'Nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện mình hơn'

Anh Minh - Đức Hùng - Vân Anh - 10/09/2023 09:50 (GMT+7)

(VNF) - Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Võ Hồng Phúc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành cho VietnamFinance một cuộc phỏng vấn về thu hút đầu tư của Mỹ và triển vọng quan hệ Việt Mỹ trong thời gian tới.

VNF

- Những trải nghiệm đầu tiên về Mỹ của ông là gì?

Tôi sang Mỹ lần đầu tiên vào tháng 4/1994, trong thành phần đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương. Lúc đó, không khí chung vẫn còn căng thẳng, mặc dù vào tháng 2/1994, Mỹ đã bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Trước đó, tháng 11/1993, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã được tổ chức thành công tại Paris, với việc các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho Việt Nam 1,86 tỷ USD. Chuyến thăm Mỹ năm 1994, về mặt chính thức, là theo lời mời của một hiệp hội doanh nghiệp Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Chúng tôi phải đi qua đường Hongkong, xin visa từ Hongkong. Chúng tôi đi với tư cách là khách của hiệp hội doanh nghiệp và về danh nghĩa thì chỉ tìm hiểu về phát triển kinh tế.

Mặc dù vậy, từ thời điểm này, hai bên đều rất hy vọng là quan hệ hai nước sẽ có tương lai tốt đẹp. Sau đó, năm 1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và từ đó quan hệ hợp tác hai bên đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

Lễ kéo cờ tại Sứ quán Mỹ năm 1995. Ảnh tư liệu

Sau này, do điều kiện công tác, tôi tham gia nhiều chuyến đi Mỹ của các cấp lãnh đạo Việt Nam, hoặc làm việc với các đoàn Mỹ sang thăm Việt Nam, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton năm 2000 và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005.

Tôi vẫn nhớ bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, trong đó nói rằng hợp tác hai nước không phải chỉ là kinh tế nữa mà là đang mở rộng sang các lĩnh vực khác như văn hóa, khoa học, xã hội, giao lưu nhân dân… Chẳng hạn, ông Bill Clinton nói đến việc người Mỹ rất thích hội họa của Việt Nam, đặc biệt là tranh của họa sỹ Đỗ Quang Em… Đó là những bước khởi đầu và là những điểm nhấn tốt đẹp trong quá trình bình thường hóa quan hệ của hai nước.

- Hai nước đã bình thường hóa quan hệ song phương gần 30 năm, và trong thời gian đó, thương mại hai chiều đã có những bước phát triển nhảy vọt. Nhưng vì sao, dòng vốn Mỹ vào Việt Nam vẫn rất khiêm tốn?

Đến bây giờ xem lại thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn chủ yếu là đầu tư của khu vực Đông Á, như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ chỉ khiêm tốn khoảng hơn 11 tỷ USD, tất nhiên là cần phải tính cả vốn đầu tư của Mỹ thông qua nước thứ ba, thì con số sẽ lớn hơn, khoảng gấp đôi.

Từ năm 1993, ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore nói với chúng tôi, muốn thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển, thì chính sách đừng thay đổi nhiều, đừng tiền hậu bất nhất, và phải minh bạch. Chẳng hạn xuống sân bay, chỉ cần có biển chỉ dẫn rõ ràng thì khách có thể tự về khách sạn, không cần ai đưa đón cả. Ông ấy nói bao giờ chính sách của các ông được như thế thì mới có thể thu hút đầu tư của các nước công nghiệp phát triển.

Hiện nay dòng đầu tư của các nước công nghiệp phát triển, trong đó có Hoa Kỳ, vẫn chưa giữ vai trò chủ đạo. Đây là vấn đề của chúng ta, trong chính sách và thực thi chính sách còn nhiều bất cập khiến dòng vốn từ các nước công nghiệp phát triển chưa vào. Chúng ta phải xem lại mình, xem xem chính sách thuế khóa, thủ tục hành chính ra sao, cách hành xử của chính phủ có nhất quán không, đội ngũ công chức có trong sạch không, có gây phiền hà không…

- Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam cuối tuần này và hai nước sẽ thảo luận về việc nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước. Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm này?

Tôi hy vọng với chuyến thăm của Tổng thống Biden, hai nước sẽ tiến tới một sự tin cậy sâu sắc hơn. Việc nâng tầm quan hệ hai nước sẽ tạo ra niềm tin của doanh nghiệp với chính phủ, giữa chính phủ với chính phủ và giữa nhân dân hai nước, và đó là cơ sở để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, trong đó có hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.

Tuy nhiên, để thu hút được đầu tư từng đó chưa đủ mà chúng ta phải thực tế hơn, phải cải cách mạnh hơn về mặt chính sách, công khai, minh bạch và nhất quán về chính sách, đó là yêu cầu của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Vấn đề nữa là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung rất ngần ngại với vấn đề này.

Cho nên là mặc dù hai nước nâng cấp quan hệ hợp tác nhưng chúng ta vẫn phải luôn hoàn thiện mình thì mới có thể khơi lại dòng đầu tư từ Hoa Kỳ để có tạo ra sự hợp tác với quy mô lớn hơn. Cam kết chính phủ là cần nhưng chưa đủ, mà cần đội ngũ công chức chuyển hóa chính sách và cam kết vào thực tiễn.

- Vậy chúng ta cần phải làm gì để có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các nước phát triển?

Tôi tiếp xúc với một số doanh nghiệp Nhật Bản, họ cho biết có những dự án 5-6 tháng vẫn không xong thủ tục, họ rất ngần ngại vì mất cơ hội đầu tư. Sách nhiễu có giảm thì gần đây lại có vấn đề sợ trách nhiệm, không ai muốn làm gì.

Mặc dù Nhật Bản đang thuộc nhóm các nước dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam, hiện có sự lấn cấn nào đó khiến đầu tư Nhật Bản cũng đang chững lại.

Người Nhật đến Việt Nam ngay từ đầu, từ khi Mỹ còn cấm vận Việt Nam họ đã đến rồi. Họ cũng là tác nhân quan trọng cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ. Chính người Nhật đã chuyển thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1993, lúc đó ông Kiệt sang thăm Nhật Bản và chính họ đã gợi ý việc này.

Người Nhật rất tinh ý, họ biết được tương lai của mối quan hệ Việt Mỹ, và vì họ gắn rất chặt với Hoa Kỳ nên họ đi từng bước rất khôn khéo. Họ thấy trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước XHCN có mô hình Ủy ban hợp tác liên chính phủ, họ không lập được thì họ chọn công ty Nisho Iwai làm đại diện để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Nhật Bản chọn Nisho Iwai là công ty có quan hệ tương đối dung hòa, công ty này vào thì Mỹ cũng không làm gì cả, họ cũng nói chỉ vào làm thương mại và làm những mặt hàng Mỹ không cấm vận.

Vấn đề của Việt Nam là cần tự cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của mình, đảm bảo công khai minh bạch thì mới có thể đón được “đại bàng”, trong đó có các “đại bàng” Mỹ.

- Ông là người ký nhiều giấy phép đầu tư nước ngoài hoặc cho các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có giấy phép của Intel vào năm 2006. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tế của dự án này và một số dự án đầu tư khác của các nhà đầu tư Mỹ?

Sự kiện Intel ở Việt Nam 2006 là được kỳ vọng rất nhiều nhưng kết quả đạt được hiện chưa như mong muốn. Nguyên nhân đến từ cả hai bên. Họ tìm kiếm lợi ích từ những thị trường lớn hơn, còn đối với chúng ta, vấn đề là đội ngũ nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của họ.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc trao giấy phép cho nhà máy bia của tập đoàn Gannon năm 2010. Ảnh tư liệu

Điều này là khác với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Nike hay là hay là CocaCola, hay là Ford thì thành công hơn vì về công nghệ đơn giản hơn. Chẳng hạn với Nike, gì chứ gia công giày dép thì mình làm mãi rồi, quá thạo rồi. Hồi còn trong khối SEV, Việt Nam được “phân công” làm mũi giầy, và chỉ làm mũi giầy. Nên khi Nike vào thì nguồn nhân lực của Việt Nam cơ bản đã có thể đáp ứng được.

Với trường hợp của Ford, thuộc về công nghiệp ô tô là một câu chuyện khác. Trong việc phát triển công nghiệp ô tô, lẽ ra mình nên chọn ít hơn, ba bốn công ty nước ngoài thì hợp lý, nhưng cuối cùng chúng ta có 14 liên doanh. Thị trường chia nhỏ mất, trong khi người Mỹ chỉ muốn làm quy mô lớn. Mặt khác thì Việt Nam chuộng ô tô Nhật và Đức, nên đó cũng là cái khó của Ford, dù họ cũng đã có những thành công nhất định tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Tin khác