái thiết xây dựng lại nhà máy và ưu tiên cho vốn lưu động để phục hồi đơn hàng”, ông Nam chia sẻ.
Ngoài ra, hiện các đơn vị bảo hiểm đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các DN bị thiệt hại, nhưng ở trong hợp đồng, ngân hàng lại là đơn vị thụ hưởng đầu tiên. Do đó, cần có chính sách để chia sẻ với các DN, ưu tiên để cho DN hưởng khoản này.
Đại diện VASEP, cho rằng, với tình huống cấp bách như hiện nay, các chính sách hỗ trợ cần hướng dẫn cách làm cụ thể, hành động sớm nhất giúp cho DN hồi phục.
“Việc tái cấp vốn lưu động để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh cần theo luồng thẩm định đặc biệt và có phê duyệt nhanh, gọn cho khách hàng. Bởi càng để kéo dài, DN bị âm vốn chủ sở hữu thì càng khó để khắc phục, DN qua giai đoạn cấp cứu thì rất khó để vực dậy”, ông Nam nói thêm.
Hỗ trợ phục hồi sau bão lũ: Nhanh hơn và hiệu quả hơn
- Ngân hàng 'kích hoạt' gói tín dụng 100.000 tỷ khắc phục hậu quả bão Yagi 01/10/2024 07:15
- Điều kiện gia hạn, cơ cấu lại nợ cho khách vay thiệt hại vì bão Yagi 30/09/2024 05:09
- Thống đốc ra chỉ thị khẩn trương hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bão YAGI 26/09/2024 03:50
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.