Ngân hàng tư nhân "so găng" với Big 4 trong cuộc đua tăng vốn

Minh Dũng - 13/04/2024 14:00 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đua tăng vốn điều lệ ngành ngân hàng đang trở nên nóng khi một số ngân hàng tư nhân đã vươn lên vị trí Top đầu trong khi các nhà băng nhóm Big 4 có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào.

VNF

Cuộc đua tăng vốn đang "nóng"

Vào mùa đại hội cổ đông, các nhà băng đua nhau lên kế hoạch tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Tính đến ngày 12/4, có 22/27 ngân hàng niêm yết công bố đầy đủ tài liệu họp đại hội cổ đông 2024. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đang có kế hoạch nâng vốn điều lệ.

Vài năm lại đây, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các nhà băng trở nên nóng hơn khi nhóm Big4 không còn giữ được vị thế hàng đầu. Một số ngân hàng thương mại tư nhân như VPBank hay MB đã chiếm những vị trí dẫn đầu nhờ kế hoạch tăng vốn thông qua chia cổ tức hoặc bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

Hiện VPBank dẫn đầu trong bảng xếp hạng vốn điều lệ toàn hệ thống. Sau khi hoàn tất việc bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài SMBC, năm 2023, VPBank đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn từ 67.400 tỷ đồng lên hơn 79.300 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống và bỏ khá xa các ngân hàng Top 2, Top 3.

Trong khi đó, MB mới hoàn tất việc phát hành 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và SCIC. Tổng số tiền MB huy động được từ đợt phát hành riêng lẻ là 1.165 tỷ đồng. Sau chào bán, vốn điều lệ của MB tăng thêm 730 tỷ đồng, từ 52.141 tỷ đồng lên 52.871 tỷ đồng - đứng thứ 5 toàn ngành, sau VPBank, BIDV, Vietcombank và VietinBank nhưng cao hơn Agribank.

MB có kế hoạch phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 14.159 tỷ đồng. Dự kiến, quy mô vốn điều lệ của nhà băng này sẽ đạt hơn 67.000 tỷ đồng.

Techcombank cũng có kế hoạch tăng vốn khủng từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Techcombank có thể đứng vị trí thứ hai ngành ngân hàng (sau VPBank) trong một khoảng thời gian dài.

Nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng có kế hoạch tăng vốn "khủng".

Đơn cử, LPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng (tỷ lệ tăng hơn 31%). MSB sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng. Còn ACB đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.800 tỷ đồng, lên 44.666 tỷ đồng.

Tương tự, VIB thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 29.791 tỷ đồng, tăng 17,44%. Nam A Bank cũng thống nhất tăng vốn điều lệ từ 10.580 tỷ đồng lên 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng quốc doanh có lợi thế từ nguồn lợi nhuận để lại lớn và cũng đang triển khai những kế hoạch bán vốn cho nước ngoài. Tuy vậy, quá trình tăng vốn tại những ông lớn này vẫn diễn ra tương đối chậm do phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan chức năng.

Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược, với giá trị được dự báo đạt 1 tỷ USD. Ngân hàng này cũng dự kiến trình đại hội cổ đông 2024 phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 77.500 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 38,8%.

Vietcombank hiện có vốn điều lệ là 55.891 tỷ đồng, cao thứ ba toàn ngành. Nếu các kế hoạch tăng vốn đều được thực hiện, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên 105.256 tỷ đồng, giành vị trí quán quân toàn ngành.

Theo tờ trình tại ĐHCĐ 2024, VietinBank muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của VietinBank đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng.

VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.

Tại BIDV, theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2023, ngân hàng này sẽ tăng vốn điều lệ lên tối đa 61.557 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 12,7% (642 triệu cổ phiếu) và phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu). Ngoài ra, BIDV cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 9% đang trong quá trình triển khai.

Agribank là Big4 có vốn điều lệ thấp nhất và dự kiến sẽ đứng thứ 7 trong danh sách sau khi được bổ sung 10.347 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2024.

Nếu việc phê duyệt tăng vốn của nhóm Big4 thuận lợi, vốn điều lệ của các ngân hàng này có thể ghi nhận đà tăng trưởng nhanh chóng nhờ nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào. Nếu hoàn thành tất cả kế hoạch đã đều ra, những ngân hàng quốc doanh này sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu về vốn điều lệ.

Trong khi đó, dư địa gia tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cổ phần sẽ hạn chế hơn do đã chia cổ tức qua các năm và đa số có lợi nhuận kém hơn nhóm Big4.



Tăng vốn điều lệ là cần thiết

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 1/2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống là 1.003.601 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có tổng vốn điều lệ 217.882 tỷ đồng, tương đương cuối năm 2023; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ 543.191 tỷ đồng, tăng 0,12%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng vốn điều lệ 163.165 tỷ đồng, không thay đổi; nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính và ngân hàng hợp tác xã có vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 45.321 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng; quỹ tín dụng nhân dân có vốn điều lệ 7.052 tỷ đồng, tăng 0,98% so với cuối năm 2023.

Các ngân hàng đang đua nhau lên kế hoạch trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, phát hành cổ phiếu mới, thu hút vốn ngoại.

Ước tính, nếu hoàn thành 100% kế hoạch tăng vốn điều lệ, các ngân hàng niêm yết và Agribank (28 ngân hàng) sẽ có tổng vốn điều lệ là 921.460 tỷ đồng, tăng 29% so với hiện tại.

Theo giới phân tích, việc tăng vốn là hết sức cần thiết, giúp các nhà băng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động...

Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các tổ chức tín dụng. Hệ số CAR được tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.

Tính đến cuối tháng 1/2024, hệ số CAR của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đạt 11,84%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số CAR thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và mức trung bình của ngành ngân hàng trong khu vực như bình quân của Indonesia là 22,6%, Philippines là 17,2%, Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia là 18,5%. Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện Basel III hay một phần của Basel III, nhưng không ít ngân hàng tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II. Vì thế, tăng vốn điều lệ là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức. Trong khi các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III thì không ít ngân hàng thương mại Việt Nam mới hoàn thành Basel II. Do đó, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là cần thiết đối với các nhà băng. Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các tổ chức tín dụng.

Cùng chuyên mục
Tin khác