Lạng Sơn: Trồng na trên núi đá, người dân Chi Lăng thu 700 tỷ đồng mỗi năm

Hoàng Hùng - 27/08/2022 10:22 (GMT+7)

(VNF) - Với diện tích trồng trên 2.300ha, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) cho biết mỗi năm ước đạt 20.000 tấn sản lượng, doanh thu đạt khoảng 700 tỷ đồng.

VNF
Huyện Chi Lăng thu 700 tỷ đồng từ sản phẩm na.

Ngày 26/8, UBND huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) đã tổ chức họp báo Hội chợ na Chi Lăng năm 2022 và chương trình truyền thông quảng bá thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các nông sản đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số.

Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường cho biết kinh tế huyện có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Cụ thể, Chi Lăng đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng dần, đạt khoảng 9%/năm. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân tính trên đầu người hiện nay đạt khoảng 36,5 triệu đồng/năm.

Sau 5 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã xây dựng và phát triển được các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực. Trong đó, đáng chú là vùng sản xuất na có diện tích trên 2.300ha tại các xã, thị trấn như xã Chi Lăng, xã Mai Sao, xã Thượng Cường, xã Vạn Linh, xã Y Tịch, xã Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.

 Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Nông Trường trả lời phóng viên tại buổi họp báo

Theo ông Vi Nông Trường, với diện tích trên, sản lượng na Chi Lăng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), trong khi đó, doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích na trên địa bản Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92ha.

"Nhờ phát triển cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá, có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm, nhiều thôn bản từ nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu. Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, khang trang, sạch đẹp", ông Vi Nông Trường cho hay.

Dự kiến đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ, xã Chi Lăng và xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP bốn sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao.

Chia sẻ thêm tại buổi họp báo, ông Vi Nông Trường cho biết chương trình "Hội chợ na Chi Lăng và các sản phẩm nông sản năm 2022" diễn ra vào ngày 9/9 tới đây sẽ giúp quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm na Chi Lăng và các nông sản đặc sản, tạo điều kiện phát triển nghề nông và nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, đồng thời góp phần phục hồi kinh tế của huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung.

 Na Chi Lăng được trồng trên những núi đá vôi cao hơn 200m

Na Chi Lăng có vị đặc trưng khác biệt hơn so với các vùng khác bởi na được trồng trên những núi đá vôi cao hơn 200m. Nhiều năm trở lại đây, na Chi Lăng được mùa, được giá, vùng na tiếp tục mở rộng, thay thế cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt từ 16.000 đến 20.000 tấn, giá na Chi Lăng giao động từ 30.000 đồng - 80.000 đồng/kg.

Được biết, trên địa bàn huyện Chi Lăng còn phát triển các sản phẩm khác như cây có múi (bưởi, cam, quýt...), nguyên liệu thuốc lá, cây ớt cay, lạc, hồi, thông. Trong đó, sản phẩm cây có múi có quy mô khoảng 500ha, sản lượng đạt trên 2.000 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 50 tỷ đồng/năm. Vùng quy liệu thuốc là có diện tích khoảng 800ha, sản lượng đạt trên 1.600 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 70 tỷ đồng/năm.

Vùng sản xuất cây ớt cay có quy mô khoảng trên 700ha, sản lượng ước đạt trên 7.000 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 100 tỷ đồng/năm.

Vùng lạc quy mô trên 500ha, sản lượng ước đạt trên 1.000 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 20 tỷ đồng/năm. Vùng hồi có diện tích đạt trên 1.500ha, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 1.300ha với sản lượng hoa hồi tươi đạt trên 1.200 tấn/năm, giá trị ước đạt trên 60 tỷ đồng/năm; riêng năm 2020 doanh thu ước đạt gần 100 tỷ đồng do giá hồi tăng cao

Còn vùng thông tập trung phát triển tại các xã Chiến Thắng, Vân An, Liên Sơn, Lâm Sơn, Vân Thủy, Hữu Kiên với quy mô trên 13.000ha. Vùng keo, bạch đàn với quy mô khoảng 15.000ha. Ngoài ra, chăn nuôi cũng là ngành sản xuất quan trọng trong tái cơ cấu ngành trên địa bàn huyện Chi Lăng. 

VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ  tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

GLOBALGAP là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice). Với mục tiêu tiên quyết tạo nên nền nông nghiệp an toàn và bền vững toàn cầu, các tiêu chuẩn GLOBALGAP được xây dựng nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất nông nghiệp trong 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Cùng chuyên mục
Tin khác