Metro Nhổn - Ga Hà Nội khoan hầm ngầm xuyên lòng đất từ quý II/2024

Kỳ Thư - 09/05/2024 16:30 (GMT+7)

(VNF) - Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.

Tại Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể khoảng 78,52% giá trị hợp đồng, đối với đoạn đi ngầm, nhà thầu đang tập trung thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý II/2024.

Trước đó, vào hồi tháng 1/2024, Thanh tra TP. Hà Nội đề nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khiến dự án Nhổn - ga Hà Nội nhiều lần lùi tiến độ, đội vốn từ 783 lên 1.378 triệu euro.

Thanh tra TP. Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra một số nội dung tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (metro Nhổn - ga Hà Nội). Đơn vị này thanh tra ba nội dung: Đánh giá hồ sơ dự thầu; ký hợp đồng với nhà thầu và giám sát, sử dụng nhà thầu phụ.

Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình. Theo kết luận thanh tra, hầu hết quận chậm bàn giao mặt bằng, trong đó quận Đống Đa mất 10 năm kể từ khi ra thông báo thu hồi đất đến khi bàn giao mặt bằng để thi công hai ga ngầm S10 Cát Linh và S11 Văn Miếu. Quận Ba Đình hoàn thành giải phóng mặt bằng để làm ga S9 Kim Mã mất 9 năm và quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng khu vực ga S12 (đối diện ga Hà Nội) sau 6 năm.

“Trách nhiệm thuộc về UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án qua từng thời kỳ”, kết luận của Thanh tra Hà Nội nêu.

Ngoài bàn giao mặt bằng chậm, việc di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng chậm, thời điểm thanh tra vào làm việc năm 2022 vẫn chưa hoàn thành phần việc này. Việc ký kết bàn giao mặt bằng của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho nhà thầu cũng không đúng tiến độ, thời gian chậm nhiều nhất so với tiến độ là 3 năm 8 tháng.

Thanh tra thành phố cho rằng trách nhiệm để xảy ra chậm tiến độ các phần việc nêu trên thuộc về MRB qua từng thời kỳ từ năm 2013 đến 2022. Cơ quan này đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm các tổ chức và cá nhân để xảy ra các tồn tại nêu trên; tham mưu cho UBND TP Hà Nội xử lý theo quy định; chỉ đạo MRB khắc phục những tồn tại.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.