NHNN đồng loạt tăng lãi suất OMO và tín phiếu

Minh Dũng - 22/05/2024 19:33 (GMT+7)

(VNF) - Phiên 22/5, NHNN bơm gần 25.000 tỷ đồng qua kênh OMO, lãi suất lên cao nhất trong gần một năm, trong bối cảnh tỷ giá USD liên tục lên sát trần và cao hơn giá bán can thiệp. Đây có thể là động thái nhằm đẩy lãi suất thị trường 2, giúp giảm áp lực tỷ giá.

Phiên giao dịch hôm nay (22/5) chứng kiến diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4,5%/năm. So với phiên trước đó, quy mô cho vay OMO của NHNN đã tăng gấp hơn 9 lần và lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm.

Theo dữ liệu từ WiChart, đây là mức lãi suất cao nhất trên kênh OMO kể từ ngày 1/6/2023; khối lượng phát hành là cao nhất kể từ ngày 25/4.

Đây là lần thứ hai NHNN tăng lãi suất OMO trong vòng 1 tháng qua. Trước đó, trong phiên 23/4, cơ quan này cũng đã tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá trên kênh OMO từ 4% lên 4,25%/năm.

Đồng thời, trong phiên hôm nay, NHNN đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, với lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm. Đây là mức lãi suất tín phiếu cao nhất kể từ tháng 3/2023. Có hai thành viên tham gia đấu thầu và cả hai đều trúng thầu.

Cũng trong phiên 22/5, lô tín phiếu trị giá 1.400 tỷ đồng đã đáo hạn. Cùng với đó, khoản vay trị giá 2.791 tỷ đồng trên kênh OMO cũng đáo hạn. Như vậy, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 22.959 tỷ đồng trong phiên 22/5.

Sau phiên hôm nay, trạng thái hút ròng mà NHNN đang duy trì giảm xuống còn 28.343 tỷ đồng. Trong giai đoạn cuối tháng 4, nhà điều hành từng duy trì trạng thái bơm ròng khi liên tiếp bơm hàng chục nghìn tỷ đồng sau khi nâng lãi suất OMO.

Giới chuyên gia nhận định, việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.

Việc sử dụng đồng thời hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Theo dữ liệu từ NHNN, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm phiên 20/5 là 4,01%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 4,22%/năm còn kỳ hạn 1 tháng là 4,38%/năm.

Ngoài ra, việc nâng lãi suất OMO cũng có thể giúp NHNN giảm áp lực phải bán ra ngoại tệ.

Trong suốt gần 1 tháng qua, dù NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép.

Theo các nguồn thạo tin, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay đã chạm mốc 2,5 tỷ USD.

Trong những phiên gần đây, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục chạm trần.

Ngày 22/5, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.254 đồng/USD, tăng 3 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.041 - 25.467 đồng/USD. Tỷ giá mua bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ niêm yết ở mức 23.400 - 25.450 đồng/USD.

Hôm nay, Vietinbank niêm yết giá mua vào là 25.263 đồng/USD và bán ra là 25.466 đồng/USD, tăng 3 đồng. Vietcombank và BIDV cùng niêm yết từ 25.266-25.466 đồng/USD (mua vào/bán ra), tăng 3 đồng so với chốt phiên trước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo động thái bán ngoại tệ và nâng lãi suất thị trường 2 của NHNN có thể là không đủ để ổn định tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, sáng lập viên Think Future Consultancy, đánh giá hiện trạng thái rất mong manh, chỉ cần một mồi lửa nhập siêu thì áp lực tỷ giá sẽ tăng rất nhanh. Theo ông Linh, lãi suất huy động cần phải tăng lên để bảo vệ tiền đồng.

Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt nhưng các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

Trong khi đó, tại báo cáo phân tích công bố gần đây, Chứng khoán Rồng Việt không loại trừ khả năng việc NHNN tăng lại suất OMO là bước đi thăm dò nhằm chuẩn bị cho việc nâng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với áp lực mất giá của đồng nội tệ.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay

Ngân hàng
(VNF) - Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác; phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay.
Soi lãi vay các ngân hàng, lãi suất thấp còn duy trì được bao lâu?

Soi lãi vay các ngân hàng, lãi suất thấp còn duy trì được bao lâu?

Ngân hàng
(VNF) - Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm và nhiều người lo ngại điều này có tác động đến lãi suất cho vay bình quân hay không? Thực tế hiện nay, lãi suất tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức thấp để kích cầu.
Ngân hàng chuẩn bị đồng loạt tăng lãi suất cho vay?

Ngân hàng chuẩn bị đồng loạt tăng lãi suất cho vay?

Ngân hàng
(VNF) - Lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên. Nhiều người lo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng theo làm tăng áp lực tài chính cho người vay.
Cùng chuyên mục
Tin khác