Làm đường sắt Bắc - Nam tiết kiệm 30 tỷ USD, Bộ GTVT giải trình ra sao?

Trí Anh - 09/07/2019 20:05 (GMT+7)

(VNF) - Bộ GTVT cho rằng với đề xuất làm đường sắt Bắc - Nam trị giá 58,7 tỷ USD, cơ quan này sẽ phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn để đảm bảo giảm áp lực nợ công.

VNF
Làm đường sắt Bắc - Nam tiết kiệm 30 tỷ USD, Bộ GTVT giải trình sao?

Chiều 9/7, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phát đi thông cáo báo chí về phản biện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng có thể chỉ cần 26 tỷ USD để làm tuyến đường sắt từ Hà Nội tới TP.HCM với tốc độ chạy tàu là 200 km/h, phù hợp với điều kiện kinh tế. Trong khi đó, Bộ GTVT lại chọn phương án chạy tàu tốc độ 350 km/h với số tiền 58,7 tỷ USD.

Bộ GTVT cho biết Bộ đề xuất Chính phủ phương án xây dựng tuyến đường tổng mức đầu tư là 58,7 tỷ USD và nhấn mạnh phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn.

"Với tổng mức đầu tư rất lớn của dự án, phương án phân kỳ đầu tư bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm đảm bảo hiệu quả dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp lực nợ công của nền kinh tế", bộ này cho biết.

Về phân kỳ, Bộ GTVT cho biết đang đề xuất 2 phương án theo chiều ngang và chiều dọc. 

Với phương án phân kỳ đầu tư theo chiều ngang, Bộ này đề xuất đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn với tốc độ thiết kế là 350 km/h.

Giai đoạn I (2020-2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,7 tỷ USD. Giai đoạn 2 (2032-2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến tổng mức đầu tư là 33,98 tỷ USD.

Với phương án phân kỳ đầu tư theo chiều dọc, Bộ GTVT đề xuất đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác.

Theo đó, giai đoạn I sẽ đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - TP.HCM đảm bảo tốc độ thiết kế 350 km/h nhưng chưa điện khí hóa. Nhà đầu tư sẽ mua sắm đoàn tàu diesel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150 km/h với tổng mức đầu tư là 41,98 tỷ USD.

Đến giai đoạn II mới tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tàu diesel để khai thác trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 17,11 tỷ USD.

Bộ GTVT cho biết đã lựa chọn phân kỳ đầu tư theo chiều ngang. Bộ này nhấn mạnh ý kiến của Bộ KH&ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án... sẽ tiếp tục được Bộ có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

"Bộ GTVT tiếp tục triển khai nghiên cứu dự án một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình và các quy định của pháp luật hiện hành", văn bản nêu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ GTVT xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có tổng chiều dài dự án khoảng 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM.

Bộ KH&ĐT cho rằng phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ tối đa 200 km/h là phù hợp, giảm chi phí đầu tư xã hội.

Cùng chuyên mục
Tin khác