Diễn đàn VNF

Nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân hiến kế 'giải cứu' nền kinh tế

(VNF) - Nhiều kiến nghị, giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 đã được các chuyên gia kinh tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đưa ra trong báo cáo mới nhất.

Nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân hiến kế 'giải cứu' nền kinh tế

Nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân hiến kế 'giải cứu' nền kinh tế

Theo đó, nhóm chuyên gia NEU cho rằng Ngân hàng nhà nước cần xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1% - 0,2% trong 1-2 tháng tới, hoặc xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ áp dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.

Nhóm chuyên gia cũng cho rằng NHNN nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai, chứ không áp dụng dàn trải cho mọi tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng nên cần phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ đối với các doanh nghiệp tốt, có tiềm năng mà đang bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.

Tiếp đến là bổ sung thêm danh mục thứ 6 về các đối tượng được hưởng ưu tiên về lãi suất trần trong điều 13, khoản 2, Thông tư 39/2016/TT-NHNN về Quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, NHNN cũng được khuyến nghị rằng cần tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Các biện pháp gồm: cung cấp thanh khoản quốc tế trong phạm vi cho phép về nguồn lực trên thị trường ngoại hối nội địa, nhằm mục tiêu ổn định tài chính; sử dụng quyền tiếp cận đối với các nguồn vốn quốc tế để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, nhằm mục cung cấp vốn xử lý đình trệ và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng sau dịch bệnh.

Trường hợp nền kinh tế đình trệ kéo dài từ 2 quý trở lên, NHNN có thể tính toán đến phương án phát hành trái phiếu của ngân hàng trung ương để hỗ trợ thanh khoản nội địa và quốc tế của Việt Nam.

Trong trường hợp mất giá của đồng tiền rơi vào 3 mức (1-3%, 3-5%, và 5-7%), nhóm chuyên gia NEU cho rằng NHNN có thể lên kịch bản cho nền kinh tế vĩ mô để có các phương án thích hợp với chính sách tiền tệ.

Trong trường hợp cực đoan nhất, NHNN cần chuẩn bị phương án “ngắt mạch” thị trường ngoại hối, cụ thể là sử dụng biện pháp hành chính liên quan đến các giao dịch vãng lai để chỉ cung cấp dịch vụ ngoại hối cho các hoạt động liên quan đến y tế, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng cần công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm bắt được

Đối với các tổ chức tín dụng, nhóm chuyên gia NEU cho rằng các tổ chức này cần phát triển ngay các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp trong các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch Covid-19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt.

Tiếp đến là phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu tác động của Covid-19 như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh; tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế.

Đặc biệt là quan tâm phát triển mảng thị trường khách hàng thu nhập thấp (đây là thị phần khách hàng rất tiềm năng ở Việt Nam) và cuối cùng là cần công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm bắt được.

Bộ Tài chính cần giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đối với Bộ Tài chính, nhóm chuyên gia NEU cũng đưa ra nhóm giải pháp như giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Trong trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, số thuế được giảm 50% tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế được ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ cho phép kéo dài thời gian chuyển lỗ từ 5 lên 8 năm, giãn thời gian nộp quyết toán thuế đến 30/6/2020.

Với những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất đồ bảo hộ (găng tay, quần áo bảo hộ), trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19, nhóm chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ chi phí tài sản cố định (phát sinh khi mở rộng quy mô sản xuất) vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, xem xét hoàn ngay thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch được hoàn 100% thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Nhóm chuyên gia cũng cho rằng Bộ Tài chính cần tiến hành miễn và giãn nộp thuế với một số trường hợp cụ thể, miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập, trợ cấp và tiền thưởng được trả cho những người làm việc trên tuyến đầu chống đại dịch;

Giãn thuế thu nhập cá nhân phải nộp chuyển tới thời kỳ cuối năm 2020; miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa nhập khẩu để phục vụ chống dịch hoặc nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa giúp phòng ngừa và kiểm soát Covid-19;

Giãn tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp trong 6 tháng để doanh nghiệp dồn lực khắc phục những vấn đề do dịch bệnh tác động; đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax.

Nhóm chuyên gia cho rằng Tổng cục Thuế cần phải triển khai eTax ngay trong tháng 6/2020 cho 18 tỉnh thành phố còn lại thay vì hoàn thành tháng 11 như dự kiến trước đây...

Xem thêm:  ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm xuống mức 4,8% do 'cú sốc' Covid-19

Tin mới lên