Ngành ngân hàng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng góp phần ổn định nền kinh tế
Thúy Hà -
13/02/2021 09:32 (GMT+7)
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ.
Năm 2021 được xác định vẫn còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những thách thức, biến động khó lường.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp tục đảm bảo vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Giữ ổn định trong bối cảnh đầy biến động
Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2020, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đã đặt ra cho cả giai đoạn. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020, thế giới chứng kiến những biến động lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong nước, dịch bệnh đã tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội như sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, thu nhập giảm sâu...
Ðóng vai trò huyết mạch trong nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Trong bối cảnh đó, với phương châm tập trung thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.
Trong phiên thảo luận tại hội trường Đại hội XIII của Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, với vai trò là một Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành, góp phần kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% theo đúng mục tiêu của Quốc hội đề ra. Thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao kỷ lục, tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2015.
Bên cạnh đó, tình trạng đô la hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được nâng cao. Chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế được thực hiện hiệu quả, nguồn vốn bằng ngoại tệ và vàng từng bước được chuyển hóa thành tiền, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cũng đã vào cuộc rất sớm, ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giúp người dân và doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ để tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh.
Đến nay, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh cải cách quy trình thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ban hành thông tư và các văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền là 16.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Chính sách Xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Cũng theo Thống đốc, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được thực hiện từng bước hiệu quả. Vấn đề sở hữu, đầu tư chéo đã được quan tâm, xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được từng bước kiểm soát.
Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh.
Đến cuối năm 2020, sự ổn định, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng được giữ vững, hầu hết tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật (khoảng 11,65%). Năng lực tài chính các tổ chức tín dụng được củng cố, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì dưới 3%.
Ngoài ra, trên mọi mặt hoạt động ngân hàng, công tác cải cách hành chính và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý được đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn đứng đầu các bộ ngành Trung ương trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.
“Những yếu tố nêu trên đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Quyết tâm vượt mọi khó khăn
Các chuyên gia nhận định năm 2021, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.
Các biện pháp kiểm soát, phong tỏa, hạn chế đi lại giữa các nước có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lên chuỗi giá trị toàn cầu khi nguồn cung gián đoạn, cầu quốc tế hồi phục khó khăn, sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch của Việt Nam.
Căng thẳng chính trị, nhất là giữa các quốc gia lớn có thể gây bất ổn chung cho nền kinh tế toàn cầu đồng thời dịch bệnh làm ảnh hưởng tới tình hình tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, dẫn tới việc các tổ chức tín dụng phải tạo điều kiện để cơ cấu, giãn, hoãn nghĩa vụ trả nợ cho khách hàng.
Ðiều này, trong ngắn hạn có thể giảm bớt áp lực với doanh nghiệp nhưng về trung và dài hạn có thể gây ra các rủi ro về nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, tạo áp lực lên tính ổn định của hệ thống tài chính-ngân hàng.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để ứng phó linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế, tiền tệ thế giới, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, ngành ngân hàng cũng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; quan tâm phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, phát triển tài chính toàn diện, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động thanh toán; triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trương tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, tham mưu các cấp có thẩm quyền việc ban hành và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025.
Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định toàn ngành đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó, tiếp tục đảm bảo vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone