Ngân hàng tuần qua: ‘Ế’ hơn 122 triệu cổ phiếu LPB, Eximbank chốt xong nhân sự cấp cao

Hải Đường - 19/02/2022 22:37 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) đã tổ chức thành công ĐHCĐ năm 2021, chốt xong danh sách 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới đồng thời bầu ra chủ tịch sau đó.

VNF
Eximbank ‘chốt’ xong danh sách nhân sự cấp cao là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Việt Nam vẫn còn thiếu thị trường mua bán nợ chính thức

Tại hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc Nghị quyết 42 và Thông tư 14 hết hiệu lực trong vài tháng tới sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD kể từ quý III/2022 là rất lớn. TS Lực cũng cho rằng dù Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện theo nghị quyết vẫn còn 5 vướng mắc chính.

Thứ nhất là sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn.

Thứ hai là còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của TCTD; việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; vướng mắc về thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế chuyển nhượng TSBĐ; thiếu thông tin về hiện trạng TSĐB và khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Cùng với đó là khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB còn nhiều khó khăn cũng như số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn rất hạn chế.

Thứ năm, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự”, ông Lực nói. Do đó, ông cho rằng việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ góp phần quan trọng giải quyết những vướng mắc lớn nêu trên.

>>> Xem thêm: Chuyên gia: 'Việt Nam vẫn còn thiếu vắng thị trường mua bán nợ chính thức thực sự'

Bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi 'ghế nóng' Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) trong tuần qua đã ra Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.  

Bà Tú cũng từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 3/2019, thay thế ông Lê Minh Quốc.

Tại ĐHCĐ được tổ chức vào ngày 15/2, ngân hàng này cũng đã tiến hành bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới, trong đó 7 ứng viên trúng cử là ông Võ Quang Hiển; ông Nguyễn Hiếu; bà Lê Hồng Anh; ông Đào Phong Trúc Đại; bà Lương Thị Cẩm Tú; ông Nguyễn Thanh Hùng; bà Đỗ Hà Phương.

Được biết, bà Lương Thị Cẩm Tú  là thành viên HĐQT Eximbank đương nhiệm duy nhất nằm trong danh sách này. Bà Tú nhận được sự ủng hộ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh và 5 cổ đông cá nhân khác.

Các thành viên đã trúng cử vào Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới gồm ông Ngô Tony; bà Phạm Thị Mai Phương; ông Trịnh Bảo Quốc.

>>> Xem thêm: Bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi 'ghế nóng' Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank

VietinBank hạ hơn nửa giá khoản nợ 108 tỷ đồng của Công ty TNHH Ngô Ánh

Tổng dư nợ của Công ty Ngô Ánh tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tính đến ngày 10/6/2021 là hơn 108 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 49,7 tỷ đồng; dư nợ lãi và lãi phạt cộng dồn là hơn 58 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là nhà xưởng, các công trình phụ, các tài sản được hình thành từ vốn vay là tài sản gắn liền với đất tại ấp Tân Phong, xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và 10 quyền sử dụng đất đứng tên ông Ngô Ánh và bà Trần Thị Hon tại xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. 

Được biết, ông Ngô Ánh là người đại diện kiêm giám đốc của Công ty TNHH MTV Ngô Ánh. 

Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất có diên tích 4.555m2 (bao gồm đất ở tại nông thôn có diện tích 300m2, thời hạn sử dụng lâu dài; đất trồng cây lâu năm có diện tích 4.255m2, thời hạn sử dụng đến ngày 4/7/2044) và các quyền sử dụng đất khác tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 51,4 tỷ đồng, bằng gần nửa giá trị của khoản nợ. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 7/3 tới đây tại TP. HCM.

>>> Xem thêm: VietinBank hạ hơn nửa giá khoản nợ 108 tỷ đồng của Công ty TNHH Ngô Ánh

VNPost thoái 10% vốn LienVietPostBank: 7 nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 800 cổ phần

Cuối tháng 1 vừa qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thông báo về việc bán đấu giá hơn 122 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB), tương đương 10,15% vốn.

Giá khởi điểm được công bố là 28.930 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị cả lô tối thiểu là hơn 3.534 tỷ đồng.

Sau khi hết hạn đăng ký mua cổ phần (từ ngày 25/1 đến ngày 16/2), theo thông tin từ phía HNX, 7 nhà đầu tư là cá nhân trong nước đăng ký mua tổng cộng 800 cổ phần LPB do VNPost, tương đương số tiền tối thiểu thu về là hơn 23 tỷ đồng.

Số lượng cổ phiếu LPB được đăng ký mua không bằng 1% tổng khối lượng mà VNPost đem bán đấu giá. Như vậy tổng công ty gần như đã “ế” đến hơn 99% cổ phần của LienVietPostBank.

Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 23/2 tới đây.

>>> Xem thêm: VNPost thoái 10% vốn LienVietPostBank: 7 nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 800 cổ phần

4 mã ngân hàng trên HoSE khối ngoại đã vượt và hết room vào ngày 16/2

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực đến ngày 16/2, có 2 mã ngân hàng trên HoSE khối ngoại đã vượt room, 2 mã hết room và 6 mã sắp hết room.

Cụ thể, 2 mã đã vượt room ngoại là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 17,01% (tối đa 15%) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB) với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 23,24% (tối đa 23,2351%).

2 ngân hàng đã hết room ngoại là Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HoSE: MSB).

6 ngân hàng sắp hết room ngoại là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HoSE: EIB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (HoSE: LPB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB).

>>> Xem thêm: 4 mã ngân hàng trên HoSE khối ngoại đã vượt và hết room vào ngày 16/2

ACB sắp họp ĐHCĐ bàn chuyện tăng vốn

Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) trong tuần qua đã thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức vào ngày 7/4 tới đây tại TP. HCM.

Nội dung của cuộc họp bao gồm phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, kế hoạch kinh doanh năm 2022, phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu,…

Về tình hình kinh doanh, thu nhập lãi thuần cả năm 2021 của ACB đạt 14.582 tỷ đồng, tăng gần 30% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 25%.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của ACB tăng 18,7% so với đầu năm, đạt gần 527.770 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng và dư nợ cho vay khách hàng lần lượt đạt hơn 379.920 tỷ đồng và hơn 357.163 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ ký quỹ của Công ty Chứng khoán ACB – ACBS), tương ứng tăng 7,6% và tăng 15,7% so với đầu năm.

Đáng chú ý, nợ xấu của ACB tăng mạnh 52% từ mức hơn 1.840 tỷ đồng (đầu năm) lên mức hơn 2.799 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nhích lên mức 0,78% vào cuối quý IV, đầu năm là 0,6%.

Cùng chuyên mục
Tin khác