'Người hùng' cảnh báo sớm virus corona đã bị an ninh 'khó dễ'
Phương Vũ -
04/02/2020 14:16 (GMT+7)
Một tháng trước, bác sĩ Lý Văn Lượng bị coi là người phát tán tin đồn thất thiệt, giờ đây anh được ca ngợi là người hùng. Ít người biết anh đã bị an ninh "khó dễ" như thế nào.
Ngày 30/12/2019, bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, 34 tuổi, tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà anh cho là giống SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), dịch khởi phát ở Trung Quốc năm 2002 khiến khoảng 800 người thiệt mạng.
"Họ đang bị cách ly ở khoa cấp cứu của bệnh viện chúng tôi", anh viết và cho biết các bệnh nhân có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam, nơi buôn bán động vật hoang dã. Anh khuyên bạn bè mặc quần áo bảo hộ để tránh virus. Điều bác sĩ Lý không biết là căn bệnh này là một chủng virus họ corona hoàn toàn mới.
Tin nhắn của Lý thu hút sự chú ý của giới chức sau khi một người trong nhóm đăng ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện lên mạng. 7 bác sĩ khác sau đó chia sẻ những tin nhắn tương tự trên ba nhóm trò chuyện.
Ngay đêm 30/12/2019, các quan chức y tế thành phố Vũ Hán triệu tập Lý, yêu cầu được biết lý do anh chia sẻ thông tin. Ngày 3/1, cảnh sát buộc Lý ký biên bản, anh bị cáo buộc "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".
"Chúng tôi cảnh cáo anh: nếu anh ngoan cố, không tuân theo yêu cầu và tiếp tục hoạt động phi pháp này, anh sẽ bị xử lý theo pháp luật, anh có hiểu không?". Bên dưới biên bản là chữ viết tay của bác sĩ Lý: "Tôi hiểu", cùng chữ ký và dấu điểm chỉ.
Cuối tháng Một, Lý đăng biên bản lên Weibo và giải thích những gì đã xảy ra. Chính quyền địa phương xin lỗi anh nhưng lời xin lỗi đó đến quá muộn. Trong vài tuần đầu tiên của tháng Một, các quan chức ở Vũ Hán khẳng định rằng dịch chỉ lây từ động vật sang người, không có chỉ đạo về việc bảo vệ các y bác sĩ.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy thông báo của giới chức là sai khi có trường hợp vài thành viên trong một gia đình nhiễm bệnh, dù họ chưa từng đến chợ Hoa Nam. Ngày 20/1, chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc xác nhận virus lây từ người sang người. Tồi tệ hơn, một bệnh nhân đã lây cho ít nhất 14 nhân viên y tế. Dịch đã lây lan ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 427 người thiệt mạng và hơn 20.600 người nhiễm bệnh.
Bác sĩ Lý cho biết anh đã phát hiện nCoV có thể lây từ người sang người 10 ngày trước công bố của chuyên gia Trung Quốc. Ngày 8/1, anh điều trị cho một nữ bệnh nhân 82 tuổi bị bệnh tăng nhãn áp. "Chúng tôi thường không mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân và bệnh nhân không bị sốt khi tôi khám. Ngày 9/1, bà ấy bị sốt. Kết quả chụp CT cho thấy bà ấy bị viêm phổi do virus. Tuy nhiên, bệnh viện khi đó chưa có dụng cụ thử nCoV nên khi đó bà ấy chưa được chẩn đoán".
Lý bắt đầu bị ho vào ngày 10/1. Hôm sau anh bị sốt và nhập viện hai ngày sau đó. Lý được xét nghiệm vài lần nhưng đều cho kết quả âm tính với nCoV. Tuy nhiên, anh vẫn bị khó thở và không thể di chuyển, bố mẹ anh cũng ngã bệnh và phải nhập viện.
Ngày 30/1, anh đăng trên Weibo: "Kết quả xét nghiệm axit nucleic cho thấy kết quả dương tính, mọi chuyện đã rõ ràng, đúng là tôi đã nhiễm virus".
Ngày 28/1, một bài bình luận trên mạng xã hội của Tòa án tối cao Trung Quốc chỉ trích việc giới chức khiển trách Lý và các bác sĩ khác vì lan truyền "tin đồn".
"Nếu công chúng lắng nghe 'tin đồn' này vào thời điểm đó và áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đến chợ bán động vật hoang dã thì chúng ta đã có thể ngăn ngừa và kiểm soát lây lan virus tốt hơn", bài bình luận có đoạn viết.
Tằng Quang, nhà khoa học hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ngày 29/1 nhắc đến Lý và những người bạn của anh trong một buổi phát trực tiếp tuần trước. "8 người này thật đáng ngưỡng mộ", ông nói, "Họ đã có tầm nhìn xa".
Lý nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trên mạng, các bài đăng của anh thu hút hàng trăm nghìn lượt thích cùng những bình luận bày tỏ lòng biết ơn và cổ vũ anh vượt qua căn bệnh.
"Bác sĩ Lý, anh là một bác sĩ tuyệt vời có lương tâm và trái tim nhân hậu", một người viết.
"Bác sĩ Lý Văn Lượng là một anh hùng. Nhưng tôi lo rằng trong tương lai, các bác sĩ sẽ sợ đưa ra những cảnh báo sớm khi họ thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm", một người khác bình luận. "Một môi trường y tế công cộng an toàn hơn đòi hỏi phải có hàng chục triệu người như Lý Văn Lượng".
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.