Giá khí đốt châu Âu tăng dựng đứng sau 'cú phản đòn' của Nga

Mộc An - 24/03/2022 17:00 (GMT+7)

(VNF) - Lập đỉnh hồi đầu tháng 3 rồi quay đầu giảm sâu, giá khí đốt châu Âu bất ngờ tăng hơn 20% sau khi Nga yêu cầu "những nước không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.

VNF
Giá hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao vào tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng hơn 20% lên 1.353 USD/1.000m3.

Giá hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao vào tháng 4 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng hơn 20% lên 1.353 USD/1.000m3, tương đương 118,75 euro/MWh.

Trước đó, giá mặt hàng này lập đỉnh vào ngày 7/3 khi tăng lên 2.610,7 USD/1.000m3, tương đương 231 Euro/ MWh, sau đó quay đầu giảm dần.

Theo các chuyên gia, giá khí đốt tăng một phần là do thị trường đang theo dõi chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 23/3 để bàn với các đồng minh về việc gia tăng áp lực lên Nga.

Theo dự kiến, ông Biden và những người đồng cấp châu Âu sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới lên Nga, bao gồm cả lệnh trừng phạt liên quan đến ngành năng lượng của nước này.

Thêm vào đó, chính sách mới vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua cũng được cho là yếu tố then chốt đẩy giá khí đốt tăng cao.

Theo đó, Nga sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới "những nước không thân thiện". Hiện danh sách này bao gồm 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Anh, Canada, Monaco, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Singapore…

Theo truyền thông địa phương, ông Putin đã giao cho Ngân hàng Trung ương Nga và các cơ quan chính phủ hướng dẫn các thủ tục giao dịch tài chính với châu Âu bằng đồng ruble trong vòng một tuần. Đồng thời, chính phủ Nga cũng sẽ ban hành chỉ thị tương ứng cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Gazprom về việc sửa đổi các hợp đồng hiện có.

Cơ quan hàng không vũ trụ Roscosmos của Nga cùng ngày cũng thông báo sẽ yêu cầu các đối tác quốc tế thanh toán bằng đồng ruble.

Các nhà phân tích coi động thái này là nỗ lực nhằm gây áp lực lên châu Âu của Nga, để trả đũa loạt biện pháp cấm vận khắc nghiệt sau khi nước này động binh với Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga ngay từ năm nay và dự kiến sẽ “cai nghiện” hoàn toàn dòng năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.

Dù vậy, kế hoạch này sẽ không dễ dàng thực hiện khi 40% lượng khí đốt của nhập khẩu của châu Âu đến từ Nga và tỷ lệ này dần tăng lên trong những năm gần đây.

Tổng lượng khí đốt EU nhập từ Nga là khoảng 168 tỷ m3. Riêng Đức nhập khoảng 56 tỷ m3 khí đốt từ Nga trong năm 2020, chiếm gần 55% lượng khí đốt nước này sử dụng.

Xem thêm >> Ông Putin tung chính sách mới 'thách thức' phương Tây, đồng ruble vọt tăng

Cùng chuyên mục
Tin khác