Nhịp điều chỉnh chưa kết thúc, kịch bản nào cho VN-Index?
Hải Đường -
29/04/2024 10:37 (GMT+7)
Thị trường chứng khoán tháng 4/2024 ghi nhận sự sụt giảm mạnh Trong bối cảnh diễn biến điều chỉnh chưa được xác nhận là đã kết thúc, VFS cho rằng nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 – 1.230 điểm để đánh giá khả năng tạo đáy của thị trường.
Theo Công ty Chứng Khoán Nhất Việt (VFS), điểm nhấn chính trong diễn biến của VN-Index tháng 4 vừa qua là nhịp sụt giảm mạnh từ vùng 1.270 điểm xuống vùng 1.180 điểm trước những rủi ro về vĩ mô như tỷ giá tăng mạnh, bất ổn chính trị, … Diễn biến này đã hoàn toàn kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn bắt đầu từ tháng 11/2023 những điểm tích cực là quy luật tăng điểm trung – dài hạn từ cuối năm 2022 vẫn chưa bị vi phạm.
VN-Index hiện đang tạm thời nhận được sự hỗ trợ tại vùng 1.180 điểm, tương ứng với đường trung bình động SMA 120 phiên và ghi nhận những diễn biến hồi phục kỹ thuật trong một tuần qua.
Thanh khoản tháng 4/2024 đạt khoảng gần 16 tỷ cổ phiếu, giảm nhẹ so với tháng 3 nhưng vẫn tương đương với trung bình 5 tháng gần nhất. Tương ứng, giá trị giao dịch trung bình hằng ngày sụt giảm xuống khoảng 21.000 tỷ đồng/phiên từ mức đỉnh gần 27.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, VFS cho rằng đây vẫn được coi là mức cao.
“Thanh khoản tập trung vào những phiên giảm trong khi những phiên tăng điểm diễn ra với thanh khoản thấp cho thấy áp lực bán vẫn lớn và dòng tiền vẫn còn thận trọng với chiều tăng giá, đặc biệt là trước kỳ nghỉ lễ dài. Diễn biến thanh khoản cũng củng cố cho kịch bản VN-Index vẫn chưa kết thúc nhiệp điều chỉnh và chỉ đang hồi phục kỹ thuật”, chuyên gia của VFS cho biết.
Theo VFS, hầu hết các nhóm cổ phiếu và các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh theo diễn biến thị trường chung. Nhóm cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính và xây dựng là 3 nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất thị trường khi có mức giảm từ 9 – 10% trong tháng vừa qua. VFS cho rằng những nhóm ngành này có độ tương quan mạnh với thị trường, do đó khi thị trường điều chỉnh đây sẽ là những nhóm giảm điểm mạnh nhất.
Tuy nhiên, trên thị trường có 3 nhóm ngành vẫn giữ được sắc xanh bao gồm du lịch, công nghệ thông tin và bán lẻ. Theo đó, nhóm ngành du lịch tăng 11,3%. Cổ phiếu đóng góp cho đà tăng của nhóm này là HVN. Nhóm công nghệ thông tin tăng 7,88% với sự dẫn dắt là FPT trước thông tin Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) công bố hợp tác chiến lược với đại gia công nghệ NVIDIA về thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Nhóm bán lẻ tăng 6,77% với đà dẫn dắt đến từ 2 cổ phiếu là FRT và MWG. Hai cổ phiếu này có câu chuyện riêng, kết quả kinh doanh quý I tích cực và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Trong bối cảnh diễn biến điều chỉnh chưa được xác nhận là đã kết thúc, VFS cho rằng nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp vầ theo dõi thêm diễn biến giá tại vùng 1.200 – 1.230 điểm để đánh giá khả năng tạo đáy của thị trường.
VFS đưa ra hai hướng kịch bản cho thị trường chứng khoán. Ở kịch bản 1, VN-Index tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng 1.100 – 1.130 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi VN-Index cân bằng trở lại.
Với kịch bản 2, VN-Index hồi phục với sự hỗ trợ của dòng tiền, vượt lên khỏi cặp đường trung bình động SMA 10 và 20 phiên. VFS cho rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy áp lực điều chỉnh đã kết thúc và nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại, tập trung vào nhóm các cổ phiếu khỏe hơn thị trường trong thời gian qua.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.