Những đóng góp của lực lượng TNXP trong các cuộc kháng chiến

BBT VietnamFinance - 30/04/2025 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Các đội TNXP đã trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc chiến tranh nhân dân, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của quân và dân Việt Nam

Ngày 15/7/1950, Đảng Đoàn Thanh vận Trung ương họp mở rộng và giao cho Ban thường vụ Trung ương Đoàn tổ chức thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên theo chỉ thị của Bác Hồ. Đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với việc ra đời một đội hình thanh niên đặc thù từ ý tưởng lớn của Bác, một sáng tạo độc đáo về trường học thực tiễn rộng lớn đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam từ lứa tuổi Thanh Thiếu niên và ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Lúc đầu toàn Đội có 225 đội viên chia thành 3 Liên phân đội, có tổ chức Đảng và Đoàn thuộc Đảng bộ Tổng cục cung cấp mặt trận trực thuộc Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuối tháng 8/1950, lễ xuất quân được tổ chức tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đầu tháng 9/1950, Đội nhận lệnh đi phục vụ Chiến dịch Biên giới, lực lượng TNXP đã dũng cảm vượt qua lửa đạn, bám sát phục vụ bộ góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Biên giới, mở đầu những trang sử vẻ vang của lực lượng TNXP. Đội TNXP công tác Trung ương được vinh dự Bác Hồ gửi thư khen. Đặc biệt, chỉ sau mấy tháng thành lập và dù bận muôn vàn công việc lãnh đạo kháng chiến, ngày 20/3/1951, trên đường đi chiến dịch Bác Hồ đã dành thời gian đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng Cầu Nà Cù, thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Tại đây, Bác đã thăm hỏi, dặn dò và đọc tặng các cháu 4 câu thơ, nhưng thực chất là lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương hướng tư tưởng và hành động nhằm rèn luyện nghị lực cho lực lượng TNXP và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam đang đứng trước nhiệm vụ hết sức nặng nề của Tổ quốc giao phó:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Cuối năm 1953, trong cuộc họp Bộ Chính trị bàn quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ Bác Hồ đã chỉ đạo củng cố, phát triển các Đội TNXP với yêu cầu cao hơn, chất lượng tốt hơn. Bác chỉ rõ: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển các Đội TNXP để đảm bảo công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Bác nhấn mạnh “Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ”. Bác đã giao cho đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác làm Đoàn trưởng, đồng chí Tạ Quang Chiến, cán bộ cận vệ cho Bác làm đội trưởng Đội TNXP kiểu mẫu và Đoàn TNXP mang mật danh Đoàn XP. Cả hai đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến đều có vinh dự được Bác Hồ đặt tên (Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi). Trong thời gian này, Bác Hồ đã chăm sóc TNXP từ việc nhỏ đến việc lớn. Hàng tuần Bác nghe báo cáo, những khi vắng Bác giao Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay Bác trực tiếp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo TNXP. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác còn giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương trực tiếp quan tâm, chỉ đạo TNXP phục vụ chiến dịch. Bác viết nhiều bài đăng báo, động viên biểu dương, khen thưởng những tập thể và cán bộ đội viên lập công xuất sắc, đặc biệt Bác ân cần chỉ bảo phương hướng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành của TNXP.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Trung ương Đảng, sự vận động giáo dục của Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn hàng vạn thanh niên các tỉnh Khu Ba, Khu Bốn, Tây Bắc, Việt Bắc và các tỉnh Khu Năm, Nam Bộ nô nức lên đường gia nhập TNXP. Tính từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1954, có trên 60.000 lượt thanh niên lên đường gia nhập lực lượng TNXP, trong đó có trên 25.000 TNXP tập trung, được Bác Hồ và Bộ Tư lệnh tiền phương giao đảm nhận hai mảng nhiệm vụ trọng yếu: Một là phục vụ, bảo vệ khu vực các cơ quan đầu não của Trung ương (ATK – an toàn khu ở chiến khu Việt Bắc).

Hai là làm xung kích xây dựng các tuyến đường huyết mạch của chiến trường, phá bom nổ chậm, bảo đảm giao thông ở các tọa độ lửa, vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng trực tiếp phục vụ các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Tây Bắc, Thượng Lào… và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Để phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch bắc Tây Nguyên, Liên khu 5 và Khu Đoàn 5 đã vận động trên 4000 TNXP hỏa tuyến thành lập Tổng đội 204 phục vụ chiến dịch cùng bộ đội lập công đánh thắng Mặt trận Đường 19 – An Khê và giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, đánh bại cuộc càn Át Lăng nằm trong kế hoạch NaVa của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có trên 16.000 đội viên TNXP ngày đêm sát vai cùng bộ đội phục vụ chiến đấu và có hơn 8.000 cán bộ, đội viên lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng được tuyển chọn bổ sung vào các đơn vị bộ đội ngay tại chiến trường.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 40 đại đội TNXP thuộc Đội 34 và Đội 40 có mặt khắp nơi trên toàn tuyến dài 400km; đường 13 từ bến đò Tạ Khoa, Nghĩa Lộ qua đèo Chẹn đến ngã ba Cò Nòi; đường 41 từ Yên Châu, Mộc Châu qua Cò Nòi lên đèo Pha Đin, Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Vị trí các đại đội được bố trí vừa có đóng chốt bảo đảm phục vụ trọng điểm, vừa có lực lượng cơ động ứng cứu, chi viện cho trọng điểm khi bị địch đánh bom. Một số đơn vị rải quân làm nhiệm vụ cảnh giới bảo vệ đường dây, đi huấn luyện, hướng dẫn và trực tiếp phá bom nổ chậm, bom bươm bướm … Trên 60 loại công việc khác nhau, có những việc tưởng nhỏ như ngụy trang, đêm đêm hàng trăm xe tải đưa hàng vào “vùng cấm”, đường mòn, cỏ chết, cây ngụy trang ngả nghiêng khô héo, ban ngày TNXP phải làm cho cây cỏ tươi lại che khuất đường mòn, đi xa chặt cây về ngụy trang lại giống như rừng nguyên sinh, làm nhiệm vụ xây dựng kho tàng, lán trại, đào công sự, hầm pháo …

Việc bảo đảm giao thông, mạch máu của chiến dịch phải được thông suốt có ý nghĩa góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch nên lực lượng TNXP đảm nhận nhiệm vụ quan trọng này và sự hy sinh xương máu nhiều nhất cũng trên mặt trận giao thông vận tải chiến dịch. Tại Ngã ba Cò Nòi, giao điểm đường 13 gặp đường 41 đi lên Sơn La, có đợt địch đánh phá liên tục 2,3 tuần liền, có trận địch dùng 65 máy bay ném 300 quả bom phá. Tại đèo Pha Đin có ngày địch thả 160 quả bom phá, bom Na Pan kèm theo bom bươm bướm vỏ xanh để ta không thể phát hiện. Vượt qua nguy hiểm, các chiến sĩ TNXP ngày đêm bám trụ, quan sát cắm cọc tiêu trên nhưng quả bom chưa nổ để tổ phá bom vào phá. Có trận quân ta đang phá bom thì địch đến đánh tiếp nên nhiều TNXP đã hy sinh. Riêng tại Ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin có gần 300 TNXP đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Trong cuộc chiến với quân thù trên trận tuyến giao thông vận tải các đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Văn Cam ở đội phá bom đã dũng cảm và sáng tạo tìm ra cách phá bom bươm bướm vừa đạt hiệu quả cao, vừa giảm thương vong cho đồng đội, 3 đồng chí đều được thưởng Huân chương. Đồng chí Trịnh Văn Huyền dũng cảm xông lên cứu thoát 5 xe đạn trong khi địch đang bắn phá cũng được thưởng Huân chương và Trung ương Đoàn cử đi dự liên hoan Thanh niên, sinh viên tại Vacsava. Năm 2014 Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng chí: Nguyễn Tiến Thụ, Cao Xuân Thọ, Trịnh Văn Huyền; truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Trần Văn Cam.

Vai trò và chiến công của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp đạn dược, lương thực cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ. Vì vậy, nên kẻ địch không thể tưởng tượng chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Trong kháng chiến nhất là trong các chiến dịch, nếu không có thanh niên xung phong thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. Thanh niên xung phong đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Tôi luôn coi thanh niên xung phong như bộ đội”.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta và đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Hiệp nghị Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, một bộ phận lực lượng TNXP cùng quân đội tiến về tiếp quản Thủ đô và các thành phố lớn, tiếp đó lao vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp ban đầu của hậu phương lớn miền Bắc, chuẩn bị chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong nhiệm vụ mới này, không kém phần cam go, gian khổ nhưng với tinh thần “Thanh niên xung phong” tuyệt đại bộ phận cán bộ, đội viên đã lập công xuất sắc và trưởng thành nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các công trình giao thông, các tuyến đường sắt mới khôi phục, các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp mới xây dựng, các nông trường, lâm trường, công trình thủy lợi ra đời trong thời gian này đều có mồ hôi, công sức, trí tuệ, và cả xương máu, ghi đậm dấu ấn lịch sử TNXP.

Trong không khí vui mừng, phấn khởi sau chiến thắng, đại bộ phận bộ đội hành quân về xuôi nhận nhiệm vụ mới thì 8000 trong tổng số hơn 16.000 cán bộ, đội viên TNXP vừa hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lại nhận được lệnh hành quân ngược lên biên giới Việt – Trung mở một con đường chiến lược đặc biệt để tiếp nhận vũ khí, lương thực, thuốc men của Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội Chủ nghĩa chuẩn bị đối phó với âm mưu của đế quốc Mỹ phá hoại hiệp nghị Giơnever và trực tiếp nhảy vào xâm lược Đông Dương.

Việc mở con đường quốc phòng chiến lược dài gần 100km nối liền Lai Châu đến Ma Lù Thàng biên giới Trung Quốc vào thời điểm này phải bí mật, khẩn trương làm cả ban đêm. Hơn 3 năm làm đường, TNXP phải trải qua muôn vàn giao lao, nguy hiểm. Khí hậu khắc nghiệt, ngày nắng nóng đêm giá buốt thấu xương, nạn ruồi vàng, bọ chét cắn đốt sinh ghẻ lở, ốm đau, sốt rét rừng, bệnh phù thũng vì thiếu ăn, thiếu thuốc, bị tai nạn lao động cộng với nạn thổ phỉ phục kích, tập kích, bắn lén nên hơn 100 TNXP đã hy sinh, được đơn vị an táng tại Nghĩa trang Chăn Nưa – Lai Châu. Ngày nay nghĩa trang này đã được xây dựng thành Nghĩa trang liệt sỹ TNXP.

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào trực tiếp xâm lược miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Một lần nữa Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chủ trương tổ chức lực lượng TNXP. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71, quyết định tổ chức Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước. Chỉ thị nêu rõ: “Trước những thất bại liên tiếp trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đang tăng cường và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, trước hết là phá hoại các đường giao thông, các doanh trại quân đội, các khu vực kinh tế nhằm gây cho ta những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Trong tình hình đó, việc bảo đảm công tác giao thông vận tải không bị gián đoạn là một nhiệm vụ vô cùng trọng yếu đối với các hoạt động sản xuất của các ngành, các địa phương và tăng cường khả năng quốc phòng”.

Để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của thanh niên trong việc đảm đương các nhiệm vụ khó khăn nhưng vẻ vang đó, Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ quyết định giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước. Chỉ sau 20 ngày Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị thành lập TNXP chống Mỹ cứu nước, ngày 12/7/1965, Bác Hồ đã trực tiếp nghe Trung ương Đoàn báo cáo về tình hình tuyển quân. Trong các lời căn dặn quý báu của Bác, Bác nhấn mạnh đến chính sách, nhất là chính sách đối với nữ TNXP và đặc biệt Bác quan tâm đến việc thông qua thực hiện lao động, chiến đấu mà đào tạo, rèn luyện TNXP tiến bộ, trưởng thành.

Ngày 29/7/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ thị số 105 về việc tăng cường lãnh đạo công tác vận động Thanh niên trong tình hình mới có đoạn nói: “Để phát huy truyền thống của TNXP trong thời kỳ kháng chiến và để đáp ứng với nhiệt tình của Thanh niên đang sôi nổi thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” cần tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước nhằm phục vụ cho chiến đấu và xây dựng. Mỗi Đội TNXP phải là một đơn vị sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết đồng thời là một trường học văn hóa, kỹ thuật, nơi đào tạo và rèn luyện Thanh niên về mọi mặt”. Ngày 15/11/1965, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị số 86 về việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí thích hợp với yêu cầu nhiệm vụ trị an, tác chiến của từng vùng cho các đơn vị TNXP. Đồng thời tiến hành đăng ký quản lý quân nhân dự bị, sẵn sàng bổ sung quân cho bộ đội khi có yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ và Trung ương Đảng, từ tháng 6/1965 đến tháng 4/1975 trong cao trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn phát động đã có gần 20 vạn nam nữ thanh niên gia nhập các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước và có mặt ở hầu hết các chiến trường gian khổ nhất, ác liệt nhất, ngày đêm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Chỉ riêng trên mặt trận giao thông vận tải từ Khu Bốn vào dọc đường Trường Sơn, dưới làn bom đạn và cả chất độc của địch, hàng vạn TNXP không quản ngại gian khổ, hy sinh, ngày đêm đào núi, vượt suối phá đá, xuyên đèo góp phần làm mới hơn 2.000 km đường chiến lược, đảm bảo giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam, từ các hậu phương chi viện cho tiền tuyến.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ đã dùng hàng chục loại máy bay phản lực kể cả máy bay hiện đại nhất như B52, F111, đánh phá trên 7 vạn lần, ném 2,5 triệu tấn bom các loại, tập trung 80% vào các tuyến giao thông trọng điểm và ở những nơi này đại bộ phận TNXP trấn giữ. Nhiều ngày giặc Mỹ huy động từ 500 đến 1000 lần chiếc máy bay, bắn trên 90 vạn quả đại bác và tên lửa vào đất liền, thả xuống biển, xuống sông hàng vạn quả thủy lôi…Chỉ tính riêng Xuân Mậu Thân 1968, ở trọng điểm Cua chữ A do đơn vị TNXP đảm nhiệm phải chịu 969 lần B52 với trên 10.000 tấn bom các loại. Trên khắp mọi tuyến đường chiến lược thuộc Trung ương và các địa phương quản lý, các cầu phà, bến cảng, các trọng điểm đánh phá ác liệt ngày đêm, lực lượng TNXP cùng bộ đội và công nhân ngành giao thông vận tải đã anh dũng bám đường đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam, Lực lượng TNXP còn là đội quân chủ lực mở các tuyến đường chiến lược dọc ngang từ phía Bắc đến phía Nam vĩ tuyến 17 và sang nước bạn Lào, đã xây dựng các kho tàng, bốc xếp, chuyển tải hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng liên tục từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam. Một số đơn vị TNXP còn trực tiếp tham gia chiến đấu bắn rơi 16 máy bay, bắt sống 13 giặc lái và 16.000 đội viên TNXP được tuyển chọn trực tiếp bổ sung vào quân đội.

Các đội TNXP đã trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc chiến tranh nhân dân. Việc tổ chức lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước là một quyết sách độc đáo, sáng tạo góp phần đối phó kịp thời với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược. Hành động anh hùng, lao động chiến đấu dũng cảm, kiên cường sẵn sàng hy sinh vì mạch máu giao thông Tổ quốc như anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế trên đường 12A Quảng Bình, Đinh Thị Thu Hiệp trên đèo Đá Đẽo đường 15A (đường Trường Sơn lịch sử), Nguyễn Tri Ân trên đất Hà Tĩnh kiên cường…và hàng vạn nam nữ TNXP khác đã không quản gian lao, nguy hiểm sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng, mãi mãi là những tấm gương sáng chói của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước. Tiêu biểu như anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Vân Liệu thuộc Đội TNXP số 25 Anh hùng tham gia chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường Thắng lợi” làm nên con Đường 20 Quyết Thắng – một con đường lịch sử của thời kỳ chống Mỹ cứu nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Đường 20 – Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và Thanh niên xung phong làm nên”.

Trên con đường này, đơn vị Nguyễn Thị Vân Liệu được phân công bám giữ trọng điểm cua chữ A trên đèo Phu La Nhích và Ngầm Ta Lê. Địa hình hiểm trở một bên núi cao, một bên vực thẳm. Nơi kẻ thù coi là yết hầu của mạch máu giao thông từ miền Bắc vào miền Nam. Nơi ấy sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Các loại phương tiện, vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mỹ được sử dụng. Máy bay C130, Thần Sấm, Con Ma, B52 thay phiên nhau đánh phá. Có ngày chúng đánh tới trăm lần, ban đêm thả pháo sáng rực cả một vùng, tưởng như không có một vật gì chúng không nhìn thấy. Bom xới đạn cày, đến nỗi núi đồi không còn một cành cây, ngọn cỏ. Mùa khô trở thành núi đỏ, mùa mưa trở thành hồ lầy, không thể đào nổi một hố trú ẩn cá nhân. Mùa khô 1967, 1968, 1969, 1970, Mỹ đã dùng đủ mưu ma chước quỷ đổ vào các trọng điểm không biết bao nhiêu tấn bom đạn, chất độc hóa học, bom lân tinh, bom la de, bom khoan, bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi, rốc két, mìn vướng, mìn tai hồng, mìn hẹn giờ, cây nhiệt đới thu tiếng động…để hủy diệt lực lượng của ta.

Thế nhưng những TNXP vẫn kiên cường bám trụ, bám trọng điểm với tinh thần “xe chưa qua, ta chưa nghỉ”. Trời mưa to, đất đá đổ ngổn ngang xuống lòng đường kéo dài hàng cây số, bùn lầy nhão nhoét, trời rét căm căm, các chiến sĩ TNXP phải thức suốt đêm tầm tã trong mưa dầm gió rét để thông đường và dẫn dắt xe qua trọng điểm an toàn. Có thời gian thiếu gạo, thiếu muối, thiếu rau, thiếu thuốc men, thiếu vải mặc, thiếu cả những thứ cần thiết cho chị em nữ, có lúc hàng trăm người bị sốt rét, người sốt nhẹ phục vụ người sốt nặng cáng nhau đi viện, người nằm trên cáng và người cáng đều là bệnh nhân, người nào giảm sốt xuống khiêng, người nào sốt cao lên cáng, cứ thế thay nhau…Đơn vị đa số là nữ, có một số nam giới tham gia tổ xung kích phá bom đợt đầu đã bị hy sinh. Cả đơn vị thề “quyết tử cho Cua chữ A quyết sinh”. Một phong trào tìm mưu, hiến kế để phá bom nổ chậm được phát động. Người đề xuất sáng kiến đầu tiên là Nguyễn Thị Vân Liệu: Dùng bộc phá phá bom, lúc đầu đặt bộc phá cạnh quả bom, tra kíp nổ và đốt, rồi chọn một chỗ thích hợp để nghe. Nếu hai tiếng nổ nối tiếp nhau là đạt kết quả. Đối với những quả bom chui sâu xuống mặt đường thì khéo léo đào một hố sâu ở dưới quả bom theo hình nón, đáy nhỏ, miệng to, rồi nhồi bộc phá theo như hình trên cho xuống hố, tra kíp, mùn đốt. Kết quả khi bộc phá nổ đã hất tung quả bom lên, do đó bom nổ, mặt đường ít bị khoét sâu. Sáng kiến của Nguyễn Thị Vân Liệu và tinh thần dũng cảm quyết thắng của đơn vị phá bom được phổ biến cho toàn binh trạm 14 và toàn tuyến đường áp dụng. Biết tin này Bác Hồ rất vui, tự tay Bác gửi Huy hiệu của Bác tặng thưởng cho Liệu.

Theo số liệu thống kê trong hơn 10 năm (1965 - 1975) lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã nòng cốt xây dựng mới 2.165 km đường chiến lược, đường vòng, đường tránh. Trấn giữ 2.526 trọng điểm đánh phá để đảm bảo giao thông thông suốt trên 53 con đường dài trên 3.000 km. Vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực…ra tiền tuyến. Bổ sung 15.772 cán bộ, đội viên cho bộ đội chủ lực và công an vũ trang. 14.888 cán bộ, đội viên trưởng thành trong lao động, chiến đấu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài trở thành một đội ngũ cán bộ cốt cán trên nhiều lĩnh vực ở các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương. Đã có 37 cá nhân và 38 tập thể, địa phương, đơn vị được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

Ở miền Nam, Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định giao cho Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam tổ chức Lực lượng TNXP giải phóng. Trong cao trào Năm xung phong do Đoàn Thanh niên phát động với khẩu hiệu “Nơi đâu chiến trường cần, TNXP có mặt, nơi nào có giặc TNXP xuất quân”, hàng vạn TNXP đêm ngày sát vai cùng quân giải phóng phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu ở hầu hết các chiến trường từ Trị Thiên, Khu Năm, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và từ những trận đánh Mỹ đầu tiên ở Núi Thành (1965) đến các chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968), chiến dịch Tây Nguyên (1973) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cùng với lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước ở miền Bắc, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam được thành lập từ khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”. Hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu ồ ạt kéo vào miền Nam nước ta. Chiến trường chính, nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng chủ lực hai bên là miền Đông Nam Bộ và Khu 5 – Tây Nguyên. Tại những nơi này, địch gom dân, kèm kẹp gắt gao, thực hiện triệt để chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch tàn bạo. Trong bối cảnh đó, vấn đề phục vụ bộ đội chủ lực, chiến đấu trở nên cực kỳ cấp bách. Không thể sử dụng dân công thông thường, chiến trường chính của bộ đội chủ lực đòi hỏi một lực lượng phục vụ thật đặc biệt, rất cơ động, linh hoạt sát vai cùng bộ đội như hình với bóng trong suốt các trận đánh và mỗi chiến dịch.

Ngày 20/4/1965, Đội TNXP giải phóng đầu tiên làm lễ xuất quân với 108 nam nữ cán bộ đội viên nòng cốt rút từ các cơ quan Trung ương Cục. Tiếp theo đó hàng chục ngàn TNXP tuyển từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long đã vượt sông suối, núi rừng, vừa hành quân đánh địch lần lượt tập trung về căn cứ (R). Mười một Đội, mỗi Đội có số quân tương đương một đại đội. Về sau hình thành 3 Liên đội 5, 7, 9 trực tiếp phục vụ 3 Sư đoàn chủ lực 5, 7, 9. Vừa xuất quân lực lượng TNXP đã phục vụ ngay có hiệu quả các trận đánh Mỹ nổi tiếng đầu tiên: Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang, Nhà Đỏ…

Ngay từ buổi đầu TNXP được bộ đội yêu mến, tin cậy. Trước các trận đánh, TNXP đi trước chuẩn bị chiến trường. Trong các trận đánh TNXP sát vai cùng bộ đội chiến đấu và phục vụ chiến đấu, sơ cứu và khiêng cáng thương binh ra tuyến sau. Sau trận đánh TNXP vẫn ở lại thu dọn chiến trường, không để sót thương binh, tử sĩ. Không ít trường hợp bị địch quay lại phản kích cả đơn vị TNXP hy sinh. Còn trên đường về hậu cứ, trong mưa bom lửa đạn, nhiều trường hợp TNXP lấy thân mình che chở cho thương binh, quyết không để chiến binh bị thương lần thứ hai. Anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên, người con gái tỉnh Bình Dương, đội Phú Lợi căm thù là một trong nhiều tấm gương tiêu biểu của TNXP đã dũng cảm hy sinh, lấy thân mình che chở cho thương binh. Nhiều trường hợp TNXP còn thay thương binh cầm súng hoặc cướp súng của địch diệt địch, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, bắt sống tù binh Mỹ và chư hầu, phá hỏng xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi trực thăng địch như các anh: Trương Thanh, Trịnh Duy Hoàng, Lê Văn Đức, Trang Bá Phúc, Trịnh Văn Thi, Lê Văn Gieo, Phạm Văn Be, các chị Hoàng Anh, Võ Thị Rậm, Hồ Ánh Tuyết, Phạm Thị Mãnh, Nguyễn Thị Hồng Láng…đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mười năm phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, lực lượng TNXP giải phóng đã xây dựng nên truyền thống “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công xuất sắc”. Chỉ tính riêng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam từ ngày thành lập (20- 4-1965) đến ngày 30-4-1975 đã tham gia phục vụ 16 chiến dịch lớn với 641 trận đánh cấp Trung đoàn trở lên, vận chuyển 20.153 tấn vũ khí, lương thực…ra trận địa, nhận 9.062 thương binh đưa về tuyến sau, trực tiếp chăm sóc, bảo vệ 2077 thương binh, tiếp đón nuôi dưỡng 3.500 cán bộ chiến sĩ được trao trả. Đào 1.535 hầm phẫu thuật, xây dựng 8 bệnh viện dã chiến, 272 kho chứa hàng, mở 284 km đường thồ, 29 km đường ô tô và bắc 21 cây cầu vượt sông suối. Đặc biệt một số đơn vị TNXP đã trực tiếp chiến đấu trên 40 trận từ cấp Trung đội đến cấp Tiểu đoàn. Diệt và bắt sống 1.119 tên địch có 286 tên Mỹ, 7 lính Park Chung Hee, 270 lính Lonnon, bắn cháy, phá hủy 10 xe tăng, M113, 5 máy bay, thu nhiều vũ khí…

Thông qua chiến đấu, rèn luyện Tổng đội chuyển sang Công an vũ trang một tiểu đoàn và chuyển sang Quân đội một đại đội với 600 cán bộ, đội viên. Đồng thời chuyển 242 cán bộ về tăng cường cho các địa phương. Đặc biệt, cùng với Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam, còn có các đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Đội TNXP Ấp Bắc, Liên đội TNXP Võ Như Hưng (Quảng Đà), Tiểu đội 1, Đại đội 759 Đoàn 559,…

Tại chiến trường khu 5 và Tây Nguyên các Tổng đội TNXP giải phóng mang tên các anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Võ Như Hưng có 5 tiểu đoàn theo sát các Sư đoàn bộ đội chủ lực phục vụ các trận đánh lớn và 10 tiểu đoàn cùng Bộ đội Đoàn 559 phục vụ tuyến đường Trường Sơn, tiêu biểu có Tiểu đoàn 2 nữ TNXP thuộc Quân khu 5 do Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng đã kiên cường dũng cảm vượt qua mưa bom bão đạn của quân thù trực tiếp phục vụ bộ đội. Có nhiều nữ cựu TNXP hàng tháng trời trên vai gùi cõng súng đạn với khối lượng nặng gấp đôi cơ thể mình; chiến sĩ Nguyễn Thị Huấn vác cả nòng pháo nặng trên 100 kg. Cả tiểu đoàn và 2 cán bộ là Phạm Thị Thao, Nguyễn Thị Huấn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam, nhất là ở Khu 5 không chỉ được tổ chức ở vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến mà còn được tổ chức bí mật trong đô thị và vùng địch kiểm soát. Trong thời gian trước, trong và sau tết Mậu Thân 1968, hàng trăm học sinh, sinh viên các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… thuộc khu 5 đã tìm cách hóa trang hợp pháp thoát ly lên căn cứ tham gia TNXP. Rồi từ căn cứ bí mật trở về vùng địch xây dựng cơ sở, thành lập các đội TNXP vũ trang tuyên truyền, diệt ác ôn, vận động thanh niên, học sinh, sinh viên nòng cốt đấu tranh 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh địch vận), đào hầm bí mật, bảo vệ cán bộ, phục vụ bộ đội đặc công, tập kích các đồn, bốt địch, tiêu diệt bọn sĩ quan và cố vấn Mỹ, vận chuyển thương binh ra vùng giáp ranh…

Một trong những nét đặc sắc về phẩm chất cách mạng của lực lượng TNXP nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là nghị lực phi thường và tinh thần lạc quan, yêu đời vững tin vào ngày toàn thắng, bắt nguồn từ 4 câu thơ Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Tỏ rõ phẩm chất của TNXP là sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng và nhân dân giao. Càng trong khó khăn gian khổ, càng thể hiện sáng ngời tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thương đồng đội, yêu nhân dân, yêu đất nước, tinh thần chiến đấu và ý chí quyết thắng, luôn vững tin vào ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng và vững tin vào sự phấn đấu, tiến bộ, trưởng thành của bản thân trong trường học lớn TNXP. Từ đó “Tiếng hát át tiếng bom” không chỉ là khẩu hiệu động viên mà đã thực sự trở thành phương châm cuộc sống của TNXP. Càng gian khổ, ác liệt, tinh thần lạc quan yêu đời càng được phát huy, càng có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ ý chí sẵn sàng xả thân vì những tuyến đường ra trận, vì những công trình phục vụ chiến đấu và chiến thắng của công cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hầu hết các đơn vị TNXP trong khi làm nhiệm vụ kể cả ở những tọa độ lửa vẫn thường xuyên duy trì những buổi học văn hóa, chính trị, quân sự, nghiệp vụ, sinh hoạt văn nghệ. Trong tiếng bom đạn địch rung chuyển mặt đường không át nổi tiếng hát, lời ca của TNXP.

Trái lại tiếng hát của TNXP thật sự đã át cả tiếng bom rền, tiếng gầm rú của máy bay giặc. Càng gian khổ, ác liệt càng tôi rèn thêm ý chí phấn đấu, càng trưởng thành về mọi mặt, vững vàng và lớn lên nhanh chóng trong cuộc sống của lực lượng TNXP, theo tư tưởng “Trường học lớn” của Bác Hồ. Một số thanh niên khi mới tham gia TNXP học lực chỉ mới lớp một, lớp hai thậm chí chưa biết chữ, nhưng chỉ qua vài ba năm vừa tích cực lao động, chiến đấu vừa nỗ lực học tập đã đạt trình độ cấp 1 cấp 2. Để sau này được tiếp tục cử đi học các trường trong nước hoặc nước ngoài, tốt nghiệp đại học, trên đại học, được đào tạo, bồi dưỡng trở thành những cán bộ chủ chốt trên nhiều lĩnh vực ở các ngành các cấp từ địa phương đến trung ương. Trong đó có một số khá đông giữ trọng trách trong cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Suốt chặng đường 67 năm tham gia phục vụ kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, truyền thống hào hùng của TNXP Việt Nam không chỉ thể hiện ở tinh thần gan dạ, sẵn sàng xả thân xông lên vượt qua mưa bom bão đạn, lập công xuất sắc trong nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu mà còn thể hiện ở tinh thần táo bạo, thông minh, sáng tạo trong lao động, công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cách mạng giao, để tạo nên thế đứng vững chắc cho lớp lớp thanh niên xung phong kế tiếp nhau lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn, ác liệt suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Truyền thống hào hùng của TNXP còn góp phần tạo nên một phẩm chất cách mạng vẻ vang cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và cả thế hệ trẻ Việt Nam, đó là phẩm chất như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “Tôi luôn coi TNXP như Bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ”. Và đây là phẩm chất đặc sắc bắt nguồn từ tư tưởng lớn của Bác Hồ về TNXP, coi TNXP là một trường học lớn của cách mạng nhằm giáo dục giác ngộ cả thế hệ trẻ vừa đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên phục vụ kháng chiến thắng lợi và phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng, phát triển đất nước thành công.

Truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi công trạng bằng quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và tặng thường Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất cho toàn lực lượng. Nhà nước cũng tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho lực lượng TNXP cho 38 tập thể, từ tiểu đội, đại đội, đội, tổng đội và lực lượng TNXP một số tỉnh, thành phố.

Đặc biệt còn hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ không tên ở khắp các chiến trường Nam – Trung – Bắc mà vong linh các anh các chị hội tụ về: các tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; Đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi – Sơn La,; Nhà bia tưởng niệm khắc danh 60 liệt sỹ TNXP đại đội 915 và các liệt sỹ khác ở Gia Sàng, Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các liệt sỹ TNXP ở Truông Bồn, Nghệ An; Đài tưởng niệm TNXP Ngã ba Đồng Lộc cùng với nhà truyền thống TNXP toàn quốc, nhà bia tưởng niệm TNXP khắc danh 1950 liệt sỹ TNXP toàn quốc ở ngã 3 Đồng Lộc – Hà Tĩnh; Đài tưởng niệm TNXP đường 20 Quyết Thắng, bến phà Long Đại – Quảng Bình; Đài tưởng niệm TNXP Giải phóng miền Nam tại đồi 82 huyện Tân Biên -Tây Ninh…

Tháp chuông và tượng đài ở Ngã ba Đồng Lộc

Công lao to lớn và sự hy sinh oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ TNXP cùng với truyền thống hào hùng của Lực lượng TNXP Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, cứu nước đã, đang và mãi mãi là hành trang tinh thần của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường đi tới tương lai, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh.

Những đóng góp của lực lượng TNXP Hà Nam

Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, cùng với quân đội, nhân dân, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, lực lượng TNXP Hà Nam đã có những đóng góp, hy sinh to lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Trong danh sách các anh hùng liệt sỹ đang được thờ cúng tại Đền thờ AHLS ở lòng hồ Kẻ Gỗ, có nhiều người quê ở Hà Nam.

Hà Nam có 17 nghìn đội viên TNXP thuộc nhiều thế hệ. Trong kháng chiến chống Pháp, ngay từ những ngày đầu Chiến dịch Biên giới 1950, Hà Nam đã có một số đội viên tham gia đơn vị TNXP đầu tiên, được Bác Hồ đến thăm và tặng 4 câu thơ lịch sử ở Nà Cù, Bắc Cạn: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Thu đông 1953-1954, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, hơn 2 nghìn đội viên TNXP Hà Nam cùng TNXP các tỉnh và nhân dân Tây Bắc mở hơn 500 cây số đường vượt đèo cao, vực sâu, qua các “tọa độ lửa”: đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi lên Điện Biên, vận tải lương thực, vũ khí, kéo pháo, đào hào, tải thương… góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 27 đội viên TNXP Hà Nam cùng hàng nghìn bộ đội hy sinh tại ngã ba Cò Nòi, trên dọc đường vận tải và chiến trường Điện Biên.

Thời kỳ hòa bình lập lại, từ 1955 đến 1964, hàng nghìn đội viên TNXP Hà Nam có mặt trên các công trường hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Nam có 15 đội TNXP (quân số từ 400 đến 3.200 đội viên/đội) cùng TNXP các tỉnh miền Bắc ngày đêm lao động, chiến đấu quên mình trên khắp chiến trường miền Trung, nước bạn Lào, Cam-pu-chia, trực tiếp khai mở, bảo đảm giao thông các tuyến đường chiến lược và có mặt ở hầu hết những trọng điểm địch đánh phá ác liệt (phà Linh Cảm, ngã ba Đồng Lộc, trọng điểm ATP trên Đường 20 Quyết thắng, phà Xuân Sơn, phà Long Đại...); đưa dẫn cán bộ, bộ đội vào chiến trường; vận chuyển hàng hóa, tải thương; đưa dẫn thương binh và hàng nghìn thiếu niên K8 Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... ra Bắc an toàn.

Trên mọi nẻo đường lao động, chiến đấu, các đơn vị TNXP Hà Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao tặng những phần thưởng cao quý. Đội N25 (1.000 đội viên) - đơn vị TNXP đầu tiên và duy nhất cả nước trong lực lượng TNXP chống Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) (năm 1972) khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Tổng đội 572 (5.000 đội viên, trong đó Hà Nam có 1.600 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985). Đại đội 5 (300 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2009); 3 cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND, hàng nghìn cá nhân được trao tặng phần thưởng cao quý.

Với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, “Cung đường nào, địa điểm nào cũng là những mảnh đất thiêng rực lửa, đơn vị nào cũng là những tập thể anh hùng”(*) và một trong số những con đường đó là Đường 20 Quyết thắng do lực lượng TNXP Hà Nam tham gia đảm nhiệm mở tuyến và bảo vệ, sửa chữa bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống. Không thể nói hết mức độ đánh phá tàn khốc của bom đạn kẻ thù và những tấm gương anh dũng kiên cường của TNXP Hà Nam tại trọng điểm ác liệt này. Là những con người bình thường, nhưng những đội viên TNXP Hà Nam đã có nhiều hành động anh hùng, lao động sáng tạo, không sợ gian khổ, hy sinh, xả thân tháo gỡ bom chờ nổ, san lấp hố bom. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người may mắn hơn được hưởng thời khắc toàn thắng của dân tộc và chỉ rất ít trong số họ đại diện cho hàng nghìn đồng đội được hưởng niềm vui đón nhận phần thưởng cao quý Anh hùng LLVTND của lực lượng TNXP Hà Nam.

Trên mọi nẻo đường lao động, chiến đấu, các đơn vị TNXP Hà Nam đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được trao tặng những phần thưởng cao quý. Đội N25 (1.000 đội viên) - đơn vị TNXP đầu tiên và duy nhất cả nước trong lực lượng TNXP chống Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) (năm 1972) khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Tổng đội 572 (5.000 đội viên, trong đó Hà Nam có 1.600 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985). Đại đội 5 (300 đội viên) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2009); 3 cá nhân được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVTND, hàng nghìn cá nhân được trao tặng phần thưởng cao quý.

Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ mở đường và giữ cho tuyến đường 20 Quyết thắng thông suốt, Đội TNXP N25 Hà Nam cùng với các đơn vị quân đội, công nhân, TNXP đã chiến đấu ngoan cường, chấp nhận vô vàn gian khổ, hy sinh. Tụ điểm ác liệt nhất trên Đường 20 Quyết thắng là trọng điểm ATP (Cua chữ A - Ngầm Ta Lê - Đèo Phu La Nhic) luôn hứng chịu mức độ đánh phá của bom đạn kẻ thù với cường độ mạnh nhất, mật độ dày đặc, khép kín cả về không gian, thời gian: Mùa khô 1966, với 95 ngày đêm máy bay B52 Mỹ rải thảm bom; mùa khô 1967 liên tục 105 ngày đêm; mùa khô 1968 ròng rã 150 ngày đêm máy bay B52 Mỹ rải thảm bom đạn và chất độc hóa học hủy diệt môi trường. Sự cống hiến, hy sinh của những đội viên C5, Đội N25 TNXP Hà Nam trên Đường 20 Quyết thắng là dấu ấn lịch sử điển hình của TNXP Việt Nam. Trên Đường 20 Quyết thắng, Đội N25 có 125 đội viên, C5 có 78 đội viên anh dũng hy sinh, 62 đội viên bị thương; C5 và Đội N25 lực lượng TNXP Hà Nam được Bác Hồ, Bác Tôn gửi tặng lẵng hoa khen tặng (năm 1968), được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba (năm 1969), 25 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công. N25 là đội TNXP duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1972, giữa những ngày tháng chiến tranh đang diễn ra ác liệt.

Do nhận nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu ở những trọng điểm ác liệt nên lực lượng TNXP Hà Nam là đơn vị có tỷ lệ thương vong rất lớn. Những nơi in đậm dấu ấn hy sinh của lực lượng TNXP Hà Nam có thể kể đến: 7 đội viên TNXP C354 (Đội N27 Duy Tiên) hy sinh ngày 9/2/1966 tại Hương Phúc, Hương Khê, Hà Tĩnh; 12 đội viên TNXP C361 (Đội N27 Lý Nhân) hy sinh ngày 17/2/1966 tại cầu Đò Vàng tuyến đường sắt Bắc - Nam qua sông Gianh; 28 đội viên TNXP C24 Duy Tiên (trong số 36 TNXP hy sinh tại mỏ đá Hoàng Mai, Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An ngày 28/4/1966); 17 đội viên TNXP C357 (N35 Bình Lục) hy sinh tại ngã ba Thình Thình (nơi đã từng có 46 TNXP Đội N35 Hà Nam hy sinh trên đoạn đường 40 cây số trong lòng hồ Kẻ Gỗ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); 78 đội viên TNXP C5 (trong tổng số 124 TNXP đội N25 Hà Nam hy sinh tại tập đoàn trọng điểm ATP trên Đường 20 Quyết thắng. Tại Khe Bang, km số 7 đường 16, Lệ Thủy, Quảng Bình có 81 TNXP C209 (Đội Trần Quốc Toản Nam Hà) hy sinh ngày 1/5/1970 (trong đó có 32 TNXP Hà Nam)…

Đầu năm 1979, khi xảy ra cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, Hà Nam đã có hơn 1.200 đội viên TNXP được biên chế thành 6 đại đội làm nhiệm vụ ở 6 huyện biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn (tỉnh hợp nhất Lào Cai - Yên Bái) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 22 đội viên hy sinh. Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng TNXP Hà Nam có hơn 400 liệt sỹ, 200 đội viên bổ sung chiến đấu, hy sinh bên quân đội; gần 300 nữ đội viên lỡ tuổi, sống đơn thân. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay gần 2.000 người được hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, chất độc da cam, trợ cấp một lần. Hầu hết cựu TNXP được cấp thẻ bảo hiểm y tế; gia đình có cựu TNXP qua đời (từ 11/2005 đến nay) được hưởng chế độ mai táng phí. Hầu hết số TNXP hoàn thành nhiệm vụ qua đời, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần. Nhiều năm qua, các cấp hội cựu TNXP Hà Nam đã vận động và nhận được sự ủng hộ giúp đỡ, sửa chữa, xây mới hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa; tặng quà, sổ tiết kiệm cho hàng nghìn lượt đối tượng cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn. Các hội cơ sở cùng chính quyền, gia đình đã chuyển hàng chục phần mộ liệt sỹ đội viên TNXP về nghĩa trang địa phương.

Những đóng góp của lực lượng TNXP Hà Tĩnh

Tại Hà Tĩnh, năm 1951, các đơn vị TNXP chống Pháp đầu tiên ra đời. Đến tháng 3/1954, đã có 1.749 người tham gia TNXP. Để phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, họ đã vượt qua bao núi cao, vực thẳm, mưa ngàn, thác lũ, sên vắt, muỗi rừng, đói cơm, thiếu áo, dưới làn bom đạn địch với khát khao cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đế quốc Mỹ đã dùng không quân đánh phá vô cùng ác liệt các tuyến đường huyết mạch. Tháng 6/1965, tỉnh ta đã thành lập 2 đội Nam Hà và Bắc Hà gồm 20 đại đội để chi viện cho Bình - Trị - Thiên và đường 9 Nam Lào. Ngoài ra, còn có 2 đội N23 và N25 gồm TNXP Hà Tĩnh và các tỉnh làm nhiệm vụ trên đường mòn Hồ Chí Minh và mở đường 20 Quyết Thắng. Đến tháng 7/1965, tỉnh ta tiếp tục thành lập 2 tổng đội (đội) mỗi tổng đội gồm 10 đại đội. Ban đầu lấy tên là 26/3/K15 và 31/3/K31, sau đó đổi thành N53 - P18 và N55 - P18. Đây là hai đơn vị chủ công giàu truyền thống nhất của TNXP Hà Tĩnh.

Đội N55 - P18 chủ yếu làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1A suốt từ Bến Thủy đến Đèo Ngang. Đến ngày 20/4/1968, khi đoạn đường Thượng Gia - Cổ Ngựa bị đánh sập, cắt đứt hoàn toàn việc vận chuyển trên tuyến quốc lộ 1A thì toàn bộ lực lượng TNXP N55 được điều về tuyến đường 15A, từ Lạc Thiện qua cầu Bạng - Tùng Cóc - cầu Tối - Ngã ba Đồng Lộc - Khe Giao - Địa Lợi - Lộc Yên - La Khê - Tân Đức tiếp giáp Quảng Bình. Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, nơi được mệnh danh là “chảo lửa túi bom”, TNXP N55 đã bám trụ suốt ngày đêm, chấp nhận gian khổ, hy sinh, tiêu biểu là 2 liệt sỹ Lê Đăng Dương và Võ Xuân Tài anh dũng hy sinh trong khi rà phá quả bom thứ 10 vào ngày 4/7/1968 tại cầu Tối, 10 cô gái A4 - C552 - N55 hy sinh vào chiều 24/7/1968, Bí thư Chi bộ Võ Triều Chung hy sinh vào chiều 24/8/1968, 23 cán bộ, chiến sỹ C555 hy sinh tại đồi Con Công, xã Phú Lộc vào ngày 13/11/1972. Cùng với các lực lượng khác, họ đã làm nên một Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, tô thắm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đội N53 - P18 là đơn vị chủ công mở đường 21 từ Khe Giao qua ngã ba Thình Thình dọc theo hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào Tân Ấp, Quảng Bình với chiều dài 53km và đến cuối năm 1966, tiếp tục mở đường 22 bắt đầu từ ngã ba Thình Thình men theo phía Tây sông Rào Cái vào Cẩm Mỹ - qua khe Libi vào Kỳ Thượng - Kỳ Lạc đến Quảng Bình với chiều dài 29 km, vượt qua hơn 10 con khe sâu. Đây là tuyến đường mà địch đã đánh phá rất ác liệt, trong đó có trận đánh vào hồi 7h ngày 18/9/1972 trên toàn tuyến đường 21, phá hủy 54 xe ô tô chở hàng ra mặt trận, làm 11 nam nữ TNXP N53 hy sinh. Đến nay, có 4 người C538 của N53 vẫn chưa tìm được thi thể và trận đánh ngày 7/1/1973 vào sân bay Libi trên tuyến đường 22 làm nhiều người hy sinh, trong đó có TNXP N35 (Hà Nam Ninh).

Đến năm 1971, Đội TNXP N40 - P18 gồm 8 đại đội được thành lập, vừa làm công sự bảo vệ các cơ quan đầu não, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ các công trình kinh tế. Cũng trong thời gian này, vào tháng 10/1972, tỉnh ta thành lập tiếp Đội TNXP N299 - P18 gồm 8 đại đội để làm nhiệm vụ bốc dỡ, vận chuyển, giải phóng hàng hóa đảm bảo giao thông tại các cảng biển, cảng sông, các bến tàu... Ngoài ra, còn có 3 đại đội TNXP Hà Tĩnh vào làm nhiệm vụ tại khu vực Vĩnh Linh giáp ranh vĩ tuyến 17.

Trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh có 14.970 nam nữ TNXP biên chế vào 7 đội là N23, N25, N53, N55, N40, N299 và N2 (TNXP tháng 8 Thủ đô) gồm 59 đại đội, trong đó có 3 đại đội độc lập đã hoạt động trên các tuyến đường, các tọa độ lửa suốt từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - đường 9 Nam Lào. Bước chân họ đã trải dài khắp các nẻo đường đất nước, bàn tay xẻ đá, phá bom, san đường, vận tải hàng hóa, dẫn đường xe qua... Mồ hôi và máu của họ thấm vào từng thớ đất quê hương, tuổi xuân gửi lại trên các cánh rừng, cung đường. Kết thúc chiến tranh, 382 người đã hy sinh, trong đó 283 người được công nhận liệt sỹ, 4.505 người là thương binh, 4 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Tuổi thanh xuân gửi lại nơi hồ Kẻ Gỗ

Tuổi thanh xuân gửi lại nơi hồ Kẻ Gỗ

Tiêu điểm
(VNF) - Cho đến giờ, những sự kiện bi hùng từng xảy ra tại nơi hiện là lòng hồ Kẻ Gỗ vẫn chưa được kể hết. Và một công trình được chung tay dựng xây tưởng nhớ những người hy sinh khi nơi đây còn là khu vực quân sự.
Cùng chuyên mục
TP.HCM nỗ lực vươn mình nắm bắt tương lai

TP.HCM nỗ lực vươn mình nắm bắt tương lai

(VNF) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), TP.HCM đã trải qua 5 thập niên đứng ở vị trí đầu tàu, cùng cả nước tiến vào những giai đoạn phát triển từ Đổi mới và nay là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2025 không chỉ thách thức mà còn là cơ hội cho TP. HCM tiến vào tương lai.

Lần đầu về thăm hồ Kẻ Gỗ

Lần đầu về thăm hồ Kẻ Gỗ

29/04/25 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Khi đang còn là học sinh trung học, tôi đã được nghe bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và rất thích ca khúc này. Tuy nhiên, phải hơn 20 năm sau, khi Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ được xây dựng và khánh thành, tôi mới có dịp về đây.

Hồ Kẻ Gỗ – Dấu lặng của lịch sử

Hồ Kẻ Gỗ – Dấu lặng của lịch sử

29/04/25 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Tôi tới Hồ Kẻ Gỗ vào một ngày đông lạnh, sương giăng kín mặt hồ. Nếu như trước đây, những gì tôi biết về hồ Kẻ Gỗ chỉ gói gọn trong những trang sách, những bài viết về một địa danh gắn liền với lịch sử thì khi thực sự đặt chân đến đây, mọi thứ hiện ra trước mắt tôi không chỉ là một hồ nước mênh mông, mà còn là một miền ký ức chất chứa những mất mát và hy sinh.

Sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương: Sức mạnh kinh tế top 3 cả nước

Sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương: Sức mạnh kinh tế top 3 cả nước

29/04/25 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Hải Phòng là địa phương có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng top 5 cả nước, Hải Dương xếp vị trí thứ 11. Cả hai địa phương đều có thế mạnh về phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Kẻ Gỗ: Trên mặt bình yên, dưới lòng một thời lửa đạn

Kẻ Gỗ: Trên mặt bình yên, dưới lòng một thời lửa đạn

29/04/25 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Là một nhân sự của Tạp chí Đầu tư Tài chính, tôi có cơ duyên biết đến Kẻ Gỗ lần đầu tiên qua dự án xây dựng Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ giữa lòng hồ. May mắn được theo sát hành trình từ những ngày đầu, tôi được lắng nghe những câu chuyện hào hùng từ thời chiến đến thời bình, dõi theo những khó khăn, vất vả mà Tạp chí cùng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã trải qua để hoàn thiện công trình một cách trọn vẹn nhất.

Hồ Kẻ Gỗ, một kỷ niệm khó tả!

Hồ Kẻ Gỗ, một kỷ niệm khó tả!

28/04/25 14:30 (GMT+7)

(VNF) - Tuy từng cá nhân các thành viên trong đoàn chưa được đặt chân đến đây lần nào nhưng cả hai lần tới, mỗi một lần lại là một trải nghiệm vô cùng khác nhau và lần nào cũng tràn đầy cảm xúc.

Công bố Khánh thành tổng thể Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ

Công bố Khánh thành tổng thể Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ

28/04/25 14:07 (GMT+7)

(VNF) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 28/4, tại lòng hồ Kẻ Gỗ, thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance chính thức tổ chức Đại lễ Khánh thành Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ.

Ký ức về từ một đáy hồ

Ký ức về từ một đáy hồ

28/04/25 13:30 (GMT+7)

(VNF) - Trong mỗi chúng ta, mỗi khi có dịp đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ sẽ cảm nhận được sự thanh bình giữa mênh mông hồ nước xanh thẳm soi bóng trời mây. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đáy hồ sâu thẳm ấy từng có một công trường 723, nơi 34 công nhân quốc phòng đã ngã xuống trong trận bom B52 ngày 7/1/1973, khi đang xây dựng sân bay dã chiến Libi.

Tri ân người nằm xuống, tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn

Tri ân người nằm xuống, tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn

28/04/25 13:00 (GMT+7)

(VNF) - Đứng trên con thuyền giữa hồ Kẻ Gỗ mênh mang, tôi không khỏi lặng mình khi biết rằng dưới mặt nước yên bình này từng tồn tại một sân bay dã chiến - sân bay Libi. Nơi đây không chỉ là một công trình quân sự mà còn là chứng tích lịch sử, nơi nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Kẻ Gỗ bồng bềnh mây trắng

Kẻ Gỗ bồng bềnh mây trắng

28/04/25 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Tôi đã có trải nghiệm “săn” mây Tam Đảo cùng bẹn bè nên lần này mấy vị nhiếp ảnh lên kế hoạch đi “săn” mây Kẻ Gỗ là tôi hào hứng vào cuộc ngay từ đầu.

Làm phim tài liệu ký ức hồ Kẻ Gỗ

Làm phim tài liệu ký ức hồ Kẻ Gỗ

28/04/25 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ được khởi công vào ngày 26/3/1976. Trong quá trình thi công cũng như sau khi công trình hoàn thành đã có rất nhiều tác phẩm thơ, văn, báo chí và ca khúc nổi tiếng ngợi ca về thành quả lao động, hiệu quả to lớn của công trình mang lại. Nhưng câu chuyện về những năm tháng chiến tranh đã diễn ra nơi đây, trước khi có công trình ra đời chưa được đề cập đến nhiều.

Cảm nhận về việc đền ơn, đáp nghĩa nhân chuyến thăm Đền thờ Kẻ Gỗ

Cảm nhận về việc đền ơn, đáp nghĩa nhân chuyến thăm Đền thờ Kẻ Gỗ

28/04/25 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc đền ơn đáp nghĩa là một nghĩa cử mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, và những người có công với cách mạng, việc xây dựng đền đài, khu tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các công trình này không chỉ là nơi để tưởng nhớ, mà còn là biểu tượng ghi dấu lịch sử, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình và sự

Hành hương về “địa chỉ đỏ” giữa đại ngàn hồ Kẻ Gỗ

Hành hương về “địa chỉ đỏ” giữa đại ngàn hồ Kẻ Gỗ

28/04/25 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Kẻ Gỗ, “địa chỉ đỏ” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ từng chứng kiến những chiến công vang dội, nhưng cũng đầy đau thương mất mát của quân dân ta tưởng chừng như bị lãng quên sau bao nhiêu năm, nay đang dần được trả lại đúng với giá trị công bằng của lịch sử.

Hành trình xây đền và những chuyện chưa kể

Hành trình xây đền và những chuyện chưa kể

28/04/25 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong quá trình xây dựng đền thờ anh hùng liệt sỹ tại lòng hồ Kẻ Gỗ, các cán bộ phóng viên của Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã không quản ngại khó khăn, cố gắng tìm kiếm các sản phẩm nội thất tốt nhất cho đền thờ để đảm bảo tính bền vững cho công trình.

Sự gặp gỡ, kết nối của những tấm lòng

Sự gặp gỡ, kết nối của những tấm lòng

28/04/25 08:45 (GMT+7)

(VNF) - Vào những năm 2010, với đam mê khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của quê nhà, tôi đã tìm đến hồ Kẻ Gỗ.

Ngã xuống trước bình minh

Ngã xuống trước bình minh

28/04/25 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Tuổi hai mươi - họ đã sống, chiến đấu và ngã xuống để bình minh hòa bình kịp đến với đất nước.

Sân bay dã chiến Libi: Dấu tích anh hùng trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Sân bay dã chiến Libi: Dấu tích anh hùng trong lòng hồ Kẻ Gỗ

28/04/25 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tại Hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) là công trình tâm linh để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong quá trình xây dựng và bảo vệ sân bay dã chiến Libi cùng tuyến đường chiến lược 22 trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Công trình là minh chứng cho hành trình tìm lại những trang sử đỏ đã bị lãng quên, đồng thời là kết quả của sự chung tay, góp sức từ những tấm lòng tri ân, trở thành địa chỉ lịch sử, cách mạng, điểm đến tâm linh của vùng đất Hà Tĩnh giàu truyền thống.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ và trận chiến ở sân bay Libi

Cuộc kháng chiến chống Mỹ và trận chiến ở sân bay Libi

27/04/25 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ 20 ngày trước khi ký Hiệp định Paris, không quân Mỹ đã tiến hành cuộc không kích dữ dội vào sân bay dã chiến Libi, đưa đến một trong những trang sử bi tráng nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước

'Sân bay Libi': Ký ức của một thời đánh Mỹ

'Sân bay Libi': Ký ức của một thời đánh Mỹ

27/04/25 09:30 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa trên 50 năm, nhưng những ký ức của một thời đạn bom đánh Mỹ thì còn đang lưu giữ mãi trong những con người đã và từng đi qua chiến tranh,...

Thuế đối ứng Mỹ: Cách nào để đạt mục tiêu tăng trưởng?

Thuế đối ứng Mỹ: Cách nào để đạt mục tiêu tăng trưởng?

27/04/25 09:00 (GMT+7)

(VNF) - Trước lo ngại về việc thuế đối ứng của Mỹ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn có thể giữ tăng trưởng ở mức cơ sở của những năm trước là 6,5 - 7% nếu không có những kịch bản quá xấu xảy ra.

 WB: Bất chấp 'bão' thuế quan, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khả quan

WB: Bất chấp 'bão' thuế quan, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khả quan

27/04/25 08:15 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vẫn khả quan, với ước tính tăng trưởng tăng trở lại mức 6,1% năm 2026 và 6,4% năm 2027.

Khẳng định lịch sử sân bay dã chiến Libi qua các  tài liệu lưu trữ của Mỹ

Khẳng định lịch sử sân bay dã chiến Libi qua các tài liệu lưu trữ của Mỹ

27/04/25 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Quá trình xây dựng sân bay Libi và sự hy sinh của các liệt sỹ được chứng minh thêm qua một số tài liệu giải mật, cung cấp từ phía Mỹ,...

Đề xuất mô hình tòa án 3 cấp, bỏ TAND cấp cao và cấp huyện

Đề xuất mô hình tòa án 3 cấp, bỏ TAND cấp cao và cấp huyện

26/04/25 19:07 (GMT+7)

(VNF) - TAND Tối cao đề xuất không tổ chức TAND cấp cao và cấp huyện; thành lập TAND khu vực, đồng thời chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành tòa chuyên trách trong TAND khu vực.

Đà Nẵng lên phương án sử dụng hàng trăm trụ sở dôi dư sau sáp nhập

Đà Nẵng lên phương án sử dụng hàng trăm trụ sở dôi dư sau sáp nhập

26/04/25 17:18 (GMT+7)

(VNF) - Sau hợp nhất, Đà Nẵng – Quảng Nam có khoảng 132 trụ sở dôi dư sẽ được chuyển đổi công năng hoặc xử lý theo quy định pháp luật.

Tin khác
TP.HCM nỗ lực vươn mình nắm bắt tương lai

TP.HCM nỗ lực vươn mình nắm bắt tương lai

(VNF) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), TP.HCM đã trải qua 5 thập niên đứng ở vị trí đầu tàu, cùng cả nước tiến vào những giai đoạn phát triển từ Đổi mới và nay là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm 2025 không chỉ thách thức mà còn là cơ hội cho TP. HCM tiến vào tương lai.

Lần đầu về thăm hồ Kẻ Gỗ

Lần đầu về thăm hồ Kẻ Gỗ

Hồ Kẻ Gỗ – Dấu lặng của lịch sử

Hồ Kẻ Gỗ – Dấu lặng của lịch sử

Sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương: Sức mạnh kinh tế top 3 cả nước

Sáp nhập Hải Phòng và Hải Dương: Sức mạnh kinh tế top 3 cả nước

Kẻ Gỗ: Trên mặt bình yên, dưới lòng một thời lửa đạn

Kẻ Gỗ: Trên mặt bình yên, dưới lòng một thời lửa đạn

Hồ Kẻ Gỗ, một kỷ niệm khó tả!

Hồ Kẻ Gỗ, một kỷ niệm khó tả!

Công bố Khánh thành tổng thể Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ

Công bố Khánh thành tổng thể Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ

Ký ức về từ một đáy hồ

Ký ức về từ một đáy hồ

Tri ân người nằm xuống, tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn

Tri ân người nằm xuống, tiếp nối đạo lý uống nước nhớ nguồn

Kẻ Gỗ bồng bềnh mây trắng

Kẻ Gỗ bồng bềnh mây trắng

Làm phim tài liệu ký ức hồ Kẻ Gỗ

Làm phim tài liệu ký ức hồ Kẻ Gỗ

Cảm nhận về việc đền ơn, đáp nghĩa nhân chuyến thăm Đền thờ Kẻ Gỗ

Cảm nhận về việc đền ơn, đáp nghĩa nhân chuyến thăm Đền thờ Kẻ Gỗ

Hành hương về “địa chỉ đỏ” giữa đại ngàn hồ Kẻ Gỗ

Hành hương về “địa chỉ đỏ” giữa đại ngàn hồ Kẻ Gỗ

Hành trình xây đền và những chuyện chưa kể

Hành trình xây đền và những chuyện chưa kể

Sự gặp gỡ, kết nối của những tấm lòng

Sự gặp gỡ, kết nối của những tấm lòng

Ngã xuống trước bình minh

Ngã xuống trước bình minh

Sân bay dã chiến Libi: Dấu tích anh hùng trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Sân bay dã chiến Libi: Dấu tích anh hùng trong lòng hồ Kẻ Gỗ

Cuộc kháng chiến chống Mỹ và trận chiến ở sân bay Libi

Cuộc kháng chiến chống Mỹ và trận chiến ở sân bay Libi

'Sân bay Libi': Ký ức của một thời đánh Mỹ

'Sân bay Libi': Ký ức của một thời đánh Mỹ

Thuế đối ứng Mỹ: Cách nào để đạt mục tiêu tăng trưởng?

Thuế đối ứng Mỹ: Cách nào để đạt mục tiêu tăng trưởng?

 WB: Bất chấp 'bão' thuế quan, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khả quan

WB: Bất chấp 'bão' thuế quan, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng khả quan

Khẳng định lịch sử sân bay dã chiến Libi qua các  tài liệu lưu trữ của Mỹ

Khẳng định lịch sử sân bay dã chiến Libi qua các tài liệu lưu trữ của Mỹ

Đề xuất mô hình tòa án 3 cấp, bỏ TAND cấp cao và cấp huyện

Đề xuất mô hình tòa án 3 cấp, bỏ TAND cấp cao và cấp huyện

Đà Nẵng lên phương án sử dụng hàng trăm trụ sở dôi dư sau sáp nhập

Đà Nẵng lên phương án sử dụng hàng trăm trụ sở dôi dư sau sáp nhập