Tiêu điểm

'Miếng bánh' bán lẻ trăm tỷ USD: Ngoại thèm thuồng, nội cố giữ vị thế

(VNF) - Doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc với doanh nghiệp gian lận thương mại...

'Miếng bánh' bán lẻ trăm tỷ USD: Ngoại thèm thuồng, nội cố giữ vị thế

Thị trường đầy hấp dẫn

Công ty dự báo xu hướng tiêu dùng WGSN gọi Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đối với các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm 2023. Việt Nam đã nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch. Số lượng công ty khởi nghiệp cũng đã tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu dịch Covid-19 đến giữa năm 2022. Những cải tiến về cơ sở hạ tầng logistics góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử của Việt Nam ước đạt giá trị 49 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng 8,4%.

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP. Trong đó, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá) chiếm khoảng 75%, còn các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chiếm khoảng 25%. Tiềm năng thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam còn rất lớn, khi tỷ trọng ở Thái Lan lên đến 48%, Phillipines 75% và Singapore 80%...

Kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do Vietnam Report thực hiện cho thấy, trên 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, bất chấp tình hình thế giới có nhiều bất ổn. Đặc biệt, trong cuộc đua phục hồi sau dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự tăng tốc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng số hóa vào quản trị, vận hành, logistics lẫn phân phối.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hiện nay được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, cũng như các ngành nghề liên quan gồm vận tải, lưu trú và nỗ lực kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng.

Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo một nghiên cứu của HSBC, đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam sẽ vượt xa Thái Lan, Anh và Đức. Cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho thấy, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng trong năm 2023. Trong số đó, 80% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng trong 1 - 2 năm tới.

Theo Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBVN), sức mua của ngành bán lẻ dự báo sẽ có sự hồi phục từ 6 tháng cuối năm 2023. Hỗ trợ cho kỳ vọng đó là các quyết sách kích thích cầu nền kinh tế của Chính phủ. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, chính sách tăng lương cơ bản và giảm thuế VAT cũng bổ trợ cho ngành bán lẻ. Cụ thể từ 1/7/2023, nhiều nhóm hàng hoá tiêu dùng cũng được chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.

Thu hút nguồn vốn lớn

Tính đến nay, Tập đoàn Lotte đã đầu tư khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam và đang coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ ba sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Tập đoàn hiện đang vận hành 270 nhà hàng Lotteria và 15 địa điểm Lotte Mart tại Việt Nam. Tập đoàn cũng dự kiến xây dựng một khu phức hợp lớn mang tên Eco Smart City. Dự án 900 triệu USD này sẽ có diện tích 50.000m2 tại Thủ Thiêm. Còn tại Hà Nội, công ty sẽ hoàn thành việc xây dựng Lotte Mall vào năm 2023. Theo đại diện Lotte Mart Việt Nam, trong trung và dài hạn thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Với Central Retail, vào đầu 2023, nhà bán lẻ từ Thái Lan này đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Theo Central Retail, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu kinh doanh đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và trung tâm thương mại. Nằm trong top các nhà bán lẻ Việt Nam, Central Retail Việt Nam đã có hơn 340 cửa hàng với tổng diện tích sàn hơn 1,2 triệu m2 trên 40 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch mở rộng, Central Retail Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 trên 57 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào năm 2027, với tổng diện tích sàn dự kiến đạt 2 triệu m2. Theo Central Retail, Việt Nam là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, khoảng 21-22% tổng doanh thu; riêng năm ngoái, con số này là 25%.

Chuỗi bán lẻ khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam cũng đang tích cực làm việc với chính quyền các tỉnh, thành để xem xét việc mở điểm bán mới, không những tại các thành phố lớn mà còn tại các thành phố cấp 2, cấp 3 để mở những siêu thị với quy mô nhỏ hơn với diện tích khoảng 2.000 - 3.000 m2 hoặc mở các trung tâm giao hàng dành cho khách hàng Horeca (khách sạn, nhà hàng).

Với Tập đoàn AEON, Việt Nam là nước AEON đầu tư lớn nhất trên thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD. Về kế hoạch sắp tới, AEON sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị và khu vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại ở Nhật Bản. Không chỉ mở những trung tâm thương mại quy mô lớn, AEON liên tiếp bắt tay với hai hệ thống siêu thị lớn của Việt Nam là Citimart ở phía Nam và Fivimart ở phía Bắc, qua đó tạo ra hai liên doanh mới với tên gọi Aeon Citimart và Aeon Fivimart.

Dự báo tới đây, sẽ có 4 dự án trung tâm thương mại chào sân vào năm 2023 là Central Premium plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới. 

Hiện Việt Nam có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi; trong đó, doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 70 đến 80% số điểm bán trên cả nước. Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách Hoá Xanh…

Hệ thống siêu thị Co.op Mart đang dẫn đầu doanh thu bán lẻ siêu thị (với số lượng khoảng 130 siêu thị bán hàng) tại thị trường Việt Nam, doanh số gần 31.000 tỷ đồng (năm 2022), trong đó mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp doanh thu của Saigon Co.op vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2023.

Hệ thống Winmart+ đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu khi chuỗi này được Masan tiếp quản từ Vingroup. Sau khi đóng cửa một số cửa hàng kinh doanh thua lỗ, Winmart+ đã mở gần 500 cửa hàng mới. WinMart+ hiện là chuỗi bán lẻ dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng. Tính đến tháng 3/2023, đơn vị này sở hữu 3.049 cửa hàng khắp cả nước. Theo công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, doanh thu thuần của WinCommerce (WCM), đơn vị sở hữu chuỗi Winmart+ và Winmart, ghi nhận đạt 29.369 tỷ đồng.

Chuỗi Bách Hóa Xanh thuộc Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) do định hình lại chiến lược nên đã đóng nhiều cửa hàng trong năm 2022. Năm 2022, doanh thu của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh là hơn 27.000 tỷ đồng với tổng số 1.728 cửa hàng tính đến cuối năm. Còn theo số liệu mới nhất, trong tháng 6/2023, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh trong tháng 6 đạt 1,45 tỷ đồng/cửa hàng.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hệ thống bán lẻ Việt Nam đang chiếm ưu thế cả về sự hiện diện ở các địa điểm cũng như tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Chẳng hạn, tổng diện tích hệ thống bán lẻ nội địa tại các trung tâm thương mại lên đến hàng triệu m2, gấp hơn 2 lần so với hệ thống bán lẻ nước ngoài.

Khó khăn là cơ hội

Kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn khủng hoảng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sụt giảm doanh thu trên hầu hết các ngành hàng. Theo nghiên cứu của McKinsey Việt Nam, có 60% người tiêu dùng Việt tìm cách tiết kiệm tối đa khi mua sắm. Dù vậy, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tổng chi tiêu trong đạt 5,5% một năm, cao hơn trung bình khu vực. Điều này cho thấy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội, đây là lý do để các nhà bán lẻ tiếp tục đầu tư mở rộng.

Số cửa hàng tự chọn như siêu thị mini trên cả nước hiện có 4.000 nhưng nếu so với Nhật Bản hay các quốc gia lân cận khác thì còn rất thấp. Việc tăng quy mô của kênh bán lẻ hiện đại sẽ đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất trong nước, chuyển dịch mô hình sản xuất hiện đại, an toàn, đảm bảo kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, thương hiệu và bền vững.

Theo các chuyên gia, có thể ví 2 năm đại dịch như giai đoạn nghiên cứu thị trường và năm nay chính là thời điểm chín muồi để các thương hiệu bán lẻ tung ra các kế hoạch mở rộng cũng như bứt phá trong cuộc đua. Thói quen tiêu dùng của người Việt đang dần thay đổi khi họ chuyển sang mua sắm cùng tại một địa điểm thay vì đến các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống. Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ mang lại cho các nhà bán lẻ nhiều cơ hội kinh doanh hơn nhờ vào sự gia tăng hiện đại hóa các trải nghiệm mua sắm.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử tại Việt Nam có tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lên đến 25% (theo Vietnam E-Commerce White Book 2022, Bộ Công Thương).

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang nỗ lực giữ lợi thế sân nhà, họ không ngừng đổi mới quản trị, nhận diện thương hiệu, tái cơ cấu ngành hàng, ứng dụng công nghệ, cải tiến bán hàng… Ưu thế của các doanh nghiệp Việt là có siêu thị, cửa hàng dày đặc trong các khu dân cư với nhiều mô hình hoạt động linh hoạt. Chính phủ cũng có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… góp phần thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa phát triển.

Năm 2023, Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh số tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, triển khai nhóm nhiệm vụ trọng tâm là cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hoá - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hoá trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị; đẩy mạnh, đa dạng hoá thương mại điện tử…

WinCommerce, bên cạnh việc duy trì hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh, thành phố, đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng, tập trung vào mô hình minimart, mini mall ở khu vực thành thị, nông thôn. Đơn vị này cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần khoảng 36.000 - 40.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 23% đến 38% so với năm 2022.

Trong khi đó, Tập đoàn THACO, sau khi mở thêm siêu thị Emart Sala (TP. Thủ Đức), Thiso Retail (thuộc THACO) đặt mục tiêu mở tiếp 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, doanh thu đến năm 2026 dự kiến là 1 tỷ USD. Ngoài kênh bán hàng trực tiếp, Emart Việt Nam cũng sẽ chú trọng và đầu tư vào ứng dụng mua sắm trực tuyến, vận hành hệ thống lấy hàng tự động, giao hàng đến người mua trong vòng 1 giờ trong bán kính 5km.

TS. Nguyễn Thị Phượng (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp), trong nghiên cứu “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ nội địa”, đã chỉ ra, doanh nghiệp bán lẻ nội địa còn một số hạn chế so với doanh nghiệp nước ngoài, là nguồn lực tài chính có hạn; chưa có chiến lược kinh doanh; tính chuyên nghiệp và quản trị doanh nghiệp yếu; chỉ có từ 5 - 7% nguồn nhân lực đã qua đào tạo; chi phí kho vận cao; sự liên kết giữa sản xuất và phân phối còn lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh...

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, mà còn cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc với doanh nghiệp gian lận thương mại...

Các chuyên gia dự báo trong vòng 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, khi đó, khối ngoại có quyền thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt để giành thị phần bán lẻ hàng tỷ USD. Khó khăn, thách thức, đồng thời cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lẫn nhà đầu tư từ nước ngoài.

Tin mới lên