Nhiều nội dung kinh tế quan trọng sẽ được thảo luận, thông qua trong Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Yến Thanh - 20/05/2019 09:36 (GMT+7)

(VNF) - Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ có nhiều nội dung kinh tế được đưa ra thảo luận.

VNF

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều thách thức; bất đồng về kinh tế, chính trị giữa một số quốc gia lớn tác động tới kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong nước, những khó khăn, hạn chế, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh đang ảnh hưởng bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Mặc dù vậy, nhờ tiếp tục phát huy được đà tăng trưởng của năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện.

Đồng thời, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội cũng đạt được những kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra "rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, biến lời nói thành hành động, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2019".

Về nội dung kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội cho hay sẽ tập trung xem xét, quyết định các nội dung quan trọng sau:

Thứ nhất, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, củng cố quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ theo quy trình tại một kỳ họp và cho ý kiến bước đầu về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đồng thời xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể nhằm nội luật hóa các điều ước quốc tế, bảo đảm sự tương thích với các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc của Nhà nước ta trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Đồng thời xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét, thông qua các Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác...

Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các  đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.

Cùng chuyên mục
Tin khác