Kinh tế thế giới sẽ đối diện với một 'kỷ nguyên băng'

Hải Đăng - 24/02/2021 09:50 (GMT+7)

(VNF) - Những tháng liền kề đại dịch COVID-19, các dự báo ngắn hạn về kinh tế toàn cầu có vẻ bớt ảm đạm. Nhưng đánh giá triển vọng dài hạn, hầu hết các nền kinh tế lớn đều được cho là bị suy thoái nghiêm trọng và sự phục hồi vẫn còn u ám.

VNF
Kinh tế thế giới bị đảo lộn bởi đại dịch.

Các nhà phân tích phương Tây hàng đầu đang thảo luận tích cực về chủ đề này và đưa ra các kịch bản không nhiều khả quan. Nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Nuriel Roubini cho rằng, dịch bệnh COVID-19 hiện nay sẽ làm gia tăng khủng hoảng kinh tế và địa - chính trị. Virus corona sẽ gây ra sự sụp đổ trật tự thế giới mà theo ông, đang gây ra sự đứt gẫy của cấu trúc toàn cầu.

Giai đoạn tiếp theo sẽ là một “kỷ nguyên băng” kinh tế, các cuộc xung đột sẽ trầm trọng thêm, các biên giới sẽ bị đóng cửa, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan tràn và mọi điều có thể dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang. Sự phân tán xã hội sẽ tiếp tục, nhiều sự kiện sẽ được tổ chức trực tuyến, các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa, giao dịch mua sắm cũng sẽ được thực hiện thông qua internet.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn kéo dài và vaccine phòng, chữa bệnh COVID-19 chưa được sản xuất, cuộc khủng hoảng tiếp diễn, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào thời kỳ “đại khủng hoảng”. Quả thật, cho đến nay, các triệu chứng của khủng hoảng kinh tế đang ngày một rõ nét: giá cổ phiếu đang trồi sụt trên thị trường chứng khoán thế giới, giá vàng tăng cao, các mối ràng buộc kinh tế quốc tế đang bị phá vỡ, bao gồm cả ngành công nghiệp tự động hóa toàn cầu, các hội chợ thương mại quốc tế bị hủy bỏ và ngành công nghiệp du lịch đang bị suy thoái.

Theo báo cáo của Cơ quan xếp hạng tín dụng độc lập S&P (Standard and Poor’s), sự lan nhanh của dịch bệnh COVID-19 có thể làm cho các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mất 211 tỷ USD.

Theo nhiều nhà quan sát, cú sốc mang tên corona virus sẽ khiến thế giới thay đổi sâu sắc, trong đó các quá trình vỡ vụn của các nền kinh tế sẽ diễn ra trong nhiều năm. Sự bất ổn định về địa - chính trị, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và dịch bệnh COVID-19 sẽ làm trầm trọng thêm những xu hướng này, có thể dẫn đến sự phá hủy các mối quan hệ về sản xuất và giao thông, cũng như kéo lùi tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình hiện nay tồi tệ hơn giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 vì ba lý do sau: Thứ nhất, số nợ của các nước G20 cao hơn rất nhiều so với năm 2008.

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for international settlements) ở Basel, số nợ hiện nay của các nước G20 đã lên tới 240% GDP, so với 200% GDP năm 2008. Điều này có nghĩa là rủi ro của một sự sụp đổ tiềm năng được đánh giá là cao hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Thứ hai, sự tự do vận động của các ngân hàng trung ương và các bộ tài chính đã trở nên thấp hơn. Tương phản với năm 2008, ở nhiều nước, lãi suất ngân hàng giảm gần đến mức 0% và nợ chính phủ ở mức cao hơn nhiều. Nếu một cuộc suy thoái toàn cầu lớn xảy ra, các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải mua nợ chính phủ ở quy mô chưa có tiền lệ, tuy nhiên tình trạng này chưa biết có thể được duy trì bao lâu.

Thứ ba, sự hợp tác quốc tế sẽ bị hạn chế do chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Năm 2008, các biện pháp phối hợp toàn cầu đã được huy động để củng cố các điều kiện thị trường và các thị trường tài chính. Hiện nay rất khó có sự phối hợp như vậy giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cùng chuyên mục
Tin khác