Tài chính quốc tế

Nga tuyên bố giữ lập trường chiến dịch quân sự tại Ukraine, không xin phương Tây dỡ trừng phạt

(VNF) - Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này sẽ thúc đẩy khả năng phát triển độc lập, không xin phương Tây gỡ bỏ trừng phạt và giữ nguyên lập trường về chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nga tuyên bố giữ lập trường chiến dịch quân sự tại Ukraine, không xin phương Tây dỡ trừng phạt

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Izvestia ngày 14/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho rằng Mỹ và các đồng minh giáng loạt đòn trừng phạt lên Nga đã đặt nền kinh tế và người dân Nga vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

“Họ coi đây là sự trừng phạt đối với các quyết định chính trị của Nga, buộc Nga phải thay đổi các quyết định đã được đưa ra. Nhưng sẽ không có gì thay đổi”, quan chức này nhấn mạnh.

“Chúng tôi sẽ không yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này. Chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh tiềm lực kinh tế quốc gia và năng lực phát triển độc lập hoặc dựa vào bạn bè và những đối tác cùng chí hướng", ngà ngoại giao Nga nhấn mạnh thêm.

Theo thống kê của Bloomberg, nếu các lệnh trừng phạt làm tê liệt kinh tế Iran được thông qua trong vòng 10 năm thì các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng với Nga chỉ trong vòng 10 ngày. Với hơn 5.530 lệnh trừng phạt, Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới.

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ, EU cùng nhiều quốc gia khác áp đặt lên Nga bao gồm những biện pháp hạn chế tài chính, đóng cửa không phận và các biện pháp làm tê liệt nền kinh tế khác.

Khoảng 90% lệnh trừng phạt cho đến nay nhắm vào các cá nhân, chủ yếu là các chính trị gia, bao gồm cả Tống thống Nga Vladimir Putin và các quan chức chính phủ hàng đầu của Nga, cũng như các nhà tài phiệt và gia đình của họ. 10% còn lại nhắm tới các thực thể, thường là các tập đoàn lớn hoặc cơ quan chính phủ, khu liên hợp công nghiệp, quân sự…

Các công ty phương Tây vẫn tiếp tục rời Nga để hưởng ứng các lệnh trừng phạt và phản đối chiến tranh. Danh sách này gần đây đã được nối dài bởi các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu như JPMorgan, Goldman Sachs, Deutsche Bank, cùng với hàng loạt các công ty thuộc ngành F&B và dịch vụ tiêu dùng.

Ngày 13/3, phát biểu trong chương trình “Face the Nation” của CBS News, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ đẩy Nga vào một cuộc suy thoái sâu sắc.

“Sự co lại đột ngột của nền kinh tế đang ảnh hưởng đáng kể đến người dân Nga”, bà Georgieva nhấn mạnh đồng thời cho biết IMF coi việc Nga vỡ nợ là điều hoàn toàn có thể xảy ra, bởi mặc dù có tiền nhưng Nga đang không tiếp cận được số ngoại tệ dự trữ của mình.

Xem thêm >> 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối bị đóng băng, Nga thanh toán nợ bằng đồng ruble

Tin mới lên