Nguy cơ thiếu hụt vật liệu xây dựng vì thực thi gấp Thông tư 10
(VNF) - Một số doanh nghiệp xây dựng phản ánh việc phải sớm thực hiện Thông tư số 10/2024/TT-BXD khiến doanh nghiệp trở tay không kịp,dẫn tới thiếu hụt nguồn cung, khiến cho giá bán sản phẩm trong nước tăng mạnh làm người tiêu dùng chịu thiệt hại.
Doanh nghiệp trở tay không kịp
Ngày 01/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng”, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024.
Theo quy định tại thông tư 10, một số sản phẩm vật liệu xây dựng như như đá xây dựng, vật liệu xây dựng gốc kim loại, vật liệu xây dựng gốc hữu cơ, vật liệu xây dựng từ gỗ, các sản phẩm hàng hoá trung gian để tạo nên vật liệu xây dựng.... bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan mới được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Về quy định này, phản ánh tới Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng cho biết để tuân thủ đúng theo nội dung Thông tư 10 các doanh nghiệp nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi thời gian có hiệu lực của Thông tư số 10/2024/TT-BXD thêm 01 năm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thực hiện việc chứng nhận hợp quy theo quy định trong Thông tư được hiệu quả.
Theo đó, doanh nghiệp cho biết theo khoản 3 điều 8 của Thông tư quy định hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định nhưng Thông tư lại không có quy định và hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ định các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy, trong khi thời điểm có hiệu lực thi hành của Thông tư còn hơn 20 ngày nên doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.
“Quy trình triển khai chứng nhận hợp quy đối với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước: từ khâu đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, lập đoàn kiểm định, kiểm tra hồ sơ trực tiếp tại xưởng sản xuất của nhà cung cấp, chọn mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và đánh giá chất lượng cần rất nhiều thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, thời gian có hiệu lực từ 16/12/2024 là quá gấp để đáp ứng quy trình làm chứng nhận hợp quy. Điều này khiến doanh nghiệp trở tay không kịp”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Được biết, tại thị trường Việt Nam, danh mục hàng hóa áp dụng theo Thông tư số 10/2024/TT-BXD đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
“Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện tại đang trong quá trình sản xuất nên với thời gian Thông tư có hiệu lực từ 16/12/2024 sẽ gây tổn thất lớn đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây sửa nhà cửa đang tăng cao”, đại diện doanh nghiệp này nói.
Ngoài ra, cũng theo doanh nghiệp này, việc này còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, nhu cầu của người tiêu dùng vì thời gian có hiệu lực của Thông tư quá gấp sẽ dẫn tới sự thiếu hụt và khan hiếm nguồn cung làm cho giá bán sản phẩm trong nước tăng mạnh, người tiêu dùng sẽ là người bị gánh chịu khoản tăng giá này.
Ở góc độ Hiệp hội, ông Lê Nam Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cho rằng vấn đề vướng với các doanh nghiệp ở Việt Nam là Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD từ ngày 1/11/2024 và thời gian thông tư có hiệu lực thi hành chỉ sau hơn 1 tháng, trong khi một số doanh nghiệp đang về hàng. Vì thế nếu áp dụng thông tư trên từ ngày 16/12 là quá gấp. Lý do bởi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa (ví dụ từ Ấn Độ), nhiều lúc phải mất 50 ngày mới về tới cảng Việt Nam. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa.
Doanh nghiệp muốn có thêm thời gian
Cũng theo ông Hải, việc thời gian có hiệu lực của thông tư quá gấp như trên có thể sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu hụt và khan hiếm nguồn cung hàng hóa, vật liệu xây dựng, từ đó làm cho giá bán sản phẩm trong nước tăng mạnh. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi, nhu cầu của người tiêu dùng.
“Tôi hiểu rằng các quy định pháp luật cũng như Thông tư số 10/2024/TT-BXD, đều nhằm mục đích chung là giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Vì vậy, các doanh nghiệp khẩn thiết kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực của thông tư này thêm 2-3 tháng để các doanh nghiệp có thời gian hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị để khi hàng về đỡ bị tồn đọng ở cảng cũng như áp dụng theo quy định của thông tư được hiệu quả nhất”, ông Hải nói.
Trong khi đó, nói với VietnamFinance, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực thêm 01 năm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Bộ Xây dựng đề nghị rà soát năng lực chủ đầu tư KCN Hồng Tiến gần 1.000 tỷ
- Viglacera đầu tư chiều sâu lĩnh vực vật liệu xây dựng, dồn lực cho BĐS khu công nghiệp 11/05/2023 09:27
- Ra mắt phố chuyên doanh vật liệu xây dựng tại TP. HCM 06/04/2023 07:26
- Đà Nẵng thiếu vật liệu xây dựng cho tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan 30/03/2023 08:30
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.