Mở rộng không gian biển: Động lực trăm tỷ USD thúc đẩy kinh tế
(VNF) - Lấn biển không còn là vấn đề bàn cãi làm hay không làm, mà trở thành xu thế tất yếu. Từ bài học thành công của nhiều quốc gia cùng với lợi thế vốn có của Việt Nam, nếu được quy hoạch bài bản và có tầm nhìn, đây sẽ là động lực “khổng lồ” để tăng trưởng kinh tế
Cơ hội hút hàng trăm tỷ USD đầu tư
Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, diện tích lấn biển của thế giới đã đạt tới 2.500 km2, tương đương diện tích của Luxembourg – một quốc gia tại Tây Âu.
Hoạt động mở rộng không gian biển được các quốc gia Châu Âu thực hiện từ rất sớm. Đi đầu là Hà Lan, sau đó phổ biến ở khu vực Đông Á, Trung Đông và Đông Nam Á. Các quốc gia dẫn đầu về diện tích lấn biển phải kể đến Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)…
Hà Lan được biết đến là đất nước có nhiều dự án lấn biển nhất trên thế giới với khoảng 3.500 công trình, thành phố được xây dựng dọc các con kênh biển. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch đồ sộ nhằm xây dựng hàng loạt công trình chống ngập lụt. Nổi bật trong số này là một hệ thống bao gồm 13 con đê có tổng chiều dài 16.496 km, với 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi. Toàn bộ tổ hợp này có chi phí lên tới 5 tỉ USD.
Hay khu bãi bồi của Cape Town (Nam Phi) cho đến những năm 1940 vẫn còn ngập trong nước. Nhờ lấn biển, 195 ha ở bờ biển phía Nam và Đông Nam vịnh Núi Bàn nhìn vào khu trung tâm đã được hình thành để xây dựng cảng, mở rộng Cape Town.
Ngay sát Việt Nam, Trung Quốc đã bắt đầu lấn biển quy mô lớn từ năm 1949. Tính đến những năm 1990, tổng diện tích lấn biển đạt khoảng 13.000 km2 dọc theo đường bờ biển các địa phương như Quảng Đông, Giang Tô, Liêu Ninh, Thượng Hải, Chiết Giang và các đặc khu hành chính kinh tế như Hong Kong, Macao… Tính đến năm 2021, tổng diện tích các dự án lấn biển của Trung Quốc đã vượt hơn 20.000km2.
Kết quả năm 2023, kinh tế biển thu về cho Trung Quốc gần 10 tỷ NDT (khoảng hơn 1,4 tỷ USD). Trong đó, du lịch biển thu về hơn 1,4 tỷ NDT, tăng 10% so với cùng kỳ và dịch vụ kinh tế biển thu về gần 5,9 tỷ NDT. Trong số các lực đẩy tăng trưởng thì các công trình lấn biển đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Quốc đảo Singapore cũng đã mở mang lãnh thổ của mình bằng cách lấn biển. Diện tích của “đảo quốc sư tử” đã tăng từ 581,5km2 vào những năm 1960 lên 697,35km2 vào năm 2017 và có thể sẽ tăng thêm 100km2 vào năm 2030.
Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands nổi tiếng - tổ hợp kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, điểm hút khách du lịch bậc nhất Singapore cũng được xây dựng nhờ lấn biển. Theo Nikkei Asia, khu nghỉ dưỡng kết hợp casino này được mở cửa vào năm 2010 để thúc đẩy du lịch và mang lại lợi ích kinh tế "đáng kể".
Năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, Marina Bay Sands cùng với Resorts World Sentosa đã "đóng góp 1-2%" GDP hằng năm, tương đương hàng chục tỷ USD. Lượng khách quốc tế đến Singapore cũng tăng gấp đôi, lên 19,1 triệu lượt khách sau 10 năm.
Nổi bật nhất trong hoạt động lấn biển, không thể không nhắc đến UAE, với biểu tượng là đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeirah tại TP Dubai, công trình đã giúp quốc gia này “nở mày, nở mặt” với thế giới.
Đây là công trình lấn biển nổi tiếng được khởi công xây dựng vào năm 2001 bởi Nakheel Properties, công ty BĐS thuộc sở hữu của chính phủ Dubai. Sau 7 năm xây dựng cùng số vốn lên tới 12,3 tỷ USD, Palm Jumeirah trở thành nơi vui chơi, nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân. Nơi đây quy tụ nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Dubai như Atlantis The Palm, Jumeirah Zabeel Saray…
Theo Knight Frank, đảo cọ Palm Jumeirah thống trị doanh số giao dịch BĐS cao cấp và siêu cao cấp trong năm 2023, chiếm khoảng gần 39% tổng số giao dịch có giá hơn 10 triệu USD và gần 40% tổng số giao dịch có giá trị hơn 25 triệu USD. Từ đó, giúp thị trường BĐS nhà ở của Dubai tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023, với tổng doanh số bán hàng tăng 37%, lên mức 8,5 tỷ USD.
Các dự án lấn biển giúp UAE đa dạng hóa nền kinh tế, tạo thêm cơ hội việc làm, bớt phụ thuộc vào dầu mỏ và thu hút hàng trăm tỷ USD từ giới đầu tư khắp nơi trên thế giới.
Hay như mới đây, Ả-rập Xê-út đã công bố siêu dự án lấn biển NEOM, trong đó có thành phố cảng công nghiệp diện tích 48km2 được thiết kế sử dụng 100% năng lượng sạch, nổi trên biển Hồng Hải (Floating Port City in Red Sea) phục vụ gần 100.000 cư dân, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ USD.
TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trên thế giới nhiều quốc gia đã xây dựng thành công chuỗi đảo nhân tạo hoặc một số điểm đảo nhân tạo từ việc lấn biển, nhờ đó thu hút đầu tư hàng tỷ USD, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Còn hoạt động lấn ra từ bờ, nhiều nơi đã làm từ rất lâu, đặc biệt ở các thành phố, đô thị có nhu cầu phát triển nhưng thiếu không gian. Nếu trước kia lấn biển là để mở mang quỹ đất thì gần đây người ta lấn biển để phục vụ các công trình lớn như cảng nổi, đảo nổi, hoặc kết hợp với nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo… vừa phát triển kinh tế, vừa chống biển đổi khí hậu…
Theo ông Toán, công năng các đảo nhân tạo cũng ngày càng đa dạng. Không chỉ tạo ra các sản phẩm BĐS phục vụ nhu cầu, hoạt động thu hút du lịch mà nhiều hòn đảo còn hướng tới phát triển năng lượng sạch, dự án điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi hoặc đường ống dầu, khí, tuyến cáp điện, cáp quang...
Ngoài ra có những đảo nổi kết hợp mục tiêu nuôi trồng, chế biến thủy sản để xuất nhập khẩu trên biển, phù hợp với mục tiêu kinh tế biển của Việt Nam.
“Điển hình như Hàn Quốc và Nhật Bản đã rất thành công với những dự án hạ tầng trên biển. Gần chúng ta, Thái Lan hay Indonesia, Brunei, Philippines… đã có những thành phố, khu đô thị du lịch lấn biển, đảo nhân tạo cực kỳ nổi tiếng. Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm đến dự án cảng nổi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Toán cho biết thêm.
Để Việt Nam trở thành “cường quốc” về biển năm 2045
Tại Việt Nam, một số địa phương đã có những dự án lấn biển thành công, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt về thu hút du lịch và đầu tư.
Tiêu biểu là Quảng Ninh, có tới hơn 40 dự án đô thị lấn biển, trong đó nhiều dự án thành công, có thể kể đến như Khu đô thị du lịch Hùng Thắng rộng 224 ha, Khu đô thị mới Hạ Long Marina rộng 230 ha. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không có những dự án này, Quảng Ninh không thể thu hút lượng khách du lịch lớn và đóng góp vào tỷ trọng GDP của đất nước như hiện nay.
Hay như thành phố Rạch Giá, Kiên Giang trong 20 năm trở lại đây, rất nhiều dự án lấn biển đã tạo nên diện mạo văn minh, hiện đại cho thành phố, thu hút du khách, phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Điển hình như các dự án Khu đô thị lấn biển Tây Bắc (gần 100ha), Khu đô thị lấn biển Trần Quang Khải – Phú Cường (gần 70 ha)…
Mới đây, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, góp phần đưa vùng bờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa sôi động, thu hút đầu tư, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế.
Các vùng đất ven biển và các hải đảo được sắp xếp, phân bổ theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia theo 4 vùng kinh tế xã hội: vùng phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, vùng Đông Nam Bộ, gồm có Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. HCM, vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam cho rằng, việc mở rộng không gian kinh tế biển của Việt Nam là rất đúng đắn, và có như vậy mới đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế như hiện tại. Ông Bình ví dụ, để đáp ứng yêu cầu phát triển, Singapore đã phải đi sang các nước khác trong khu vực mua cát, nguyên vật liệu về để lấn biển, mở rộng không gian kinh tế.
“Bài học thành công của các nước trên thế giới cũng là cơ sở để Việt Nam hoạch định phương hướng triển khai các dự án lấn biển trong thời gian tới, đặc biệt khi hành lang pháp lý đã “mở cửa” cho hoạt động này, trên hành trình đưa quốc gia phát triển hướng ra biển”, ông Bình nói thêm.
Theo TS. Dư Văn Toán, để hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc về biển vào năm 2045, Việt Nam đang rất quan tâm phát triển kinh tế biển. Trong đó, quy hoạch không gian biển quốc gia để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế là rất quan trọng.
Ông Toán nêu, trên đất liền, chúng ta có các Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh/thành, quy hoạch chuyên ngành (như quy hoạch đất quốc phòng, quy hoạch đất giao thông, quy hoạch đất xây dựng…) thì trên biển cũng cần những bản quy hoạch tương tự như vậy.
Toàn bộ đại dương thế giới có diện tích là 360 triệu km2, trong đó khoảng 140 triệu km2 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia. Các nước ven biển đều thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia trong vùng biển của mình, đặc biệt là các vùng biển nông, gần bờ nơi có nhiều hoạt động kinh tế biển sôi động. Các vùng biển nông (có độ sâu dưới 50m) và khoảng cách từ bờ ra đến khoảng 50 km đều được các nước có biển tính toán sử dụng rất khoa học.
Tại Việt Nam, việc ban hành quy hoạch không gian biển, gồm Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được triển khai.
“Cùng với Luật Đất đai 2024, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động kinh tế biển, căn cứ để xây dựng những dự án du lịch, khai thác năng lượng, khai thác thủy sản, xây dựng công trình cảng biển, lấn biển làm đảo nhân tạo phục vụ hoạt động kinh tế cũng như an ninh quốc phòng”, ông Toán nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII đặt ra mục tiêu tới năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc biển. Do đó, tiến ra biển để phát triển kinh tế bằng việc lấn biển là hoạt động tất yếu.
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ: Có tháp cao 108 tầng, cầu vượt biển và mũi Hải Đăng
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.