Tiêu điểm

Lập ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Chính phủ còn phải trình 'cấp cao hơn'

(VNF) - Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư xác nhận kế hoạch lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước vẫn đang bỏ ngỏ.

Lập ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Chính phủ còn phải trình 'cấp cao hơn'

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, liên quan đến chủ trương thành lập Ủy ban quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hiện nay "chưa có chủ trương cuối cùng thành lập hay không thành lập".

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, việc quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều vấn đề bất cập. Vừa qua, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, khảo sát, tham khảo các mô hình về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đề xuất một mô hình để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

"Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có tờ trình lên Chính phủ kiến nghị thành lập một Ủy ban, không phải là ‘siêu ủy ban’, quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ. Việc này tương đối lớn, hiện nay Chính phủ dự kiến là trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao hơn, chứ quy định thì chưa có quy định về vấn đề này", ông Thu nói.

Trước đó, dự thảo nghị định thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) soạn thảo và đưa ra thảo luận.

Theo mô tả của các chuyên gia chấp bút, Ủy ban sẽ "có người chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả và kết quả kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

Theo dự thảo nghị định, Ủy ban sẽ quản lý 9 tập đoàn và 21 Tổng công ty với tổng tài sản ước tính lên tới 2 triệu tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD). Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng quản lý số tài khoản khổng lồ này của ủy ban, song đại diện CIEM cho rằng, so rộng ra thì mấy trăm tỷ USD cũng không phải là lớn.

Tin mới lên