Một tháng chiến sự đã ‘khắc sẹo’ vào kinh tế Nga như thế nào?

Quỳnh Anh - 25/03/2022 14:01 (GMT+7)

(VNF) - Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2 đến nay đã tròn 1 tháng và vẫn đang tiếp diễn. Phía sau cuộc chiến quân sự, nền kinh tế Nga cũng đã phải trải qua một trận chiến thương mại với các cường quốc trên thế giới và bị thương tổn bởi các lệnh trừng phạt sâu rộng.

VNF
Kinh tế Nga đối mặt những thương tổn lớn sau 1 tháng mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nỗi đau kinh tế và lạm phát

Năm 2020, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, theo Ngân hàng Thế giới. Nhưng vào cuối năm nay, thứ hạng của quốc gia này có thể không cao hơn vị trí thứ 15, dựa trên tỷ giá hối đoái đồng ruble cuối tháng 2, theo Jim O'Neill, nhà kinh tế từng làm việc tại Goldman Sachs.

Theo các chuyên gia kinh tế, suy thoái là điều không thể tránh khỏi với nền kinh tế này, sau hàng loạt biện pháp trừng phạt từ các nền kinh tế khác và sự rút lui của hàng trăm công ty tên tuổi khắp toàn cầu.

Một cuộc thăm dò ý kiến được Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện với 18 chuyên gia kinh tế cho thấy lạm phát ở Nga được dự báo sẽ tăng tốc lên 20% và nền kinh tế nước này có thể bị thu nhỏ tới 8% trong năm nay.

Dự báo từ các nhà kinh tế nước ngoài đối với Nga thậm chí còn ảm đạm hơn. Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), kinh tế Nga sẽ thu nhỏ 15% trong năm 2022 và giảm tiếp 3% vào năm 2023.

"Nhìn chung, các dự báo của chúng tôi có nghĩa là những phát tiến triển hiện tại sẽ xoá sach thành quả kinh tế Nga gây dựng được trong 15 năm qua”, IIF lưu ý.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, thành công lớn nhất của thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina là kiềm chế lạm phát từ 17% năm 2015 xuống chỉ còn hơn 2% vào đầu năm 2018.

Khi áp lực giá cả tăng lên trong những tháng sau đại dịch, bà đã cố định lại ngành công nghiệp bằng cách tăng lãi suất liên tục 8 tháng. Bà Nabiullina cũng phản đối các lời kêu gọi trong năm 2014-2015 về việc kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng chảy ra ngoài sau khi sáp nhập Crimea.

Nhưng những thành tựu đó đã bị xé vụn trong vòng chưa đầy một tháng.

Lạm phát tiêu dùng hàng năm đạt 10,42% tính đến ngày 4/3, do đồng ruble chạm mức thấp lịch sử, tiếp theo là các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây khiến ngân hàng trung ương và các ngân hàng bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Tốc độ tăng giá hàng năm đã tăng lên 14,5% và sẽ vượt qua 20%, gấp 5 lần mục tiêu. Kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình trong năm tới là trên 18%, mức cao nhất trong 11 năm.

Với việc ngoại hối dự trữ của Nga bị đóng băng, bà Nabiullina cũng buộc phải tăng lãi suất hơn gấp đôi từ mức 9,5% lên 20% vào ngày 28/2 và đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn.

Ngân hàng trung ương hiện kỳ vọng lạm phát chỉ trở lại mức mục tiêu vào năm 2024, trong khi lãi suất cơ bản trung bình trong năm nay được dự báo ở mức 18,9%.

Mất uy tín: Bị loại bỏ các chỉ số và hạ cấp xếp hạng

Các biện pháp trừng phạt đang buộc các nhà cung cấp chỉ số loại Nga khỏi các tiêu chuẩn được các nhà đầu tư sử dụng để đầu tư hàng tỷ USD vào các thị trường mới nổi.

JPMorgan (.JPMEGDR) và MSCI nằm trong số những công ty đã thông báo loại bỏ Nga khỏi chỉ số trái phiếu và chỉ số chứng khoán (.MSCIEF).

Vị trí của Nga trong các chỉ số này đã bị ảnh hưởng sau loạt lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây vào năm 2014 và sau đó là vào năm 2018, sau vụ đầu độc một cựu điệp viên Nga ở Anh và các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ.

Vào ngày 31/3, trọng số của Nga sẽ quay về mức 0 bởi gần như tất cả các nhà cung cấp chỉ số chính.

Ngoài ra, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào Ukraine, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn như S&P Global, Moody và Fitch đã hạ mức độ tín nhiệm đầu tư của nước này.

Trong 4 tuần qua, Nga đã phải chịu mức cắt giảm lớn nhất từng được thực hiện đối với điểm tín dụng quốc gia. Nước hiện ở cuối bậc xếp hạng, bị gắn cờ có nguy cơ vỡ nợ.

Sự yếu kém của đồng ruble

Một tháng trước, tỷ giá hối đoái trung bình trong một năm của đồng ruble là 74 ruble/USD. Giao dịch trên các nền tảng khác nhau cho thấy tính thanh khoản dồi dào và chênh lệch giá mua/bán chặt chẽ được mong đợi đối với một loại tiền tệ lớn của thị trường mới nổi.

Nhưng tất cả điều đó đã thay đổi. Với việc ngân hàng trung ương cắt một phần lớn dự trữ ngoại tệ cứng, đồng ruble đã giảm xuống mức thấp kỷ lục hơn 120 ruble/USD với giao dịch trong nước. Với giao dịch thương mại ra nước ngoài, đồng tiền chủ quyền của Nga giảm xuống mức thấp nhất là 160 ruble so với đồng bạc xanh.

Khi thanh khoản cạn kiệt và chênh lệch giá mua/bán mở rộng, việc định giá đồng ruble trở nên lộn xộn. Tỷ giá hối đoái vẫn chưa tìm thấy sự cân bằng trong và ngoài nước.

Không chỉ mất giá trầm trọng và làm mất cân bằng tỷ giá đối hoái, đồng ruble của Nga giờ đây cũng không còn là một sự lựa chọn được yêu thích với các quốc gia khác để dự trữ ngoại tệ hay thanh toán.

Những tính toán và con số trên đây chưa bao gồm khoản chi phí quân sự khổng lồ mà Nga đã dồn vào cuộc chiến tại Ukraine.

Nhưng với tất cả những lệnh trừng phạt đã, đang và sẽ được thực hiện, nền kinh tế Nga sẽ còn hằn nhiều vết sẹo khó lòng chữa lành. Tuy vậy, quốc gia này vẫn tiếp tục kiên định với các mục tiêu quân sự tại Ukraine và cho biết sẽ tự lập tự cường để vực dậy nền kinh tế.

Xem thêm >> Quỹ quốc gia Nga giảm gần 7 tỷ USD trong tháng 2

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.