Nhận quyết định phê duyệt quy hoạch, Đồng Nai công bố loạt dự án tỷ USD
(VNF) - Sáng 24/9, tỉnh Đồng Nai tiến hành trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD.
Đồng Nai là cực tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ và của cả nước
Sáng 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã tham dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2024. Đồng thời trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vị thế và vai trò của tỉnh Đồng Nai ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, là mắt xích quan trọng của Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước. Đồng Nai có những điểm tựa vững chắc để phát triển vượt bậc và Quy hoạch tỉnh sẽ giúp Đồng Nai “kết nối, hội nhập và cất cánh”.
Được biết, Đồng Nai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là khu vực phát triển năng động hàng đầu cả nước. Mặt khác, Đồng Nai là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên - duyên hải miền Trung, cũng là mắt xích quan trọng trong liên kết vùng thông qua kết nối đa phương tiện: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Đồng Nai có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, mệnh danh là thủ phủ công nghiệp (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp). Thu hút FDI lớn (gần 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 37 tỷ USD), có quy mô công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất cả nước.
Những năm qua, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, giai đoạn 2015 - 2020 là 7,08%, giai đoạn 2021 - 2023 là 6,69%. Đồng Nai liên tục duy trì vị trí trong nhóm 10 địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 58,3%; khu vực dịch vụ chiếm 22,2% thì đến năm 2023, tương ứng là 9,2%: 60,5%; và 22,5%.
Hệ thống khu công nghiệp phát triển mạnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp, với trên 84% diện tích lấp đầy; trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đạt 37 tỷ USD).
Chia sẻ với báo giới về mục tiêu để Đồng Nai trở thành thành phố phát triển của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết: "Để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050 là một mục tiêu xa, tuy nhiên, muốn trở thành một thành phố văn minh hiện đại trực thuộc Trung ương thì trước hết Đồng Nai phải tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh hơn nữa. Nếu tỷ trọng công nghiệp và nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao thì khó trở thành một thành phố văn minh, hiện đại được. Tăng tỷ lệ đô thị hóa, tăng hàm lượng tri thức trong mọi hoạt động.
Bài toán đặt ra cho Đồng Nai trong phát triển các ngành nghề kinh tế có hàm lượng chất xám phải cao hơn, tri thức phải nhiều hơn, chất lượng sống phải tốt hơn. Đây là những mục tiêu mà tỉnh sẽ “đeo đuổi” quyết liệt để sớm đưa Đồng Nai trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng sống tốt nhất có thể - với vị trí trung tâm luôn thuộc về người dân".
Nhân dịp này, 17 dự án đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai trao cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch... với tổng vốn 6,2 tỷ USD. Trong đó có 6 dự án FDI và 12 dự án nhà đầu tư trong nước.
Quy hoạch sẽ thu hút đầu tư, biến ước mơ thành hiện thực
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/7/2024, Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành tỉnh văn minh, hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, địa phương sẽ có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại và là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm giao thương hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời quy hoạch phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đều gắn với tăng trưởng xanh để phát triển bền vững.
Đồng Nai đưa ra 5 nhiệm vụ đột phá để phát triển là khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay; hoàn thành kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, y tế, giáo dục; chuyển đổi và xây dựng các khu công nghiệp xanh; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo; đầu tư các chuỗi đô thị, du lịch, dịch vụ xanh.
Trong Quy hoạch, Đồng Nai lấy người dân làm trung tâm và các thành quả đạt được người dân sẽ được thụ hưởng. Để đạt được các mục tiêu, kế hoạch trên, địa phương cần nguồn vốn đầu tư khoảng 41 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ huy động từ ngân sách nhà nước khoảng 20% và ngoài ngân sách nhà nước 80%.
Hiện nay, Đồng Nai được các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư dự án trên các lĩnh vực. Do đó, dự kiến thời gian tới sẽ đón “làn sóng” mới đầu tư. Nếuchuẩn bị sẵn môi trường đầu tư thuận lợi thì khả năng nguồn vốn “rót” vào tỉnh có thể lên đến 45 - 50 tỷ USD. Thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, Đồng Nai sẽ có cơ hội tăng tốc trong phát triển kinh tế và giấc mơ trở thành địa phương có nền kinh tế lớn thứ 3 cả nước sẽ không quá xa vời.
Đánh giá về Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét Quy hoạch được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới. "Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân và của cả nước, bản quy hoạch tốt để 'kết nối, hội nhập và cất cánh'", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ: "Quy hoạch là ước mơ cho tương lai ngắn hạn và dài hạn. Thực hiện quy hoạch là làm sao chúng ta thúc đẩy quá trình biến ước mơ đó thành hiện thực.
Khi quy hoạch được phê duyệt thì phải quản lý quy hoạch thật chặt chẽ. Không gian này quy hoạch khu công nghiệp thì không được làm cái khác, không gian kia quy hoạch làm đô thị thì phải giữ làm đô thị, không gian nọ làm một điểm dịch vụ du lịch thì phải giữ quy hoạch đó. Không được biến tướng các nội dung trong đồ án quy hoạch được phê duyệt. Quản lý nhà nước về quy hoạch phải hết sức chặt chẽ. Phải thông tin minh bạch cho người dân, vận động người dân chấp hành và tạo sự đồng thuận trong thực hiện quy hoạch. Không để xảy ra câu chuyện khi có dự án thì không có đất, không triển khai được vì giải tỏa không được thì nó sẽ cản trở bước phát triển và hiện thực hóa quy hoạch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư là vấn đề then chốt, cần thu hút được các nhà đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện dự án đã được quy hoạch, từ đó mới biến ước mơ thành hiện thực".
Tiến độ xây cầu Nhơn Trạch hơn 1.600 tỷ nối TP. HCM và Đồng Nai
- Đồng Nai: Khu đô thị gần 3 tỷ USD chính thức có chủ 18/09/2024 11:00
- Toàn cảnh cầu Nhơn Trạch trước thời điểm hợp long nối TP.HCM - Đồng Nai 08/09/2024 09:00
- Cảng biển 20.000 tỷ, lớn nhất Đồng Nai trước ngày mở bến đón tàu 15/08/2024 11:00
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.