Kinh tế báo chí: Góc nhìn từ lịch sử

Hoàng Anh Minh - 18/06/2024 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi hoàn tất việc chiếm đóng Đông Dương, người Pháp bắt đầu các hoạt động kinh tế, thương mại trên quy mô lớn. Quá trình này, vốn lâu nay vẫn được gọi là các cuộc "khai thác thuộc địa", đã đưa tới những thay đổi hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Trong dòng chảy đó, một nền báo chí thực sự cũng đã hình thành, trong đó có báo chí kinh tế và khái niệm kinh tế báo chí xuất hiện.

Trăm hoa đua nở

Báo chí Việt Nam đã có sự phát triển rất đáng chú ý trong những năm đầu thế kỷ và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế xã hội Việt Nam trong giai đoạn này. Báo chí vừa phản ánh đời sống xã hội, vừa là một phần hữu cơ trong xã hội đó. Và chính sự phát triển của báo chí đã vô hình trở thành một quá trình “ghi biên bản” hầu hết các diễn biến quan trọng nhất của chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế… của Việt Nam trong giai đoạn này.

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Công cuộc khai thác này được chia làm hai giai đoạn: cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất bắt đầu vào năm 1897, kết thúc năm 1914 và cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai bắt đầu vào năm 1919, kết thúc năm 1929. Cho dù phân kỳ thành hai giai đoạn, có thể thấy đặc điểm chung của quá trình này là chính quyền cai trị tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất để giới tư bản Pháp khai thác các lợi ích từ thuộc địa Đông Dương mang về nước Pháp cũng như mua bán, trao đổi trên phạm vi toàn cầu. Công cuộc khai thác thuộc địa này đã kéo theo việc giới tư sản Pháp “đầu tư” rất lớn vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Mặt khác, hòa chung trong quá trình đó, bắt đầu hình thành nên một lớp tư sản dân tộc người Việt biết tranh thủ cơ hội để phát triển sự nghiệp kinh doanh của riêng mình.

Từ năm 1930, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng giai đoạn 1929 – 1933 các nước chủ nghĩa tư bản nói chung và Pháp nói riêng thì đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng, trong thời gian này Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, do vậy cũng không thể thoát khỏi những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, nước nhà gặp khung hoảng vì vậy mà Pháp đẩy mạnh việc bóc lột ở các nước thuộc địa của mình. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thành tựu mà công cuộc khai thác thuộc địa đã đem lại cho Đông Dương nói chung, cho Việt Nam nói riêng. Một hệ thống các công trình hạ tầng hết sức quan trọng đã hình thành, gồm đường bộ, đường sắt, bến cảng, sân bay trên toàn quốc mà nhiều công trình trong số đó vẫn tiếp tục được khai thác cho đến ngày nay. Chẳng hạn, đến năm 1936, người Pháp xây dựng xong đường sắt Bắc Nam với tổng chiều dài 2.600 km. Từ 1900 đến 1935, Pháp đã sử dụng 145 triệu franc để lập đường xe lửa và 45 triệu franc để mở mang đường sá. Ngoài ra, họ còn thiết lập hệ thống điện tín, hệ thống cảng biển, cảng sông với các cảng nổi tiếng, có quy mô lớn trong khu vực thời bấy giờ như Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng… Mặt khác, người dân Việt Nam, đặc biệt là miền Nam, cũng đã có được trải nghiệm hết sức quan trọng về kinh tế thị trường, là nền tảng để tạo ra sức sống của nền kinh tế trong các giai đoạn tiếp theo.

Khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, báo chí phát hành tại Việt Nam mới ra đời, trước tiên là báo Pháp ngữ vào năm 1861, rồi sau đó báo được xuất bản bằng chữ quốc ngữ từ năm 1865. Năm 1911, Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông Dương. Albert Sarraut từng là một nhà báo, muốn sử dụng báo chí cho mục đích chính trị nên đã chủ trương nới lỏng báo chí từ năm 1913, mong dùng báo chí làm công cụ phản tuyên truyền để đối phó với phong trào cách mạng trong nước và sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Hoa và Đức sang Việt Nam thời đó.

Báo chí được phép xuất bản, nhưng tất nhiên phải chịu sự kiểm duyệt đáng kể của chính quyền. Phong trào người bản xứ đòi quyền tự do báo chí diễn ra liên tục, bền bỉ từ năm 1898 đến 1936. Ngày 30/8/1938, thực dân Pháp phải ra luật cho áp dụng chế độ tự do báo chí ở Nam Kỳ, nhưng rồi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tháng 9/1939, chính quyền tiếp tục thực thi chính sách bóp nghẹt tự do báo chí và xuất bản cho đến năm 1945. Tuy nhiên, xét trong cả giai đoạn thuộc Pháp, đặc biệt là trong giai đoạn 1930 – 1945, báo chí Việt Nam vẫn có những sự “tự do” nhất định rất đáng lưu ý. Chẳng hạn, tư nhân được quyền làm chủ cơ quan báo chí, theo đó các cá nhân có tiềm lực tài chính, có kiến thức văn chương, báo chí có thể tự thành lập tờ báo và xuất bản, mặc dù báo chí tư nhân chỉ được đăng những tin chính quyền cho phép qua chế độ kiểm duyệt.

Quảng cáo tiệm may quần áo trên báo Phụ nữ Tân Văn

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), điều kiện mở báo dễ dàng hơn cho người Việt, mới có nhiều chủ báo người Việt như Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Kim Đính, Bùi Xuân Học, Diệp Văn Kỳ, Hoàng Tích Chu… Nhiều loại báo đặc biệt chuyên nghiên cứu về một vấn đề, dành riêng cho một giới độc giả cũng xuất hiện như báo chính trị, phụ nữ, thiếu nhi, tôn giáo, kinh tế, sư phạm, văn chương…

Nhờ chính sách tương đối cởi mở của chính quyền cai trị, báo chí xuất bản công khai, hợp pháp tăng lên nhanh chóng. Kể cả báo, tạp chí, kỷ yếu, niên san, năm 1932 có 318 tờ. Năm 1933 có 357 tờ. Quý I/1936 có 411 tờ, trong đó có 99 tờ báo, 166 tờ kỷ yếu và tạp chí, 146 tạp chí xuất bản hàng năm. Riêng về báo, năm 1932 có 92 tờ, trong đó có 48 báo quốc ngữ và 44 báo Pháp ngữ. Năm 1935 có 102 tờ, trong đó có 44 báo quốc ngữ và 58 báo Pháp ngữ.

Đáng chú ý là nhiều tờ báo xuất hiện một thời gian ngắn rồi đóng cửa. Chỉ riêng năm 1936, cả Đông Dương có 70 tờ báo đình bản và 96 tờ báo mới ra đời. Hiện tượng này cho thấy sự cạnh tranh cũng như quy luật đào thải của ngành này. Một điểm đáng chú ý là báo chí cũng tập hợp trong các “tổ chức nghề nghiệp”. Năm 1918, nhà văn Nguyễn Chánh Sắt và chủ nhà in Imprimerie de l’Union là Nguyễn Văn Của cùng một số bạn bè thân hữu đã thành lập Nam Kỳ Nhật Báo Ái Hữu Hội tại Sài Gòn. Trước năm 1936, tại Nam Kỳ cũng đã thành lập Hội Lương Hữu Báo Chí do Nquyễn Văn Sâm làm chủ tịch, tập hợp hàng trăm người làm báo khắp Đông Dương, mà đông nhất tại Sài Gòn.

Năm 1937, Hội nghị báo giới toàn xứ Trung Kỳ khai mạc tại Đông Pháp lữ quán, số 7 Đông Ba, Huế, có 70 đại biểu tham dự, trong đó có 37 ký giả đại diện cho báo giới Trung Kỳ. Tại hội nghị này đã thành lập Hội Ái Hữu Báo Giới Trung Kỳ, ra tuyên bố đòi chính quyền Pháp cho tự do báo chí tại xứ bảo hộ Trung Kỳ. Cũng trong năm 1937, Hội nghị báo giới Bắc Kỳ tổ chức tại báo quán Tương Lai, 16B Đường Thành, Hà Nội, gồm 18 đại biểu 18 tờ báo tại Hà Nội.

Đến năm 1938, giới báo chí đã tổ chức Hội nghị Báo giới Đông Dương tại Hotel des Nations, Sài Gòn, cử đại biểu đến trao bản kiến nghị cho Toàn quyền Đông Dương. Ngày 30/8/1938, toàn quyền Joseph Jules Brévié thay mặt Chính phủ Pháp ra nghị định công bố Luật Tự do báo chí, nhưng chỉ áp dụng ở thuộc địa Nam Kỳ. Nhờ đó, trong hai năm 1938-39, chỉ riêng Sài Gòn đã có thêm hơn 60 tờ báo ra đời. Làng báo có thêm các tờ báo chính trị đối lập, thậm chí một số báo chí đã ra đời mà không xin phép chính quyền. Một số tờ báo thuộc dòng báo chí cách mạng cũng đã ra đời trong giai đoạn này. Một trong những tờ tiêu biểu là Báo Thanh Niên xuất bản vào ngày 21/6/1925, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, được coi là mốc mở đầu của dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

Đáng chú ý là trong giai đoạn này, nhờ sự bùng nổ về số lượng báo chí, sự cạnh tranh trong làng báo trở nên gay gắt. Do đó, để tồn tại, các tòa soạn đã phải nỗ lực đa dạng hóa thông tin và hình thức chuyển tải. Khác với giai đoạn trước đó, trong giai đoạn này báo chí bắt đầu trở nên nhẹ nhàng, gần gũi hơn với bạn đọc.

Năm 1931, ông Nguyễn Đình Thâu cho ra đời tờ báo Duy Tân. Năm 1932, Nguyễn Tường Tam cho ra đời tờ Phong Hóa theo hướng tờ báo trào phúng tế nhị, nhẹ nhàng và sâu sắc. Theo ông Nguyễn Tường Tam, đang là một trụ cột của nhóm Tự lực văn đoàn, mục tiêu của báo là “không chỉ để mua vui cho người đọc mà nhằm một chủ trương cao xa hơn, đó là chủ trương cùng cười cợt để sửa đổi phong hóa, trước vui thích sau ích lợi, lấy thiết thực làm căn bản, và lấy khôi hài trào phúng làm phương pháp”. Tờ Phong Hóa nhờ đó đã trở thành tờ báo có số in nhiều nhất so với các báo ở trong nước, nhờ đó mà ảnh hưởng của nó rất sâu rộng.

Năm 1935, nhà văn Nguyễn Tường Tam cho ra đời tờ báo mới mang tên “Ngày Nay”, mang ít tính chất trào phúng hơn tờ Phong Hóa, và chú trọng nhiều vào việc diễn tả cho mọi người dân thấy rõ sinh hoạt xã hội trong buổi bấy giờ về mọi phương diện, cả hình thức lẫn tinh thần. Với nội dung bổ ích, hay lạ, tờ Ngày Nay là tờ báo báo đắt nhất trong nước, cũng một phần nhờ in đẹp, hình ảnh nhiều, bài vở phong phú với đầy đủ các mục điều tra, phóng sự, giáo dục, tìm hiều, văn chương. Tuy nhiên, do khó khăn tài chính, tờ báo này từng phải tự đình bản khoảng 1 năm trước khi xuất bản trở lại và rồi cuối cùng đến năm 1940 thì bị nhà cầm quyền rút giấy phép vì lý do chính trị.

Trung Bắc Chủ Nhật cũng là một tờ báo đáng chú ý của giai đoạn này khi có nhiều tin tức, tranh ảnh thời sự, những bài nghiên cứu công phu, và những bài viết liên quan đến một chủ đề do tờ báo chọn lựa. Điểm đặc biệt nữa là tờ báo này biết dung hòa nền văn hóa Đông và Tây bằng cách giới thiệu các tư tưởng mới của Tây Phương song song với các bài giới thiệu những nét đặc điểm của nền văn minh Trung Quốc. Tờ Trung Bắc Chủ Nhật được ông Nguyễn Doãn Vượng xây dựng với sự cộng tác của nhà văn Vũ Bằng và nhà văn Đào Trinh Nhất…

Nhìn chung, báo chí Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã có sự phát triển theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng và hoàn toàn có thể khẳng định rằng đã có một nền báo chí thực sự hình thành. Ngày nay, rất nhiều tờ báo vẫn còn được lưu giữ nguyên bản trong các thư viện, kho lưu trữ và đó là một nguồn dữ liệu lịch sử vô cùng phong phú, sinh động, rất hữu ích cho công tác nghiên cứu.

Kinh tế trên báo chí và kinh tế báo chí

Từ đầu thế kỷ 20, song hành với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhu cầu phổ biến, phổ cập các kiến thức kinh tế trong xã hội cũng hình thành và báo chí, xuất bản nói chung đã đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Một mặt, báo chí góp phần chuyển tải các nội dung kinh tế đến công chúng, nhưng đồng thời chính các báo chí cũng biết tự “làm kinh tế” để tồn tại và phát triển.

Ở khía cạnh thứ nhất, từ năm 1904, cuốn Văn Minh Tân Học Sách đã ra đời như là một “học thuyết phát triển” cho Việt Nam trong giai đoạn này. Trong “học thuyết” được giới thiệu là “chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân” này, nhiều nội dung về kinh tế đã được đề cập một cách khá chi tiết, chẳng hạn trong 6 “nhóm giải pháp” được đưa ra trong cuốn sách này, nhóm giải pháp thứ 5 là “Chấn hưng công nghệ” với nội hàm hoàn toàn về vấn đề cải cách kinh tế. Thú vị hơn nhóm giải pháp thứ 6 là “Mở tòa báo”, cho thấy ngay ở thời điểm đó, những nhân sỹ trí thức Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của báo chí đối với sự phát triển. Sách viết:

“Thiết tưởng ở kinh đô ta cũng nên đặt một tòa báo, lựa lấy một vị đại thần làm chủ, lựa một số thân sĩ sung vào; nửa viết bằng chữ nước ta (quốc ngữ), nửa viết bằng chữ Hán. Bao nhiêu phép tốt, ý hay, nghề lạ, ngón khéo ở Âu, Mỹ cùng là những việc xưa nay ở nước ta, hoặc những lời và việc tìm được ở trong sách mà đáng nêu ra làm kiểu mẫu, hoặc những bài thiết thực về thời sự góp nhặt được trong sách luận bài thi, hoặc những người đặc biệt trong đám nhân tài, hoặc có kỹ thuật mới có ích lợi cho nước nhà do giới công nghệ mới tìm ra, thì đều cho đăng lên báo để cho mọi người cùng biết”.

Lịch sử báo chí ghi nhận tờ Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo chuyên sâu về kinh tế đầu tiên của Việt Nam. là tờ báo Quốc ngữ viết về kinh tế đầu tiên của Việt Nam, xuất bản lần đầu vào ngày 1/8/1901, theo một nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành tại Sài Gòn ngày 14/2/1901. Ông Lương Khắc Ninh là chủ bút đầu tiên của tờ Nông cổ mín đàm năm 1901. Thông qua mục Thương cổ luận trên Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều; đồng thời phân tích, mổ xẻ những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử, không chỉ riêng trong lĩnh vực thương nghiệp, coi đó là những lực cản hữu hình và vô hình đã và đang ngăn trở sự phát triển chung. Cho dù chỉ tồn tại được 20 năm, song Nông Cổ Mín Đàm là một điểm nhấn thú vị trong lịch sử báo chí và báo chí kinh tế của Việt Nam.

Trong giai đoạn 1930 – 1945, tiếp nối “tinh thần” của Nông Cổ Mín Đàm, đã có nhiều báo chí chuyên biệt về kinh tế xuất hiện như Kinh tế Đông Dương, Kinh tế Tân văn, Công thương báo, Đông Dương Đại Pháp Công nghiệp… Nội dung kinh tế cũng xuất hiện trên các báo chí hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn này.

Ở khía cạnh thứ hai, để tồn tại, các tờ báo đã biết làm “kinh tế báo chí” để tồn tại. Thứ nhất là cố gắng tạo ra nội dung hay để bán được báo, mà một trong những giải pháp quan trọng là thu hút được các “cây viết” đang nổi tiếng. Một giai thoại văn học vẫn được nhắc lại là ông Tế Xuyên, chủ bút tờ Dân Báo, từng trả cho nhà thơ Nguyễn Bính khoản nhuận bút trị giá một cây vàng cho bài thơ Sao chẳng về đây. Trước đó, tờ báo này đã quảng cáo là trong số Tết năm đó sẽ có sự xuất hiện của Nguyễn Bính.

Báo chí thời kỳ này là đã đăng tải rất nhiều quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trên khắp ba miền. Điều này cho thấy ở Việt Nam khi đó, một “nền kinh tế hàng hóa” đã được hình thành. Đầu những năm 1920, Hiệp hội Nông Công Thương Bắc kỳ đã cho xuất bản báo "Thực Nghiệp". Từ thời điểm này quảng cáo bằng tiếng Việt xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Và đến những năm 1930, quảng cáo không chỉ tăng lên mà còn xuất hiện nhiều hình thức khác nhau.

Một câu chuyện vẫn được ghi nhận như là một ví dụ “kinh điển” của quảng cáo là chuyện về thầy giáo Pétrus Lê Công Đắc chuyên dạy tiếng Pháp, tiếng Hán. Năm 1936, ông Lê Công Đắc quảng cáo trên "Hà Nội báo" với nội dung như sau: "Tôi là Đỗ Trọng Quát, cảm ơn Giáo sư Pétrus vì nhờ theo các cua học của giáo sư mà tôi đã đỗ cao trong kỳ thi..." kèm theo thư cảm ơn là ảnh của học viên và ảnh của Giáo sư Lê Công Đắc. Quảng cáo này cho thấy ngay từ những năm 1930, người Việt đã rất sáng tạo trong việc quảng bá thương hiệu thông qua sự bảo chứng của bên thứ ba. Ngày nay, chiêu thức này vẫn đang được nhiều tổ chức, doanh nghiệp áp dụng.

Tờ Phụ Nữ Tân Văn từ năm ra đời (1929) đã quảng cáo đủ loại từ xe hơi Citroen, Fiat, ngân hàng đến kem làm đẹp cho phụ nữ… Nhà nghiên cứu Lê Văn Nghĩa nhận xét: “Nói không sợ mang tiếng hàm hồ rằng quảng cáo và rao vặt đã gắn liền với báo chí như răng với môi. Chỉ trừ tờ Nam Phong của cụ Quỳnh không thấy mục quảng cáo rao vặt nào chứ ngay tờ Phụ Nữ Tân Văn từ năm ra đời (1929) đã quảng cáo nhặng xị từ xe hơi Citroen, Fiat, ngân hàng đến kem làm đẹp cho phụ nữ”.

Bìa báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1933

Một số mẫu quảng cáo rất “đời thường” đã được tìm thấy trên báo chí giai đoạn này, chẳng hạn quảng cáo làm tóc: “Các bà, các cô muốn có bộ tóc đẹp ăn với khuôn mặt uốn bằng máy điện Âu Mỹ do thợ chuyên môn làm giá phải chăng xin mời lại LEMUR - Coiffeur Pour Dames 14 Rue Des Ciurs - Hà Nội” (báo xuân Tiểu Thuyết Thứ 7). Sản phẩm Nước ngọt Con cọp chai hỏa tiễn được quảng cáo với những câu thơ “Nước ngọt Con Cọp ở đâu, Đấy là khỏe mạnh, sống lâu yêu đời. Nước ngọt Con Cọp mỗi chai, là Nguồn vui mạnh kéo dài tuổi xuân”. Quảng cáo nước ngọt Con Cọp xuất hiện trên rất nhiều tờ báo xuân vì chai nước ngọt này, cùng nước ngọt hiệu con Nai Phương Toàn xuất hiện hầu hết trên các bàn tiếp khách trong dịp Tết thời đó.

Ông Lê Văn Nghĩa nhận xét: “Đọc lại những quảng cáo và rao vặt ngày xưa, tôi khám phá ra được nhiều điều thú vị về kinh tế và bộ mặt xã hội lúc ấy. Tìm hiểu xem cái tủ lạnh đã có ở VN vào năm nào thì chỉ cần đọc cái quảng cáo Frigidaire “Làm ra lạnh để giữ gìn đồ ăn uống” trên Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929. Và như trên đã nói, nhờ quảng cáo mà ta biết xe Fiat, Chevrolet cũng đã có mặt tại Việt Nam từ lúc đó. Hay cần biết về giá trị kinh tế và xã hội của vàng thì chỉ cần đọc cuộc thi thơ quảng cáo cho tiệm vàng Nguyễn Thế Tài (43 Schroeder - Tạ Thu Thâu nay là Lưu Văn Lang) thì sẽ hiểu sức mạnh của vàng ngày ấy cũng không thua gì bây giờ”.

Có thể thấy rằng mặc dù chịu sự kiểm duyệt của chính quyền cai trị, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trong giai đoạn này, qua đó hình thành một nền báo chí thực sự, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đến đời sống xã hội. Báo chí đông đảo về số lượng, ngày càng cải thiện về chất lượng nên đã thu hút được một lượng độc giả đông đảo. Nội dung của báo chí đã thể hiện sự phong phú, đa dạng của đời sống xã hội Việt Nam trong giai đoạn đó. Qua báo chí chúng ta thấy được bức tranh khá đầy đủ về nền kinh tế hàng hóa, nền “kinh tế thị trường” của Việt Nam trong giai đoạn đó, thể hiện qua các nội dung kinh tế cũng như hoạt động quảng cáo trên báo chí. Điều này có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu cả lịch sử kinh tế lẫn lịch sử báo chí của Việt Nam. Hiện nay, dữ liệu báo chí của giai đoạn này vẫn được lưu trữ khá nhiều ở các thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước. Cần thiết phải có sự khảo sát sâu rộng, đa chiều, toàn diện nguồn sử liệu phong phú này để có thể tái hiện toàn bộ lịch sử đất nước trong giai đoạn này.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Ngọc (2014), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nhà Xuất bản giáo dục (tái bản).

2. Đỗ Quang Hưng, Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội.

3. Nguyễn Việt Chước (1974), Lược sử báo chí Việt Nam, Nhà Xuất bản Nam Sơn.

4. Lý Đăng Thạnh, Lịch sử Việt Nam - Tập 8: Đông Dương thuộc Pháp.

5. Nguyễn Ngọc Tiến (2013), Hoạt động quảng cáo ở Hà Nội xưa, Báo Hà Nội mới.

6. Lê Văn Nghĩa (2017), Quảng cáo, rao vặt trên báo chí Sài Gòn xưa, Báo Thanh niên.

7. Phạm Công Luận (2021), Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Nhà Xuất bản Phụ nữ.

8. Trần Vĩnh An (2018), Phụ nữ Tân Văn, một đỉnh cao của báo phụ nữ thời thuộc địa, Đài truyền hình TP.HCM.

'Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí'

'Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí'

Tiêu điểm
(VNF) - Theo các chuyên gia và lãnh đạo các cơ quan báo chí, Luật Báo chí chưa có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế.
'Không có kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh'

'Không có kinh tế, không thể có cơ quan báo chí mạnh'

Tiêu điểm
(VNF) - Nhấn mạnh kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được.
Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Điểm danh những tờ báo kinh tế đầu tiên

Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Điểm danh những tờ báo kinh tế đầu tiên

Tiêu điểm
(VNF) - Cách đây hàng trăm năm, Việt Nam đã xuất hiện những tờ báo viết về kinh tế, trong đó nổi bật với những cái tên như Nông Cổ Mín Đàm, Thực Nghiệp Dân Báo, Khai Hóa Nhật Báo, Đăng Cổ Tùng Báo … Dù những tờ báo này đã bị đình bản từ lâu nhưng chúng đã để lại những đóng góp không nhỏ vào bề dày lịch sử báo chí nước nhà.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.