Luật Doanh nghiệp: Thực hiện 3 năm lộ ra 4 vấn đề, Bộ Kế hoạch muốn sửa 23 điều khoản

Lê Nguyễn - 15/02/2019 16:14 (GMT+7)

(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13. Trong đó, Bộ dự tính sửa đổi 23 khoản liên quan đến 23 Điều của Luật Doanh nghiệp.

VNF

4 “điểm nghẽn” của Luật Doanh nghiệp

Theo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ bốn nhóm vấn đề khiếm khuyết.

Một là sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật khác có liên quan, như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán…).

Sự phân tán và khác biệt về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã gây cản trở, khó khăn, tốn kém và bất lợi cho các doanh nghiệp có liên quan trong cơ cấu lại hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh.

Chẳng hạn như một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp sẽ phải giải thể và thành lập một doanh nghiệp mới nếu muốn chuyển hoàn toàn sang kinh doanh một lĩnh vực mới mà theo quy định pháp luật lại phải đăng ký tại một cơ quan chuyên ngành – ví dụ Sở Tư pháp, Sở Tài chính. Hậu quả là ngoài chi phí thực hiện thủ tục hành chính có liên quan thì doanh nghiệp mất đi tính liên tục trong kinh doanh, không tận dụng được lợi ích về hình ảnh, thương hiệu đã xây dựng.

Nhóm vấn đề thứ hai là một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm: đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh; làm dấu tại cơ sở khắc dấu; thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh; mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh….

So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo so sánh của Ngân hàng thế giới năm 2019, nước ta được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế. Thực tế cho thấy một số thủ tục trong số các thủ tục nêu trên đã không còn cần thiết, chẳng hạn như thông báo mẫu dấu ….

Ngoài ra, một số thủ tục hành chính khác không còn phù hợp, không còn cần thiết; do đó, tạo ra chi phí không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ yêu cầu về báo cáo thông tin của người quản lý công ty (Điều 12), yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thường xuyên gửi thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho tất cả quận, huyện, thị xã (các Điều 34, 46)....

Nhóm vấn đề thứ ba là một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chưa có quy định xác định người đại diện theo pháp luật trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật và điều lệ công ty không quy định về phân công quyền, nhiệm vụ giữa những người đại diện theo pháp luật. Quy định này dẫn đến khó khăn trong xác định người đại diện theo pháp luật dẫn đến khó làm việc với công ty để giải quyết vụ tranh chấp; dẫn đến kéo dài và thiệt hại lợi ích cho bên có liên quan.

Hay như Luật Doanh nghiệp yêu cầu một số chức danh quản lý trong doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn, bằng cấp nhất định, ví dụ yêu cầu Giám đốc công ty phải có chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị công ty (Điều 65 Luật doanh nghiệp). Các yêu cầu này hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, vừa không có hiệu lực thực tế, hạn chế cơ hội việc làm và nhà đầu tư trong tham gia quản lý doanh nghiệp, tác động bất lợi đến khởi nghiệp, sáng tạo.

Hoặc Luật Doanh nghiệp quy định trong một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập công ty thì phải thông báo với cơ quan cạnh tranh (các Điều 194 và 195 Luật Doanh nghiệp). Quy định này hiện không còn tương thích với quy định tương tự trong Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018 về thông báo tập trung kinh tế.

Nhóm vấn đề thứ tư là một số quy định chưa tạo thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; ngược lại, cản trở đến thực hiện quyền của cổ đông.

Thực tế việc thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy một số quy định của Luật Doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông thực hiện quyền của mình. Một số quy định “vô hình” tạo rào cản cho cổ đông trong bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình hoặc bị cổ đông lớn, công ty lạm dụng gây thiệt hại cho cổ đông.

Ví dụ, khoản 2 Điều 114 quy định cổ đông phải có thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu 6 tháng mới có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị. Quy định này đã hạn chế quyền của cổ đông, đặc biệt trong trường hợp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp: nhiều cổ đông sau khi mua một số lượng cổ phần rất lớn nhưng khó khăn trong tái cấu trúc công ty, thiết lập lại bộ máy quản lý, điều hành, nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, một bất cập khác của Luật Doanh nghiệp là việc định nghĩa doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, Luật định nghĩa doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đồng thời Luật có một mục riêng quy định về cơ cấu tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

Khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp không còn tương thích với  nội dung Nghị quyết  Hội nghị TW 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn).

Sửa đổi một loạt điều khoản

Sau khi chỉ ra các “điểm nghẽn” như trên, dự án Luật Đầu tư, doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến sửa đổi tại 23 khoản liên quan đến 23 Điều, quy định trong 5 chương của Luật Doanh nghiệp.

Trong đó: bãi bỏ hoàn toàn 1 điều: các điều 12; bãi bỏ hoàn toàn 6 khoản: (khoản 2 và 5 Điều 44; khoản 2 Điều 65; điểm c khoản 3 điều 139; điểm a, b và c khoản 1 Điều 192 và khoản 2 Điều 193); bãi bỏ một phần hoặc sửa đổi nội dung tại 17 khoản khác.

Một số sửa đổi đáng chú ý như: sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước; bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cho cơ quan đăng ký kinh doanh; bỏ yêu cầu cơ quan đăng ký kinh phải định kỳ gửi thông tin đăng ký doanh nghiệp và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cùng cấp, UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; bỏ yêu cầu Giám đốc/Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong trong quản trị kinh doanh.

Hay như: bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần đối với cổ đông để có thể thực hiện một số quyền nhất định, ví dụ như giới thiệu ứng cử viên HĐQT, xem xét, trích lục thông tin của công ty; bãi bỏ các điểm a, b, c khoản 1 Điều 192, khoản 2 Điều 193 về cách thức chia, tách doanh nghiệp, cách thức chia, tách doanh nghiệp sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định và lựa chọn…

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.