Lùm xùm doanh nghiệp muốn dừng đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng: Lạng Sơn lên tiếng

Chí Bình - 13/10/2021 17:30 (GMT+7)

(VNF) - UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc, đồng hành của các nhà đầu tư với tỉnh… chắc chắn dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ sớm được hoàn thành.

VNF
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn có chiều dài 143km, quy mô đầu tư  4 – 6 làn xe. Trong đó đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 107km (gồm 64km đoạn Bắc Giang – Chi Lăng và 43km đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị). 

Ngày 25/5/2018, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức bàn giao quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Theo đó, dự án bao gồm 2 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (dài 64km) kết hợp tăng cường Quốc lộ 1 với chiều dài 110km; dự án thành phần 2 là tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (dài 43km).

Dự án thành phần 1 với hợp phần tăng cường Quốc lộ 1 đã đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 7/5/2018, thu phí từ ngày 1/6/2018; hợp phần cao tốc hoàn thành và thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9/2019, đưa vào vận hành khai thác từ ngày 15/1/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/2/2020.

Trong quá trình vận hành, khai thác tuyến cao tốc, theo phương án tài chính được Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án năm 2016, nhà đầu tư được bố trí 2 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1A.

Sau khi rà soát lại dự án và phương án bổ sung đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối vào dự án thành phần 1, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đã kiến nghị chọn giải pháp bỏ 1 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1A để đảm bảo hài hoà lợi ích với người dân, địa phương và doanh nghiệp, trong đó khẳng định phương án tài chính của dự án vẫn khả thi.

Sau khi chuyển đổi cơ quan nhà nước, tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó bổ sung đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 (liên danh Công ty Cổ phần đầu tư UDIC – Công ty Cổ phần Licogi16 – Công ty Cổ phần Bê tông Hà Thanh).

Đến nay, dự án thành phần 2 đã hoàn thành công tác bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5km/43,6km (đạt 20%). Nhà đầu tư đã huy động được vốn chủ sở hữu với số tiền 424 tỷ đồng; giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng 149,7 tỷ đồng, chi phí tư vấn 54,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 37,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai do gặp khó khăn trong thu xếp, huy động nguồn vốn nên Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị đã có các văn bản đề nghị UBND TP. Lạng Sơn, UBND huyện Chi Lăng và UBND huyện Cao Lộc tạm dừng phê duyệt mới các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đến khi chủ đầu tư có văn bản đề nghị tiếp tục công tác giải phóng mặt bằng.

Trước tình hình đó, để đảm bảo dự án sớm được khởi động trở lại, Nhà đầu tư và UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện dự án và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

Để tiếp tục thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 2 cuộc họp để rà soát hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn với 2 phương án đầu tư, trong đó phương án 1 sẽ thực hiện theo phương thức kết hợp nguồn vốn thực hiện dự án của nhà đầu tư và nguồn vốn nhà nước trong để thực hiện dự án;

Với phương án 2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đề xuất nuồn vốn ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư được tách riêng biệt thành các dự án thành phần và quản lý độc lập với nhau. Nguồn vốn ngân sách nhà nước được quản lý và sử dụng theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn vốn của nhà đầu tư được quản lý theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Tại thời điểm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đề xuất phương án đầu tư dự án, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) đã có hiệu lực nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật về dự án PPP chưa có nghị định và các thông tư hướng dẫn, do vậy sau khi tham khảo phương án thực hiện các dự án cao tốc do UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất lựa chọn phương án 2.

UBND tỉnh Lạng Sơn sau đó đã có thông báo kết luận về việc lựa chọn phương án 2 để triển khai dự án như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề xuất nhằm đảm bảo sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trong các ngày 26 và 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Ngày 16/5/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có tờ trình trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với nội dung tách dự án thành phần 2 (tổng mức đầu tư khoảng 7.609 tỷ đồng) làm 2 tiểu dự án thành phần để thực hiện.

Cụ thể, tiểu dự án thành phần 1 bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, tổng mức đầu tư khoảng 781 tỷ đồng; tiểu dự án thành phần 2 sẽ thực hiện theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 6.828 tỷ đồng.

Ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị -  Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn theo phương thức đối tác công - tư.

Đến nay dự án thành phần 2 đã chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ giải trình ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định liên ngành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và biến động so với dự báo ban đầu tại phương án tài chính được duyệt và hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, đặc biệt là thông số lưu lượng xe dự báo trong phương án tài chính ban đầu chênh lệch lớn so với thực tế khai thác đã làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho dự án thành phần 1 với số tiền là 2.056 tỷ đồng, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn ý kiến việc bố trí vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ dự án thành phần 1 chưa có cơ sở thực hiện.

Cũng theo UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn, như sự xuất hiện của dịch Covid-19 làm giảm tốc độ phát triển kinh tế  - xã hội, ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án, một phần khó khăn từ các nhà đầu tư dự án.

Dù vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc, đồng hành của các nhà đầu tư với tỉnh…, chắc chắn dự án thành phần 2 (tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) sẽ sớm được hoàn thành.

Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (UPCoM: HHV) đã có văn bản gửi tới cơ quan hữu quan tỉnh Lạng Sơn kiến nghị một số vấn đề liên quan đến dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Đèo Cả cho rằng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn đề nghị phương án tách phần nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó là không phù hợp với các quy định của Luật PPP và chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Cũng trong văn bản này, Đèo Cả nhấn mạnh: "Nếu để Ban quản lý dự án tiếp tục làm đầu mối giải quyết các tồn tại nêu trên sẽ thiếu khách quan và không minh bạch, chúng tôi sẽ dừng việc tham gia đầu tư dự án và báo cáo kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xem xét giải quyết".

Cùng chuyên mục
Tin khác