Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế

KỲ THƯ - 13/10/2024 13:00 (GMT+7)

(VNF) - TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, cho rằng kinh tế tư nhân đã và đang là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bức tranh về kinh tế tư nhân không chỉ toàn màu hồng.

Ông đánh giá như thế nào về quá trình phát triển của kinh tế tư nhân từ khi Đổi mới đến nay?

TS Lê Duy Bình: Sau khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng, khu vực kinh tế tư nhân được công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau giai đoạn phát triển dè dặt ban đầu, doanh nghiệp tư nhân bắt đầu giai đoạn phát triển bùng nổ của mình sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành vào năm 1999. Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân lại được tiếp thêm động lực khi Nghị quyết 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2017 khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Sau hơn ba thập niên kể từ Đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nay đã trở thành nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

TS. Lê Duy Bình.

Tính đến năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân trong nước chiếm khoảng 39,2% GDP, trong đó các doanh nghiệp chiếm 9,7% và kinh doanh cá thể chiếm 29,5%. Cả nước hiện đang có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 15 triệu người lao động. Các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành khu vực cung cấp việc làm lớn nhất cho nền kinh tế.

Việc làm do các doanh nghiệp khu vực tư nhân tạo ra đã giúp hàng triệu người lao động dịch chuyển từ các công việc có thu nhập thấp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp sang làm việc ở những ngành có năng suất cao hơn với mức lương cao hơn, và đã đóng góp đáng kể cho tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, tăng trưởng bền vững và toàn diện ở Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân đóng góp đáng kể vào sự mở rộng của phạm vi che phủ về an sinh xã hội, BHXH. Các doanh nghiệp tư nhân và kinh doanh cá thể đóng hiện đóng góp khoảng 16,5% tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp tư nhân nay đã hiện diện và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt như tài chính, ngân hàng, bưu chính, hàng không, khai khoáng, sản xuất sắt, thép, luyện kim, ô tô, xe máy, sản xuất điện, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, văn hoá, y tế và giáo dục. Hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng trong nước đã được phát triển mạnh mẽ. Hàng hoá thương hiệu Việt vẫn giữ vị thế vững chắc trong hệ thống bán lẻ và các siêu thị. Phần mềm, trí tuệ máy tính do các doanh nghiệp trong nước phát triển được ứng dụng tại nhiều công sở, doanh nghiệp và người dân. Việt Nam bắt đầu được biết đến là quốc gia có những tỷ phú USD. Sự phát triển vượt bậc này nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người vào thời điểm khoảng ba thập niên trước đây.

Việt Nam nay được biết đến không chỉ là một địa chỉ hấp dẫn hàng đầu với các nguồn FDI mà còn bắt đầu được biết đến với các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, qua các thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua lại các doanh nghiệp nước ngoài, dự án tại nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế, quyền lực mềm của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới từ góc độ này.

Nhưng bức tranh về kinh tế tư nhân không chỉ toàn màu hồng. Một thống kê cho thấy khi mà khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng, trong khi 10 năm trước khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP.

Điều này phản ánh chất lượng tăng trưởng rõ ràng là một vấn đề cần được cải thiện. Những ý kiến nêu trên cho thấy hiệu quả từ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn gặp nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và chưa thực sự đóng góp cho yêu cầu cấp bách của Việt Nam là tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế để duy trì tăng trưởng kinh tế nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hạn.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đăng ký và doanh nghiệp đang hoạt động rất thấp. Với gần 1,5 triệu doanh nghiệp đã đăng ký nhưng hiện chỉ có khoảng 920,000 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Đã có những thời điểm như trong một quý của năm 2023 hay những tháng đầu năm 2024, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Cơ cấu về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân mất cân đối nghiêm trọng. Tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ. Chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp có quy mô cỡ vừa. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp, khiến ít doanh nghiệp có thể phát triển bền vững thành quy mô cỡ vừa và tiếp đó là quy mô lớn. Rõ ràng là Việt Nam cần đặt trọng tâm chính sách vào vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, và vào mục tiêu ngày càng có nhiều công ty vừa và lớn và được quản trị tốt hơn thay là chỉ hướng vào mục tiêu về số lượng doanh nghiệp.

Tổng cục Thống kê cho biết có tới 50,5% hay quá nửa doanh nghiệp tư nhân trong nước đang trong tình trạng thua lỗ. Tình trạng thua lỗ kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tích tụ vốn và đến quá trình lớn lên về quy mô của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức khiêm tốn và xuất khẩu của nền kinh tế phụ thuộc nhiều khu vực tư nhân nước ngoài. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước hiện đang vận hành như ba nền kinh tế song song với rất ít sự liên kết qua lại lẫn nhau. Hiện tượng phân mảnh, thiếu liên kết như hiện nay rõ ràng không có lợi cho sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế và của khu vực kinh tế tư nhân.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố mà Việt Nam sẽ không còn nhiều lợi thế như lao động giá rẻ, đất đai và chậm có chiến lược thích ứng. Những biến cố gần đây của nhiều tập đoàn tư nhân lớn cho thấy chất lượng quản trị công ty, quản trị doanh nghiệp, cung cách làm ăn, tầm nhìn về phát triển bền vững, trách nhiệm về xã hội, về kinh doanh liêm chính, phát triển bền vững còn nhiều hạn chế và cần được cải thiện. Tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giải cứu của nền kinh tế có xu hướng gia tăng. Tinh thần tuân thủ kỷ luật và nguyên tắc của thị trường vẫn chưa thực sự được thấm nhuần tại nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Ông đánh giá thế nào về mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á theo Nghị quyết vừa ban hành của Chính phủ?

TS Lê Duy Bình: Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa đựng nhiều yếu tố bất ổn, thiếu ổn định như từ năm 2019 trở lại đây, doanh nghiệp phải sẵn sàng tâm thế đối diện và vượt qua những khó khăn, thách thức bất ngờ. Trong bối cảnh đó, phấn đấu năm 2030 Việt Nam có ít nhất 10 tỷ phú, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á không hẳn là một mục tiêu dễ dàng.

Để có số lượng tỷ phú và doanh nhân như vậy bắt buộc phải dựa trên số lượng tương xứng các doanh nghiệp tư nhân lớn và mạnh. Mục tiêu như vậy đã nói lên yêu cầu cấp thiết phải nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp tư nhân trong. Với cơ cấu hiện tại của khu vực doanh nghiệp tư nhân, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa để có thể trở thành doanh nghiệp lớn, và doanh nghiệp lớn để có thể tạo nền tảng sản sinh ra các tỷ phú, doanh nhân quyền lực tầm cỡ châu lục là vô cùng ít ỏi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa chỉ chiếm 3,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp tư nhân cỡ lớn cũng chỉ chiếm 2,6%. Ngay cả khi được xếp hạng là doanh nghiệp quy mô lớn, yêu cầu về mức vốn của các doanh nghiệp này cũng mới chỉ là 300 tỷ đồng hay khoảng 12 triệu USD - một khoảng cách quá lớn để các doanh nghiệp tư nhân được xếp loại là quy mô lớn này của Việt Nam trở thành doanh nghiệp tỷ USD.

Để nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp tư nhân cần có khát khao với các mục tiêu lớn hơn, tầm nhìn rộng hơn, xa hơn, từ đó dẫn đến các quyết tâm hành động để biến những khao khát, tầm nhìn đó thành hiện thực.

Do vậy, nhằm xây dựng nội lực cho doanh nghiệp, cần có môi trường thuận lợi để doanh nghiệp vững tâm thực hiện các tầm nhìn, khát khao, hoài bão của mình, và một khung khổ pháp luật và văn hoá khuyến khích khuyến khích doanh nghiệp dám nghĩ lớn, làm lớn. Một yếu tố cần thiết khác là môi trường thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, giúp doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng kinh doanh của mình một cách thuận lợi, an toàn.

Các yếu tố quan trọng khác cần có là các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới. Đó cũng là một môi trường pháp lý, một văn hoá khoan dung với các các ý tưởng mới, với sự thất bại của các doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, và bắt đầu lại khi thất bại. Điều này sẽ khuyến khích tinh thần kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp không chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ mà còn ở các doanh nghiệp lớn.

Chỉ có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, bền bỉ và được nuôi dưỡng, khuyến khích trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn về vốn, nhân lực, công nghệ, trình độ quản trị để phát huy năng lực nội sinh, lớn mạnh về tầm vóc và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình và của cả nền kinh tế, từ đó mới có thể sản sinh ra được những tỷ phú, những doanh nhân quyền lực với thời gian và trong khoảng thời gian như Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành.

Tổng cục Thống kê cho biết có tới 50,5% hay quá nửa doanh nghiệp tư nhân trong nước đang trong tình trạng thua lỗ.

Trong các phát biểu chính thức, các nhà lãnh đạo luôn khẳng định kinh tế tư nhân là khu vực có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về điều này?

TS Lê Duy Bình: Thông điệp này đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt trước yêu cầu phải có sự đóng góp ngày một mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế tư nhân trước yêu cầu phát triển mới của đất nước.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam chính thức bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 và nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2023 khi GDP bình quân đạt khoảng 4.180 USD. Như vậy, để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện tại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới.

Theo Ngân hàng Thế giới kể từ năm 1990 tới nay, chỉ có 34 nền kinh tế thu nhập trung bình chuyển sang trạng thái thu nhập cao. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng nhiều nền kinh tế bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và cả Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” trừ khi các nền kinh tế này đổi mới mô hình tăng trưởng với một chiến lược khôn ngoan, hợp lý để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Mỗi một nền kinh tế này đều có những đặc thù riêng, cách thức để chuyển sang nấc thang mới về trình độ phát triển, nhưng công thức chung, phổ quát nhất để đảm bảo thành công đó là các nền kinh tế thu nhập trung bình cần đầu tiên tập trung vào mở rộng đầu tư, kế đến là tiếp nhận và hấp thụ công nghệ từ các nền kinh tế khác trên toàn thế giới và sau đó là chuyển sang giai đoạn đổi mới và sáng tạo.

Bí quyết của mỗi bước dịch chuyển sang nấc thang mới này là các cơ chế, chính sách để hình thành một lực lượng doanh nghiệp mạnh, năng động, vừa là lực lượng chính, vừa đóng vai trò trụ cột và vừa là động lực chính cho quá trình dịch chuyển từ trạng thái thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và từ thu nhập trung bình nên thu nhập cao.

Lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, chính là nhân tố quyết định cho việc tăng năng suất lao động, đảm bảo việc huy động và sử dụng vốn một cách hiệu quả, và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng. Lực lượng doanh nghiệp này chính là yếu tố quyết định cho việc mở rộng đầu tư, tiếp nhận và hấp thụ công nghệ và tiến hành đổi mới, sáng tạo và là phương tiện để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình và lọt vào nhóm các nền kinh tế có mức thu nhập cao.

Vì vậy, thông điệp này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi nó khẳng định quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân là khu vực có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Có quan điểm cho rằng một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, hơn cả các chaebol của Hàn Quốc về tốc độ là rủi ro với kinh tế Việt Nam do tư nhân dễ dàng chạy theo mục tiêu ngắn hạn của mình. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Lê Duy Bình: Sự lớn nhanh hơn cả các chaebol của Hàn Quốc của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không nên được coi là bất thường và không nên được coi là rủi ro với kinh tế Việt Nam nếu như các doanh nghiệp này lớn mạnh bằng tài năng và năng lực của chính mình, bằng các chiến lược kinh doanh khôn ngoan, và được xây dựng trên những nguyên tắc và nền tảng kinh doanh liêm chính và văn hoá doanh nghiệp lành mạnh.

Nhưng nó sẽ là bất thường nếu các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh dựa trên các tư duy làm ăn chụp giật, các mối quan hệ thân hữu, các chiêu trò nhằm chiếm giữ và thu hút nguồn lực của nền kinh tế vào doanh nghiệp mình bất chấp pháp luật, bất chấp lợi ích của bên thứ ba.

Củng cố văn hoá, tinh thần kinh doanh liêm chính để doanh nghiệp để các doanh nghiệp lớn mạnh về quy mô vì lợi ích của chính doanh nghiệp, các cổ đông của doanh nghiệp nhưng cũng phải vì lợi ích của cộng đồng, của các doanh nghiệp khác, của xã hội và vì lợi ích quốc gia cũng là một hướng đi đúng để phát huy nội lực, phát triển bền vững với các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn.

Trên nền tảng kết quả đạt được trong bốn thập niên vừa qua và với những chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian tới, tôi tin rằng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ tiếp tục khẳng định vị trí của mình là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân - một nền kinh tế tự chủ, tự cường. Doanh nghiệp mạnh, đất nước sẽ hùng cường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: toasoan@vietnamfinance.vn.

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới

Tiêu điểm
(VNF) - Năm 1986, với tuyên ngôn “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần”, thực chất cốt lõi là cho phép kinh tế tư nhân phát triển và chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT), công cuộc “Đổi Mới” đã tạo một bước ngoặt lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam.
Cùng chuyên mục
Bộ Công an: 46 đội lọt vào vòng trong cuộc thi Data for life 2024

Bộ Công an: 46 đội lọt vào vòng trong cuộc thi Data for life 2024

(VNF) - Cuộc thi "Dữ liệu với cuộc sống - Data for life năm 2024" nằm trong khuôn khổ triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

SGO Group – cuộc chơi địa ốc mới của ông Vũ Kim Giang

SGO Group – cuộc chơi địa ốc mới của ông Vũ Kim Giang

(VNF) - Sau khi đưa Hải Phát Land lên vị thế hàng đầu trong lĩnh vực phân phối bất động sản miền Bắc, ông Vũ Kim Giang đã khởi động một “cuộc chơi” mới mang tên SGO Group với quy mô và khát vọng to lớn hơn.

VNF cuối tuần: Để rộng đường phát triển cho kinh tế tư nhân

VNF cuối tuần: Để rộng đường phát triển cho kinh tế tư nhân

(VNF) - Cách đây 20 năm, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định công nhận ngày 13/10 hàng năm là Ngày doanh nhân Việt Nam, dựa trên sáng kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, theo đề nghị của Báo Doanh nhân Sài Gòn và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới

Nữ tỷ phú và ước mơ kết nối Việt Nam với thế giới

(VNF) - Trong nhiều năm liền, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo luôn đứng trong top đầu bảng xếp hạng tỷ phú của Việt Nam. Không quá khi nói rằng niềm đam mê đối với hàng không đã tạo nên duyên nghiệp cũng như những thành công của bà.

Thể lệ Cuộc thi viết và ảnh 'Đánh thức những miền đất'

Thể lệ Cuộc thi viết và ảnh 'Đánh thức những miền đất'

(VNF) - Tạp chí Đầu tư Tài chính sẽ tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề "Đánh thức những miền đất" dành cho mọi công dân Việt Nam, với mục đích tuyên truyền, cổ vũ cho các thành tựu của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả trước trong việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm thay đổi diện mạo của các địa phương, vùng miền trên cả nước

Bùng nổ thế hệ doanh nhân mới

Bùng nổ thế hệ doanh nhân mới

(VNF) - Phần lớn Thế hệ Z (Gen Z) trưởng thành trong đại dịch Covid-19, thời điểm đánh dấu sự bất ổn xã hội sâu sắc khi tỷ lệ nghỉ việc kỷ lục và tình trạng kiệt sức lan rộng. Điều đó dường như thôi thúc những người trẻ muốn làm chủ chính mình và làm công việc có ý nghĩa với tinh thần tự chủ và linh hoạt.

Bán đất không sổ đỏ bị phạt tới 100 triệu đồng

Bán đất không sổ đỏ bị phạt tới 100 triệu đồng

(VNF) - Hành vi chuyển nhượng đất đai khi không đủ 5 điều kiện bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60-100 triệu đồng đối với tổ chức.

Khát vọng của vua thép Trần Đình Long

Khát vọng của vua thép Trần Đình Long

(VNF) - Phần lớn các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất của Việt Nam đều thành công ít nhiều dựa vào bất động sản. Nhưng với Hòa Phát của ông Trần Đình Long, danh hiệu “Vua thép” đã khẳng định câu chuyện đầu tư và phát triển bằng công nghiệp, điều hiếm có và rất nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam trong vài thập kỷ qua.

Siêu bão Milton càn quét nước Mỹ, 'bố già AI' đoạt giải Nobel

Siêu bão Milton càn quét nước Mỹ, 'bố già AI' đoạt giải Nobel

(VNF) - Trong tuần vừa qua, những tin tức liên quan tới cơn bão "trăm năm mới gặp" có tên Milton đã chi phối sự quan tâm của thị trường. Bên cạnh đó, việc "bố già AI" đạt giải Nobel vật lý, lễ ra mắt Cybercab của Tesla hay việc Boeing cắt gỉảm việc làm cũng được quan tâm.