Lo ngại thiếu điện tại miền Nam sau 2020 do nhiều dự án chậm tiến độ

Đức Duy - 05/06/2019 21:34 (GMT+7)

Theo Bộ Công Thương, để đáp ứng đủ điện, năm 2019 phải huy động thêm nguồn điện chạy dầu với sản lượng tương ứng khoảng 1,7 tỷ kWh và lên đến 5,2 tỷ kWh vào năm 2020.

VNF
Theo Bộ Công thương, việc cung cấp điện cho nền kinh tế giai đoạn sau năm 2020 sẽ hết sức khó khăn.

Việc cung cấp điện cho nền kinh tế giai đoạn sau năm 2020 sẽ hết sức khó khăn, nhất là khu vực miền Nam do nhiều dự án đang gặp vướng mắc hoặc chậm tiến độ.

Đây cũng là vấn đề được Bộ Công Thương nêu ra tại báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Giai đoạn 2018-2022 thiếu hụt khoảng 17.000 MW

Theo Bộ Công Thương, trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỷ kWh và phương án cao là 245 tỷ kWh.

Các năm 2019-2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó nhiệt điện than là 2.488 MW, thủy điện trên 30 MW sẽ cung cấp khoảng 592 MW, còn lại là các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tính tới ngày 30/5, đã có 47 dự án điện Mặt Trời với công suất 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia.

“Dự kiến, trong tháng Sáu tiếp tục có thêm 49 dự án với công suất vào khoảng 2.600 MW nữa. Như vậy sẽ có xấp xỉ 5.000 MW trong một thời gian rất ngắn để đáp ứng yêu cầu đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,” lãnh đạo EVN cho hay.

Với lượng điện được bổ sung như trên, theo Bộ Công Thương, hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc, song cũng cần phải huy động thêm nguồn điện chạy dầu với sản lượng tương ứng khoảng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và lên đến 5,2 tỷ kWh vào năm 2020.

Mặc dù vậy, việc cung cấp điện vẫn có thể gặp phải một số rủi ro, trong một số trường hợp, các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu về than và khí cho phát điện, rất có thể nhiều nơi phải đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Theo dự báo, khu vực miền Nam vào năm 2021 khả năng thiếu hụt khoảng 3,7 tỷ kWh và nâng lên 10 tỷ kWh vào một năm sau đó.

Trong khi đó, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2030 khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng hơn 15.200 MW. Bên cạnh đó, việc hụt cung chủ yếu từ các năm 2018-2022 với tổng công suất trên 17.000 MW.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Nói về nguyên nhân, theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, nhiều dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm, tập trung chủ yếu tại các dự án nhiệt điện phía Nam. Trong khi giai đoạn 2018-2019 không còn dự phòng về nguồn điện, do vậy từ 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Một vấn đề nữa dẫn đến nguy cơ thiếu điện tại khu vực miền Nam là do tiến độ các dự án khí Lô B, Ca Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm. Chưa kể một số dự án khác như Nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, hay dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025.

“Trường hợp dự án Nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024-2025 sẽ trầm trọng hơn,” đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, với 15 dự án BOT được triển khai trong giai đoạn 2016-2021, chỉ có 3 dự án đạt tiến độ, trong khi 12 dự án chậm tiến độ hoặc chưa thể xác định tiến độ do còn vướng mắc trong đàm phán. Chưa kể 4 dự án của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đều chậm tiến độ với công suất là 2.950 MW.

Trong khi đó, các dự án năng lượng tái tạo dù liên tục hòa lưới điện thời gian vừa qua, song hạ tầng lưới điện 110-500 kV tại nhiều nới không đáp ứng được yêu cầu truyền tải.

Thông tin thêm về việc này, ông Võ Quang Lâm cho biết, để đầu tư được một hệ thống lưới điện 220 kV phải mất từ 3 đến 5 năm và thời gian sẽ dài hơn với hệ thống 500 kV.

“Vấn đề lớn nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai. Các thủ tục để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư không mất nhiều thời gian nhưng liên quan đến đất rừng, liên quan đất canh tác, tất cả đều phải qua nhiều thủ tục. Chính vì vậy quá trình thực hiện tất cả các đấu nối này thời gian dài hơn,” đại diện EVN bày tỏ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Nhà nước định hướng tập trung khuyến khích phát triển vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời… nhiều dự án Bộ Công Thương đã tiếp nhận và có một số đã đi vào hoạt động và sắp tới có thể sớm đi vào hoạt động, song cũng có những thách thức.

Đơn cử, Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện, hay việc thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị…

“Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về việc mấy trăm dự án năng lượng mặt trời đã đăng ký bị ngưng trệ, không triển khai được. Các dự án năng lượng tái tạo đã hoặc sắp hoàn thành có nghĩa là sản xuất ra điện nhưng để đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia thì phải có nguồn tài chính của EVN để đầu tư, xây dựng hệ thống đấu nối vào mạng lưới điện quốc gia,” ông Hải cho biết thêm.

Trước những tồn tại nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy nhanh việc đưa các dự án điện vào hoạt động.

Một vấn đề mà cơ quan này lưu tâm đó là đảm bảo cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khí, cụ thể là cho phép nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) tại khu vực Tây Nam Bộ khi triển khai xây dựng nhiệt điện khí Kiên Giang, đồng thời nghiên cứu xem xét bổ sung một số nhà máy điện sử dụng khí LNG như Long Sơn (Vũng Tàu), Cà Ná (Ninh Thuận), nhằm thay thế cho các nguồn điện chậm tiến độ hoặc có nguy cơ không thực hiện được.

Trong báo cáo tiến độ Quy hoạch điện VII, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhắc tới phương án mua điện từ Lào và Trung Quốc để bổ sung công suất cho hệ thống điện và cho phép EVN đàm với với CSG để tăng nhập khẩu điện Trung Quốc qua đường dây 220 kV…

Về dài hạn, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị xây dựng cơ chế giá điện hợp lý, đủ sức thu hút các nhà đầu tư phát triển nguồn điện và tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thực hiện đúng tiến độ, đồng thời lựa chọn các nhà đầu tư, tổng thầu có đủ năng lực. Trường hợp không đáp ứng thì kiên quyết thu hồi dự án hoặc thay thế nhà đầu tư…

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác