Mỹ lại giáng đòn chí mạng vào kinh tế Nga, khẳng định ông Putin phải ‘trả giá’
Minh Đăng -
12/03/2022 09:22 (GMT+7)
(VNF) - Việc Mỹ và các đồng minh chấm dứt Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (còn gọi là quy chế tối huệ quốc) với Nga được xem là đòn chí mạng vào nền kinh tế vốn đang rơi vào "suy thoái sâu” do các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/3 đã mở một cuộc tấn công mới vào nền kinh tế Nga khi công bố thêm một loạt biện pháp trừng phạt, đồng thời cho biết Mỹ và các nước G7 sẽ tiến tới thu hồi quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Nga nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về hành động quân sự ở Ukraine.
“Ông Putin là kẻ xâm lược. Ông Putin phải trả giá”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng sau khi điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Quy chế tối huệ quốc là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có nghĩa là các nước thành viên đồng ý tạo điều kiện tốt nhất có thể nhằm giảm thuế quan và các rào cản thương mại, giúp tăng cường nhập khẩu hàng hóa của nhau.
Theo ông Biden, việc chấm dứt quy chế tối huệ quốc sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong giao thương với Mỹ và việc Mỹ phối hợp thực hiện cùng với các nước khác, những nước chiếm tới một nửa kinh tế toàn cầu, sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế Nga lao đao.
Việc xóa bỏ quy chế này với Nga cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Dù vậy, hiện đã có nhiều nghị sỹ thuộc cả hai đảng trong quốc hội Mỹ đã bày tỏ ủng hộ vấn đề này.
Trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga bao gồm khoáng sản nhiên liệu, kim loại quý và đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ. Tất cả các mặt hàng này có thể phải chịu mức thuế cao hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua việc bãi bỏ quy chế trên.
Theo Tổng thống Biden, Mỹ cũng sẽ cấm một số mặt hàng nhập khẩu từ Nga vào Mỹ gồm hải sản, rượu Vodka và kim cương; ngăn Nga vay tài chính từ các tổ chức đa quốc gia hàng đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đồng thời bổ sung thêm các tài phiệt Nga vào danh sách trừng phạt và cấm xuất khẩu hàng xa xỉ như trang sức, đồng hồ cao cấp... sang Nga.
Theo thống kê của Bloomberg, nếu các lệnh trừng phạt làm tê liệt kinh tế Iran được thông qua trong vòng 10 năm thì các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng với Nga chỉ trong vòng 10 ngày. Với hơn 5.530 lệnh trừng phạt, Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới.
Ngày 10/3, Điện Kremlin cho biết nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc do tác động của cuộc chiến kinh tế "hoàn toàn chưa từng có" nhằm vào quốc gia này, đồng thời hé lộ các biện pháp cân bằng kinh tế và “trả đũa” phương Tây.
Đây là lần hiếm hoi phía Moscow thừa nhận kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi “bão” trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là cơ hội để Nga củng cố sự độc lập về công nghệ và kinh tế của mình.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone