'Cần tính giảm trừ gia cảnh theo xu hướng phát triển'
(VNF) - Khẳng định mức giảm trừ gia cảnh không theo kịp yêu cầu của cuộc sống, nhiều chuyên gia khẳng định, trong lần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân tới, việc giảm trừ gia cảnh không nên chỉ dựa theo chỉ số CPI mà còn phải tính tới xu hướng phát triển của nhu cầu tiêu dùng và xu hướng phát triển của xã hội.
Giảm trừ gia cảnh không sát với thực tế
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2024, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến 20% nên chưa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh; dự kiến Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026.
Thông tin này khiến nhiều người thất vọng. Bởi theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh này được cho là quá lạc hậu so với thực tế. Đặc biệt là so với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM thì mức giảm trừ gia cảnh này không đủ đáp ứng các chi tiêu cơ bản.
Phân tích về cách tính giảm trừ gia cảnh, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng cách Bộ Tài chính làm hiện nay là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23%, từ đó đưa ra con số giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng.
“Về lý mà nói, cách tính này hiện nay đang làm đúng luật nhưng lại chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống. Bởi luật quy định khi CPI tăng 20% so với thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Theo tôi, để chờ đến lúc ấy là thời gian quá dài, nên quy định này chưa kịp thời và gây thiệt cho người lao động”.
Theo quan điểm của luật sư Đức, lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành 4 vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá đáng kể. Giả thiết với cùng một mức thu nhập, nhưng ở các địa bàn khác nhau, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau. “Ở vùng sâu vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng là ổn. Tuy nhiên, ở vùng thành thị là nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ, mức giảm trừ gia cảnh như vậy không đủ để có thể trang trải cuộc sống”, ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển. “Theo tôi, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa dựa vào mức sống tối thiểu hay thu nhập bình quân đầu người, cũng không hẳn là căn cứ vào lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng. Chính vì vậy, dường như mức nào cũng nhận được phản biện, thắc mắc”.
Giảm trừ gia cảnh được coi là một trong những bất cập trong tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận điều này và nói sẽ tăng mức này khi sửa luật. Hiện, mức này cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, duy trì từ tháng 7/2020. Trong đó, mức 11 triệu đồng được cơ quan thuế xác định bằng “mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người”, còn mức 4,4 triệu đồng xác định bằng 40% so với giảm trừ của bản thân người nộp thuế.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.
Số liệu của Bộ Tài chính tới hết quý III cho thấy, khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân thấp hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, giảm 6%. Nếu so với kế hoạch cả năm, tiến độ thu sắc thuế này đạt hơn 78% dự toán. Đây là lần đầu trong chục năm qua, thuế thu nhập cá nhân 9 tháng tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2022 do kinh tế khó khăn, thu nhập người làm công ăn lương giảm.
Đo giảm trừ gia cảnh theo xu hướng phát triển
Như vậy, hiện tại vấn đề đặt ra là sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh như thế nào để xoá được những lo ngại luật vừa được áp dụng đã lỗi thời? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng bên cạnh việc tính mức giảm trừ gia cảnh theo biến động CPI, cần phải tính theo xu hướng phát triển của nhu cầu tiêu dùng của người dân, vốn đi lên.
“Thực tế, từ 1/7/2013 đến nay, đời sống của người dân cũng đã nâng lên rất nhiều, nhu cầu về vật chất và tinh thần cao hơn nhiều. Chẳng hạn trước kia, nhiều người không cần sử dụng son phấn, bây giờ thì phải có son phấn; hay người dân cũng phải đi du lịch, thưởng thức âm nhạc, văn hóa… Nếu trước kia, bạn mua cái túi giá 1 triệu đồng, bây giờ giá tăng 20% thì giá cái túi đó là 1,2 triệu đồng. Nhưng bên cạnh đó cái túi cũ lại lỗi mốt, người ta không bán nó nữa mà ra cái túi mới, đắt hơn 10%, thì mua cái túi bây giờ phải 1,3 triệu đồng chứ không phải 1,2 triệu đồng. Cho nên theo tôi, chỉ số giá tiêu dùng chỉ là một căn cứ thôi, Bộ Tài chính cần phải tính toán trên nhiều phương diện nữa thì khi luật ra đời mới không bị lỗi thời”, ông Long nói.
Tương tự, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng trong lần sửa đổi thời gian tới đây, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở của mức giảm trừ gia cảnh. “Theo đó, nên thiết kế linh hoạt, gồm khấu trừ cố định tối thiểu như hiện nay, khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn, chứng từ”, ông Đức nói.
Đáng chú ý, ông Đức cho biết, trong bối cảnh hiện nay, không ít ý kiến cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên cao hơn, thậm chí là 18 - 20 triệu đồng/tháng, bởi vật giá đã leo thang liên tục trong thời gian qua…
Tăng mức giảm trừ gia cảnh: Những câu chuyện từ chi tiêu thực tế
Giảm trừ gia cảnh liệu đã đủ sống?
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.