(VNF) - Nhìn lại cả hành trình của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, có thể thấy sau thời gian chạy đà gom gió cho “con diều chứng khoán Việt” bay lên, đến nay thị trường đã “tự bay” được, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm dần.
“Chạy đà gom gió” cho chứng khoán Việt
Nếu để liên tưởng một hình ảnh phác họa hành trình của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì họ giống như những người chạy đà gom gió, đưa “con diều chứng khoán Việt” bay lên. Ví von như vậy là bởi khối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong thập niên đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ra đời vào năm 2000, sàn chứng khoán Việt đón hai tân binh đầu tiên là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty Cổ phần SACOM (SAM), cả hai doanh nghiệp này đều có chung một cổ đông là quỹ đầu tư nước ngoài: Dragon Capital. Trong vài năm đầu sơ khai, thị trường thăng hoa rồi sụp đổ, như một cách để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến cuối năm 2024, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm mới mở cửa thị trường, nhưng vẫn chỉ chiếm khiêm tốn 0,3% dân số Việt Nam.
Giai đoạn 2006 - 2008 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam, gắn liền với hai sự kiện rất lớn mang tính quốc tế: Tổng thống Mỹ George W. Bush và phu nhân có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào tháng 11/2006; và Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1/2007. Hai sự kiện này đã đẩy kỳ vọng của giới đầu tư lên cao và sự bùng nổ của thị trường là điều tất yếu.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán giai đoạn này tăng phi mã, từ khoảng 31.300 tài khoản vào cuối năm 2005 đã tăng lên khoảng 100.000 tài khoản vào cuối năm 2006 và tiếp tục tăng lên khoảng 349.000 tài khoản vào cuối năm 2007. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng rất mạnh, từ 436 tài khoản vào cuối năm 2005 lên khoảng 2.100 tài khoản vào cuối năm 2006 và tiếp tục tăng lên khoảng 8.400 tài khoản vào cuối năm 2007. Vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán ngày càng tăng, từ mức tỷ trọng 11% trong tổng giao dịch thị trường vào năm 2005 đã tăng lên mức 15% vào năm 2006, tiếp tục tăng lên 22% vào năm 2007 và sang năm 2008, con số là gần 25%.
Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của nguồn vốn ngoại khiến cho nhà đầu tư trong nước - phần lớn chưa được “trui rèn” qua những thăng trầm của thị trường - đổ xô mua bán theo nhà đầu tư nước ngoài. Và cũng chính thời kỳ này tạo ra “định kiến” cho đến mãi về sau này, rằng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng mạnh mẽ đến biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (nay là Công ty Chứng khoán SSI), thời đó cũng phải nhận định rằng: “Một thị trường mà nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh thì giá lên, bán mạnh thì giá xuống rõ ràng là không ổn”. Theo ông Hưng, thị trường chứng khoán Việt Nam muốn ổn định thì phải lấy nội lực làm chính.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009 nổ ra đã khiến “bong bóng” chứng khoán Việt Nam vỡ toang. Vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng dần dần không còn sức ảnh hưởng như trước.
Một nghiên cứu của ông Phạm Tiến Mạnh thuộc Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng, sử dụng số liệu về các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tháng 1/2010 đến hết tháng 12/2020, cho thấy các hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không có ảnh hưởng đến biến động chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index. Kết luận của nghiên cứu này thể hiện vai trò rất lớn của các nhà đầu tư nội trong giao dịch trên thị trường chứng khoán, với lực lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng giá trị giao dịch. So sánh tương quan với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở thời điểm này, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 75% ở Hàn Quốc và khoảng 70% ở Đài Loan về giá trị giao dịch.
Trong giai đoạn này, để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp tiếp tục được nới rộng. Thực tế cho thấy, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tổng giao dịch cũng có xu hướng tăng từ năm 2015 đến năm 2018, sau đó giảm rất nhanh, nhất là trong năm 2021 khi thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, và duy trì ở mặt bằng thấp cho đến nay.
Sự suy giảm ảnh hưởng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn đến từ việc họ chủ động rút vốn. Trong 5 năm gần đây, có tới 4 năm khối ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Số liệu trên sàn HoSE cho thấy, mức độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2020 đến đầu tháng 7/2024 lên tới 120.000 tỷ đồng, trong đó riêng nửa đầu năm 2024 đã lên tới trên 50.000 tỷ đồng, gần bằng mức rút ròng kỷ lục 56.200 tỷ đồng của năm 2021.
Nhìn lại cả hành trình của nhà đầu tư nước ngoài, có thể thấy sau thời gian chạy đà gom gió cho “con diều chứng khoán Việt” bay lên, đến nay thị trường đã “tự bay” được nhờ “cơn gió” nhà đầu tư trong nước.
Dấu chân của hai “người đặc biệt”
Nhắc đến nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, không thể không nhắc đến hai “người đặc biệt”. Cả hai đều đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng 3, đó là ông Don Lam - Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital và ông Dominic Scriven - Chủ tịch HĐQT Công ty Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam.
Ông Don Lam, được mệnh danh là “đại sứ đầu tư” của Việt Nam, được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 vào năm 2011. Đánh giá về sự kiện này, ông Nguyễn Hữu Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước thời điểm đó, nói đây là sự ghi nhận và tưởng thưởng cho những nỗ lực của Don Lam cùng các cộng sự tại Tập đoàn VinaCapital trong việc quảng bá, thúc đẩy sự lớn mạnh của thị trường tài chính, giúp xây dựng một môi trường đầu tư tốt hơn tại Việt Nam, trực tiếp và gián tiếp đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Don Lam là một trong những người đưa Diễn đàn WEF Đông Á về Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại TP. HCM năm 2010. Để đưa sự kiện này đến Việt Nam, Don Lam và các cộng sự phải mất hơn 2 năm để vận động và phải chạy đua với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á để giành quyền đăng cai. Giai đoạn 2010 - 2012, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều bất ổn, ông cùng các cộng sự đã “đi vòng quanh thế giới” để lắng nghe, trình bày, thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào định hướng hội nhập, tin vào tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, mà tiếp tục theo đuổi các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
“Trước đây, khi nói tới Việt Nam, đa số nhà đầu tư nước ngoài chỉ biết đây là đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, đã từng rất khó khăn… Nhưng nay, họ đã hiểu về một Việt Nam đang đổi mới từng ngày, kinh tế đang khởi sắc và xã hội đang không ngừng phát triển”, ông Don Lam trải lòng khi nhìn lại hành trình làm “đại sứ đầu tư” của mình.
Với “ông tây tóc đuôi ngựa” Dominic Scriven, Huân chương Lao động hạng Ba đến với ông vào năm 2014 trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Dragon Capital. Người đàn ông này đến Việt Nam từ khi nền kinh tế vẫn còn đang bị cấm vận từ Mỹ và sau khi Việt Nam được dỡ bỏ cấm vận vào năm 1994, ông thành lập Dragon Capital và sau đó đồng hành với thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu. Tới nay, Dragon Capital đang quản lý lượng tài sản lên tới khoảng 3 tỷ USD.
Ông Dominic Scriven gọi hành trình ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam là “đi từ số 0 đến số có”, một hành trình tạo ra “sự sống”. Theo ông, khi đã tạo ra được “sự sống” cho thị trường chứng khoán Việt Nam thì các thành viên thị trường phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và phát triển “sự sống” này.
“Dragon Capital có điều kiện để tham gia, gắn bó với sự lớn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi thị trường giảm thì chúng tôi cũng buồn và gánh chịu rủi ro, nhưng khi thị trường tăng trưởng thì cũng vui và phấn khởi. Vui mừng hơn nữa là chặng đường phát triển đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá vững chắc. Tôi hy vọng, với sự phát triển bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước bởi đây là nơi xứng đáng để các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào đầu tư”, “người đặc biệt” của ngành chứng khoán chia sẻ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone