Ngán ngẩm với 'luật ngầm' bảo hiểm, khối ngoại tìm 'ngách' riêng để sống

Hải Đường - 08/01/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Số lượng công ty bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1/4 trong tổng số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trong nước.

VNF
Ngán ngẩm với 'luật ngầm', khối ngoại tìm 'ngách' tăng thị phần bảo hiểm phi nhân thọ

Khối ngoại ngán ngẩm vì "luật ngầm"

Theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam là Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Prudential, Manulife, Dai-ichi Life và AIA. Dễ dàng nhận thấy, mảng bảo hiểm nhân thọ đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam lại dẫn đầu thị phần ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ.

Trong 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1/4. Về thị phần, doanh nghiệp top đầu đều là những doanh nghiệp thuộc các đơn vị trong nước như Công ty Cổ phần PVI, Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI),…

Vậy nguyên nhân nào khiến khối ngoại vắng bóng ở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ? Chia sẻ với VietnamFinance, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, cho biết các doanh nghiệp nước ngoài không “mặn mà” với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vì cách kinh doanh bảo hiểm của một bộ phận doanh nghiệp trong nước trong cả chục năm qua làm "móp méo" thị trường.

Cụ thể, vị chuyên gia này cho biết, việc kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng “đòi tiền lại quả”. Cụ thể, khi khách hàng tham gia bảo hiểm phi nhân thọ, họ sẽ yêu cầu một khoản chiết khấu không chính thức để “bôi trơn” cho những người ra quyết định ký hợp đồng bảo hiểm. Hành động này có thể được nhìn nhận như một hình thức đưa – nhận hối lộ tại doanh nghiệp.

Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khi triển khai kinh doanh tại Việt Nam hay tại các quốc gia khác bị ràng buộc nghiêm ngặt bởi đạo luật FCPA (đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài) của Mỹ, nghiêm cấm tham nhũng hải ngoại.

Theo FCPA, khi công ty con ở hải ngoại có hành vi đưa hối lộ thì công ty mẹ cũng sẽ bị phạt. “Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không thể học theo cách kinh doanh không chính thống này của một số doanh nghiệp tại Việt Nam”, vị chuyên gia này cho biết.

Thêm vào đó, quy định về hoa hồng của Bộ Tài chính rất chặt chẽ, nếu không phải đại lý sẽ không được nhận hoa hồng. Chuyên gia bảo hiểm cho biết, trước quy định này, thị trường bảo hiểm trong nước xảy ra tình trạng dựng lên đại lý ảo để hợp thức hoá các khoản hoa hồng, sau đó dùng phần tiền hoa hồng này để “chia chác” bên ngoài.

Còn theo TS Lê Bá Chí Nhân, yếu tố đang cản trở sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là khung pháp lý. Theo đó, dù Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã được sửa đổi và thông qua vào năm 2022, có hiệu lực vào năm 2023 nhưng sau khi ban hành 1-2 năm, diễn biến thị trường trên thế giới đã thay đổi và Việt Nam cần tiếp tục sửa luật để bắt kịp với nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

“Chúng ta đã có luật, đã có nghị định, thông tư nhưng vấn đề là đã phù hợp với diễn biến trên thị trường quốc tế hay chưa? Chúng ta cần rà lại khung pháp lý, xem nên điều chỉnh và sửa đổi ở lĩnh vực nào”, TS Lê Bá Chí Nhân cho hay.

Tìm “ngách” để chiếm miếng bánh phi nhân thọ

Dù số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam không chiếm phần nhiều, tuy nhiên đâu đó bóng dáng khối ngoại tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước vẫn hiện hữu với vai trò cổ đông lớn.

Đơn cử như tại BMI, Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA (Pháp) nắm giữ 16,65% vốn. Tại PVI, HDI Global SE (Đức) nắm giữ 38,89% vốn; Funderburk Lighthouse (quỹ đầu tư của Chính phủ Oman) nắm giữ 12,61% vốn. Tại BVH, Sumitomo Life (Nhật Bản) nắm giữ 22,09% vốn. Tương tự tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI),… đều có cổ đông lớn là các tổ chức nước ngoài.

Đáng chú ý, cuối tháng 12 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc để Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) chuyển nhượng cổ phần theo đề nghị của 2 doanh nghiệp này cho DB Insurance. Trước đó, VNI đã thông qua việc để DB Insurance nhận chuyển nhượng 75 triệu cổ phần, tương đương 75% vốn điều lệ của VNI. Về phía BSH, doanh nghiệp này cũng đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng 75% cổ phần cho DB Insurance.

Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này sẽ nắm quyền chi phối đối với VNI và BSH sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng. Theo chia sẻ của một chuyên gia bảo hiểm, các doanh nghiệp nước ngoài như DB Insurance khi nhận chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, tệp khách hàng mà họ nhắm tới là các công ty có vốn Hàn Quốc. 

“Bằng cách này, họ có thể đem nguồn tiền kinh doanh bảo hiểm về ngược lại nước họ mà không thất thoát ra ngoài. Tương tự, các công ty có vốn của Nhật Bản cũng sẽ thực hiện như vậy”, vị chuyên gia này cho hay.

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chủ yếu khai thác mảng bảo hiểm cá nhân, chẳng hạn như bảo hiểm ô tô

Còn đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam thì hoạt động như thế nào? Trên thực tế, các doanh nghiệp này vẫn bán được sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và thực hiện chủ yếu qua các công ty môi giới.

Theo chuyên gia, các sản phẩm chính mà những doanh nghiệp nước ngoài này khai thác là mảng bảo hiểm cá nhân, chẳng hạn như bảo hiểm ô tô, bảo hiểm sức khỏe. Đây cũng là những mảng bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận ít xuất hiện "luật ngầm" khi ký hợp đồng.

Sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A trong tương lai

Theo quan điểm của TS Lê Bá Chí Nhân, làn sóng M&A ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới và sẽ có thêm nhiều thương vụ mới. Vị chuyên gia này tiết lộ 3 lý do khiến doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đầu tư.

Thứ nhất là tình hình chính trị trong nước ổn định. Thứ hai là triển vọng phát triển kinh tế. Năm 2023, dù Việt Nam không đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% như Quốc hội đặt ra, nhưng mức trên 5% so với các nước đang phát triển thì Việt Nam vẫn thuộc top đầu. Cuối cùng là hạ tầng công nghệ. Theo đó, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng dù hạ tầng công nghệ của Việt Nam không thuộc top đầu, tuy nhiên cũng đã cập nhật hoàn chỉnh theo kinh tế thị trường thế giới.

Khối ngoại khi lấn sâu vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sẽ mang theo thương hiệu, kinh nghiệm trên thương trường quốc tế và sự am hiểu về quy luật bảo hiểm. Theo TS Lê Bá Chí Nhân, đây là cơ hội khi có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Tuy nhiên, việc này cũng sẽ làm miếng bánh thị phần co hẹp, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn và nỗ lực nhiều hơn.

“Chúng ta xây dựng thương hiệu tới một mức độ nhất định, vì một lý do nào đó mà không thể tiếp tục xây dựng thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhảy vào, dùng nền tảng chúng ta đã xây dựng làm bàn đạp để mở rộng thị trường mà không cần tốn nhiều công sức”, TS Lê Bá Chí Nhân cho biết. Theo ông, đây là vừa là cơ hội, cũng vừa là bất lợi trên thị trường bảo hiểm hiện nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác