M&A

Nhựa Đồng Nai (DNP) 'đu dây' với M&A

Đi cùng với tham vọng mở rộng quy mô hoạt động thông qua mua bán và sáp nhập (M&A) là gia tăng khoản nợ và rủi ro kinh doanh với Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP).

Nhựa Đồng Nai (DNP) 'đu dây' với M&A

Nhựa Đồng Nai (DNP) 'đu dây' với M&A

Tài sản càng lớn, lợi nhuận càng teo

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai diễn ra vào hồi cuối tháng 6 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu hợp nhất 5.919 tỷ đồng, tăng 180% so với mức thực hiện trong năm 2020; lợi nhuận trước thuế ở mức 25 tỷ đồng, bằng 76% năm ngoái.

Lý giải về việc đặt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận ngược chiều, lãnh đạo Nhựa Đồng Nai cho biết, “đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên toàn thế giới, nên công ty tính toán kế hoạch kinh doanh theo kịch bản thận trọng hơn kịch bản cơ sở, dự phòng cho tình trạng và diễn biến dịch có khả năng trở nên phức tạp và kéo dài hơn ở Việt Nam”.

Kịch bản thận trọng là kịch bản chung được nhiều doanh nghiệp, trong đó có Nhựa Đồng Nai đặt ra sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiến hành giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, việc lên kế hoạch doanh thu tăng mạnh, trong khi lợi nhuận đi lùi khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh doanh của công ty.

Tại thời điểm cuối quý I/2021, tổng tài sản của Nhựa Đồng Nai đạt hơn 12.413,8 tỷ đồng, tăng gần 27,6% so với cuối năm 2020 sau khi hợp nhất tài sản với Công ty Cổ phần CMC (mã CVT). Đây là kết quả của thương vụ mua cổ phần chi phối CMC gây chú ý trên thị trường hồi tháng 3/2021.

Việc thâu tóm CMC giúp Nhựa Đồng Nai mở rộng hệ sinh thái lên 32 doanh nghiệp và đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chứng khoán về số lượng thương vụ thâu tóm.

Từ năm 2013 trở về trước, lĩnh vực kinh doanh chính của Nhựa Đồng Nai là sản xuất ống nhựa xây dựng và bao bì theo phương thức gia công cho thị trường châu Âu và kinh doanh nguyên vật liệu, phụ gia ngành nhựa, phụ kiện cấp thoát nước. Năm 2014 chứng kiến bước ngoặt của Công ty với việc “lấn sân” sang đầu tư sản xuất và cung ứng nước sạch.

Đáng chú ý, nếu như việc mở rộng quy mô hoạt động giúp doanh thu của Công ty tăng mạnh thì hiệu quả kinh doanh của Công ty lại giảm dần.

Chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đã giảm từ mức 10,94% vào năm 2017 xuống còn 0,55% trong 2020, trong khi ROA (tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ) từ 2,62% giảm xuống chỉ còn 0,15% vào cuối 2020.

Quý đầu năm nay, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của DNP chỉ đạt 83 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành ở mức 1.283 đồng/cổ phiếu, trong khi P/E là 236 lần.

Thách thức lớn khi mở rộng ngành nghề

Báo cáo tài chính của Nhựa Đồng Nai cho thấy, cuối quý I/2021, nợ phải trả của công ty là 8.671 tỷ đồng, cao gấp 2,37 lần vốn chủ sở hữu, với hơn 71% là nợ vay và thuê tài chính.

Cách đây gần 2 năm, lãnh đạo Nhựa Đồng Nai từng giải thích các chỉ tiêu tài chính của Công ty chưa “đẹp” là do doanh nghiệp đang trong giai đoạn đẩy mạnh hoạt động mở rộng quy mô hoạt động.

Dẫu vậy, trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Công ty đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì việc thu xếp dòng tiền, nhất là khi doanh nghiệp vẫn nuôi tham vọng tiến hành thêm nhiều thương vụ M&A trong thời gian tới, hẳn là bài toán lớn của doanh nghiệp.

Đáng nói, dù tài sản ngắn hạn của Nhựa Đồng Nai vào cuối quý I/2021 là hơn 3.489,8 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số 2.958,5 tỷ đồng nợ phải trả ngắn hạn, nhưng phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở các khoản đầu tư tài chính, khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

Cụ thể, hàng tồn kho của Công ty là 1.076,6 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn là 1.116 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư quan tâm nhiều đến khả năng thu hồi của các khoản phải thu ngắn hạn, bởi đây là các khoản phải thu đối với các đại lý kinh doanh các sản phẩm ống, nhựa, bao bì, phụ kiện của Công ty.

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, đẩy giá các nguyên vật liệu xây dựng tăng chóng mặt thời gian, từ đó làm giảm sức tiêu thụ trên thị trường. Việc các đại lý chậm đẩy hàng tồn kho sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ thu tiền từ các đại lý của Công ty.

Trở lại với thương vụ thâu tóm CMC, ước tính, Nhựa Đồng Nai đã phải bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua hơn 51% cổ phần của doanh nghiệp này (tính theo thị giá cổ phiếu CMC trên sàn tại thời điểm công bố thực hiện giao dịch).

Điều này làm tăng quy mô tổng tài sản cũng như phạm vi hoạt động kinh doanh của Nhựa Đồng Nai, song cũng làm gánh nặng nợ vay của Công ty tăng lên.

Dẫu vậy, tham vọng trở thành nhà cung cấp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực vật liệu xây dựng sau thương vụ này đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng nhấn mạnh, gạch ốp lát bên cạnh xi măng và kính xây dựng là 3 mặt hàng được xếp vào danh mục “báo động đỏ” khi đang xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Với gạch ốp lát, ngành hàng này đang gặp khó ngay trên sân nhà khi hàng ngoại đổ bộ ồ ạt vào thị trường nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, giá cả.

Theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, hiện nay, sản phẩm gạch ốp lát Việt Nam xuất sang các nước trong khối ASEAN đều phải xin giấy phép chứng nhận chất lượng của từng nước, trong khi gạch ngoại nhập về thị trường trong nước không gặp rào cản nào, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa.

Tính đến nay, tổng công suất đầu tư của 3 ngành hàng xi măng, gạch ốp lát và kính xây dựng đã tiệm cận mục tiêu năm 2025 theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Áp lực cạnh tranh đang đẩy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này đi xuống và đây là rủi ro mà Nhựa Đồng Nai phải đối mặt khi thâu tóm CMC.

Tin mới lên