Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Cách đây hơn một tuần, sau vụ việc 20 du khách Hàn Quốc tại Đà Nẵng than phiền khi bị cách ly vì đến từ vùng dịch Covid-19, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại, chẳng hạn “Như vậy liệu có làm mếch lòng khách du lịch Hàn Quốc?”, “Nhỡ Samsung rút khỏi Việt Nam thì sao?”...
Là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, sự gắn kết về lợi ích giữa Việt Nam và nhiều quốc gia khác ngày càng được thể hiện đậm nét qua các chỉ số kinh tế lẫn trong chính cảm nhận của người dân. Rõ ràng, đóng góp của khách du lịch Hàn Quốc, của Samsung vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đủ lớn để người dân xem đó như một yếu tố mà chính quyền cần cân nhắc, dù là trong một hành động mang tính khẩn cấp giữa mùa bệnh dịch.
Dẫu vậy, “Nhỡ Samsung rút khỏi Việt Nam thì sao” không nên chỉ là một câu hỏi bất chợt. Khi doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta (có những năm kim ngạch xuất khẩu của Samsung chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước), thì câu hỏi này xứng đáng để những nhà hoạch định chính sách phải suy ngẫm.
Như bất cứ mối quan hệ nào khác, việc hợp tác giữa Samsung với Việt Nam hiển nhiên phải được đặt trên cơ sở những lợi ích cốt lõi mà hai bên có thể tìm thấy trong mối quan hệ đó.
Truyền thông đã nói rất nhiều về những lợi ích mà Việt Nam có được khi Samsung xuất hiện. Trong nhiều năm, doanh nghiệp này đóng góp rất lớn vào vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu lẫn tăng trưởng GDP. Có những năm, doanh thu của Samsung gần bằng 30% GDP của Việt Nam. Và có những năm (như 2017), các chuyên gia lẫn những nhà quản lý đều phải thừa nhận rằng “tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào Samsung (và Formosa)”.
Các chỉ số tăng trưởng ấn tượng tạo cảm giác rằng Việt Nam được hưởng lợi nhiều trong cuộc hợp tác, cho dù những gì Samsung nhận được cũng rất đáng kể. Bên cạnh các ưu đãi về thuế, đất đai, chi phí điện - nước… thì chi phí nhân công rẻ (thấp hơn 10 lần so với ở Hàn Quốc) và mức độ sẵn lòng làm thêm giờ của công nhân Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng.
Đặc biệt, so với các quốc gia đang phát triển khác mà Samsung cũng đang hướng đến như Ấn Độ, Bangladesh thì Việt Nam nắm giữ đồng thời hai ưu thế vượt trội: tình hình chính trị ổn định và vị trí gần sát Trung Quốc – nơi tập trung rất nhiều nhà sản xuất linh kiện lớn, là đầu vào cho các nhà máy lắp ráp điện thoại của Samsung.
Với những lợi ích rõ rệt thu được từ Việt Nam, chúng ta có thể kỳ vọng về nhiều năm hợp tác nữa với Samsung.
Nhưng điều đáng nói hơn là bên cạnh thành công, những hệ lụy của mối quan hệ Việt Nam – Samsung cũng đã bắt đầu xuất hiện. Đã có nhiều nhà phân tích cảnh báo về tình trạng lệ thuộc quá mức của nền kinh tế vào Samsung cũng như các doanh nghiệp FDI lớn. Khi chỉ có thể tham gia vào những khâu mang ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu như gia công hay lắp ráp, các doanh nghiệp nội địa sẽ không có nhiều cơ hội để nâng cao công nghệ và tham gia vào các công đoạn giá trị cao hơn như thiết kế, phân phối, marketing...
Về lâu dài, nếu chỉ làm gia công, doanh nghiệp nội địa sẽ không thể nâng cao năng lực và dễ dàng tan vỡ nếu có sự biến động trong chuỗi cung ứng – chẳng hạn nếu Samsung rời khỏi Việt Nam và mang theo toàn bộ những đơn hàng gia công đặc thù.
Rõ ràng, “Nhỡ Samsung rút khỏi Việt Nam” là tình huống cần được thảo luận ngay từ bây giờ, đặc biệt là đối với các địa phương đang có sự đầu tư lớn của Samsung như Bắc Ninh hay Thái Nguyên.
Năm 2018, người viết bài này đã tham gia một nhóm nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của tỉnh Thái Nguyên. Các kết quả nghiên cứu khẳng định lại hai thực trạng đã được báo chí phản ánh từ năm 2014: thứ nhất, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba đã không chọn vào đại học mà chọn đi làm công nhân cho Samsung Thái Nguyên; thứ hai, doanh nghiệp này cũng là điểm đến của rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học.
Khi biểu diễn số lượng sinh viên ở Thái Nguyên qua các năm, các đồ thị đều đi lên, cho đến khi tất cả đồng loạt giảm vào năm 2013. Xu hướng giảm này còn kéo dài cho đến 2018. Có lẽ không phải là trùng hợp khi năm 2013 chính là năm mà Samsung bắt đầu đầu tư vào địa phương này.
(Nguồn: tác giả vẽ lại từ số liệu Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên)
Chỉ thuần túy làm gia công lắp ráp nên Samsung Thái Nguyên không yêu cầu trình độ đại học đối với công nhân. Họ từ chối luôn các cử nhân ứng tuyển vì sợ cử nhân chỉ xem đây là công việc tạm thời và sẽ sớm nhảy việc. Tuy vậy, chuyện “cử nhân giấu bằng đại học đi làm công nhân” ở Samsung phổ biến đến mức trên mạng internet, giới tuyển dụng công nhân vẫn truyền tai nhau “thủ thuật phát giác cử nhân” bằng cách kiểm tra vết chai ở bàn tay, còn một phỏng vấn khác cho thấy trong một tổ làm việc có 20 công nhân thì đã có đến 6 cử nhân.
Chuyện “cử nhân giấu bằng đi làm công nhân” thách thức rất nhiều kết quả nghiên cứu vốn cho rằng thu nhập của một người tỉ lệ thuận với số năm đi học của người đó. Tuy vậy, sẽ dễ lí giải nếu đặt mức lương công nhân Samsung 7-8 triệu bên cạnh mức lương gần 3 triệu ở khu vực nhà nước, hoặc 4-5 triệu ở khu vực tư nhân cho cử nhân mới ra trường. Về lâu dài, nguy cơ suy giảm nguồn nhân lực trình độ đại học của Thái Nguyên là có thật.
Bên cạnh đó, sẽ còn là một sự lãng phí rất lớn công sức và thời gian của cá nhân, tiền bạc của gia đình và nguồn lực của xã hội nếu những người tốt nghiệp đại học không thể duy trì và phát triển kiến thức và kỹ năng của họ.
Mặc dù làm việc trong công xưởng sản xuất ra những chiếc điện thoại tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng công việc của những cử nhân này chỉ dừng lại ở việc vặn ốc. Bài toán đặt ra là: sau nhiều năm, tương lai của lực lượng lao động kỹ năng thấp này sẽ như thế nào, khi mà kiến thức đã thui chột và cơ hội nâng cao trình độ nghề nghiệp gần như bằng không?
Câu hỏi “Nhỡ Samsung rút khỏi Việt Nam thì sao” một lần nữa cần phải được đặt ra ngay từ bây giờ, bởi áp lực giải quyết việc làm cho hơn 60.000 nhân công thiếu kỹ năng sẽ là rất lớn.
Không chỉ chất lượng nhân lực, mà cơ cấu nhân lực của Thái Nguyên cũng đang bị thách thức khi mặt bằng lương cao của Samsung đang liên tục thu hút người từ các ngành nghề khác. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 18.000 lao động của tỉnh này đã chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp thuộc cụm ngành điện tử với Samsung là hạt nhân.
Có thể nói, sự có mặt của Samsung tại Thái Nguyên đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu lao động theo nhóm ngành của địa phương. Các doanh nghiệp nội địa khác phải chịu sự cạnh tranh to lớn trước sức hút nhân lực từ Samsung.
Năm 2018, trong số 29 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, không hề có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Liệu có phải chính vì nguồn nhân lực được đào tạo bài bản đã bị suy giảm cũng như bị hút về phía Samsung cho nên đã không có một doanh nghiệp nội địa nào ở Thái Nguyên đủ điều kiện trở thành nhà cung ứng cấp 1 của ông lớn này?
“Tấm huy chương nào cũng có mặt trái”, câu nói này cũng đúng với các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung hay Formosa. Đó có thể là những động lực to lớn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể đem lại nhiều hệ lụy khó nhìn thấy hơn và chỉ bộc phát trong dài hạn.
Sẽ dễ dàng quan sát khí thải hay nước thải từ một nhà máy thép, nhưng sẽ khó hơn nhiều để nhận ra sự xói mòn trong năng lực thay đổi và sáng tạo của doanh nghiệp nội địa hay sự xáo trộn trong cơ cấu nhân lực địa phương. Đó là lí do ngay trong mỗi bước phát triển, chúng ta phải luôn nhìn lại, nhắc nhở nhau và tự đặt câu hỏi cho chính mình. Có thể bắt đầu bằng một câu đơn giản thôi: “Nhỡ Samsung rút khỏi Việt Nam thì sao?”
(*) Thạc sĩ Chính sách công, cấp bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, hiện đang làm việc tại Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ).
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.