Lật rõ chu trình mua bán, thổi giá của anh em ông Trịnh Văn Quyết
Tiểu An -
23/07/2024 14:15 (GMT+7)
(VNF) - Tại toà, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho hay, bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư và chỉ muốn xây dựng Công ty Faros để phát triển cả tập đoàn.
Gần trưa 23/7, sau nhiều giờ cách ly, HĐXX để bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC vào phòng xử bắt đầu thẩm vấn.
Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
'Không có ý định lừa đảo tiền của nhà đầu tư'
Tại phiên tòa, khi được hỏi về hành vi, bị cáo Trịnh Văn Quyết nhiều lần nói 'tôi tôn trọng cáo trạng' và chấp nhận sự phán quyết của HĐXX.
Trước bục khai báo, cựu Chủ tịch FLC xác nhận bản thân chỉ đạo mua lại Công ty GreenBell nhưng không nhớ mua với giá bao nhiêu.
Về mục đích khi nâng khống giá trị công ty, thao túng giá cổ phiếu, ông Quyết khẳng định 'chưa bao giờ có ý đồ chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư'.
"Việc thành lập hay mua lại công ty là để bị cáo thực hiện chủ trương làm về lĩnh vực xây dựng. Bị cáo luôn mong muốn có một công ty xây dựng để chủ động trong các hoạt động đầu tư, xây dựng của hệ thống FLC, thậm chí nếu phát triển tốt hơn sẽ xây dựng cho các dự án ngoài", ông Quyết nói và cho biết, đến thời điểm trước khi bị bắt, ông đã làm được việc đó.
Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Quyết thừa nhận bản thân không nhớ được số tiền đã sử dụng, số tiền hưởng lợi và thừa nhận mô tả trong cáo trạng. Ông Quyết cũng nói rằng việc khai ở phiên tòa là 'hoàn toàn tự nguyện'.
Làm theo chỉ đạo của anh trai và và không được hưởng lợi gì
Trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC) nhiều lần khai làm việc theo chỉ đạo của anh trai Trịnh Văn Quyết và không được hưởng lợi gì.
Về hành vi tăng vốn điều lệ Công ty Faros, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế khai, bị cáo Trịnh Văn Quyết giao cho bị cáo Huế chuẩn bị hồ sơ và đưa hồ sơ cho người thân, người quen ký, nhờ họ đứng đứng tên cổ đông, nộp tiền, rút tiền.
"Anh Quyết đưa danh sách nhiều người, trong đó có đánh dấu sẵn, ghi số lượng cổ phần. Bị cáo chỉ đánh máy lại danh sách và có thêm tiêu đề Danh sách cổ đông Công ty Faros rồi đưa lại cho anh Quyết", bị cáo Huế khai.
Ở hành vi thao túng chứng khoán, bà Huế khai nghe theo lời của Trịnh Văn Quyết đã đi mượn 45 chứng minh thư nhân dân của người thân, người quen để thành lập 20 công ty và mở 500 tài khoản chứng khoán.
"Đầu ngày, anh Quyết sẽ gọi điện, nhắn tin những số tài khoản chứng khoán đã chọn sẵn để giao dịch trong ngày. Sau đó, bị cáo mở máy tính và đặt lệnh những số tài khoản đã chọn. Khi nào anh Quyết nhắn tin mua, bán như thế nào bị cáo sẽ đặt lệnh và gửi lệnh đi. Trong phiên giao dịch, anh Quyết sẽ nhắn tin liên tục và bị cáo thao tác theo những gì anh nhắn", bị cáo Huế khai.
Theo bị cáo Huế, việc đặt lệnh diễn ra vào mọi khung giờ trong ngày. Trường hợp không đủ tiền để đặt lệnh, theo lời ông Quyết, bà Huế sẽ liên hệ với bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) ở Công ty chứng khoán BOS. Khi tài khoản được cấp đủ tiền, bà Huế sẽ đặt lệnh.
Với nhiều nội dung khác như tổng số tiền bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros qua sàn HOSE hay tiền bán sử dụng ra sao, số tài khoản thao túng chứng khoán… bà Huế đều khai do thời gian đã lâu không nhớ chính xác. Nhưng bà xác nhận các con số theo cáo trạng truy tố.
Theo cáo buộc, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Trịnh Văn Quyết để thực hiện hoặc chỉ đạo lại các bị cáo khác trong vụ án thực hiện việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Cũng với chỉ đạo của bị cáo Quyết, Huế mượn giấy tờ của 45 người, thành lập 20 công ty, mở 500 tài khoản chứng khoán. Sau đó, Huế cùng những bị cáo liên quan thực hiện việc mua bán, thao túng giá 5 mã cổ phiếu.
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.