Ngân hàng Mỹ phá sản, nỗi lo sợ khủng hoảng đẩy giá vàng tăng mạnh

Bích Thủy - 11/03/2023 14:10 (GMT+7)

(VNF) - Vàng thế giới biến động do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ngân hàng Thung lũng Silicon (Mỹ), vàng trong nước vẫn chờ sức mua từ thị trường nội địa.

VNF
Sự cố Ngân hàng Silicon Valley (Mỹ), vàng thế giới biến động giá khó lường, ảnh hưởng đến trong nước thế nào?

Ngày cuối tuần 11/3, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66- 66,8 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán đang đứng ở mức 800.000 đồng/lượng, tăng thêm 100.000 đồng so với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm nay 11/3 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với mức 1.868,6 USD/ounce, tăng 11 USD/ounce so với cuối giá tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 11/3 mua bán quanh mức  53,8- 54,8 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức cũng được điều chỉnh lên 1 triệu đồng/lượng so với mức 900.000 đồng/lượng ở tuần trước.

Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước giảm nhẹ so với mức độ tăng giá của vàng thế giới. Nhờ vậy khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước thu hẹp.

Theo các đơn vị kinh doanh vàng, hiện giá vàng thế giới biến động khó lường, nhưng thị trường vàng trong nước có thể đi ngược chiều mà không tăng theo thế giới do mức chênh lệch giá vàng miếng đã khá cao, việc tăng hay giảm giá chỉ phụ thuộc vào mãi lực thị trường trong nước là chính.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC khoảng 13,5 triệu đồng/lượng và khá sát với giá vàng trang sức.

Đêm qua, giá vàng thế giới đột ngột tăng hàng chục USD/ounce. Nguyên nhân được cho là giới đầu tư tài chính lo ngại rủi ro sẽ lây rộng từ cuộc khủng hoảng Ngân hàng Thung lũng Silicon (Mỹ).

Giới phân tích bình luận sự sụp đổ Ngân hàng Thung lũng Silicon là một trong những hậu quả không lường trước của lộ trình tăng lãi suất, hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ.

Diễn biến trên thị trường cho thấy trong ngày 10/3, giá vàng thế giới biến động không đáng kể. Thế nhưng, khi thông tin về sự cố Ngân hàng Thung lũng Silicon lan đi toàn cầu, nhiều người đã tăng nhu cầu nắm giữ vàng.

Lập tức, giá vàng hôm nay của thế giới tăng mạnh 39 USD từ 1.830 USD/ounce lên 1.868,6 USD/ounce rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức giá này.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.868,1 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.867,2 USD/ounce.

Theo Giám đốc điều hành DoubleLine Capital, giá vàng ở mức 1.800 USD/ounce phù hợp cho danh mục đầu tư. Ông này cho rằng, trong cuộc họp sắp tới của Fed, vàng có khả năng tăng giá cao hơn, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, giá vàng đang được hưởng lợi sau khi thị trường tiêu hóa hết các thông tin tăng lãi suất của Fed. Từ đó, nhu cầu nắm giữ USD giảm mạnh khiến đồng tiền này tiếp tục giảm giá so với nhiều ngoại tệ khác.

Các chuyên gia cũng nhận định, lạm phát hiện là một vấn đề nguy hiểm và Fed cần phải tăng lãi suất lên tầm 6% (so với mức 4,75%/năm như hiện tại) trước khi lạm phát có thể hạ nhiệt và điều này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế. Một khi Fed tăng lãi suất mạnh, đồng USD được dự báo còn tăng giá, qua đó khiến giá vàng giảm mạnh.

Giá vàng tiếp tục biến động khá khó lường trong ngắn hạn. Tất cả sẽ phụ thuộc vào các chính sách của Fed và sức mạnh của đồng USD.

Ngân hàng đầu tư Liberum đánh giá, giá vàng trở nên hợp lý trong ba năm qua, giúp các nhà đầu tư dễ dàng phân tích hơn. Vàng đã trải qua những biến động đáng kể trong 3 năm qua, giao dịch dưới mức 1.500 USD/ounce và tăng lên mức cao kỷ lục mới trên 2.050 USD/ounce.

Liberum dự báo, giá vàng có mức trung bình trong năm nay là 1.690 USD/ounce. Giá vàng có mức trung bình quý I là 1.795 USD/ounce. Giá vàng ổn định ở mức 1.600 USD/ounce vào năm 2024.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác