Những 'ông lớn' Thái Lan với khoản đầu tư tỷ USD vào Việt Nam

Hoàng Minh - 15/01/2025 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Tính đến tháng 6/2024, Thái Lan là một trong 9 quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế trên 14 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 6/2024, Thái Lan là một trong 9 quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế trên 14 tỷ USD. Doanh nghiệp Thái Lan đầu tư đa dạng vào các ngành nghề, trong đó có thể kể đến các lĩnh vực như: Bán lẻ, dầu khí, nhựa, nông nghiệp, xi măng...

Công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam (IPCS), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn FDI Thái Lan vào Việt Nam, với 242 dự án và tổng vốn đăng ký 9,78 tỷ USD, tương đương 75,2% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.

Tập đoàn SCG (Siam Cement Group): Đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam với hơn 20 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực như xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Trong 9 tháng đầu năm 2024, SCG ghi nhận doanh thu đạt 266,13 nghìn tỷ đồng (tương đương 10,66 tỷ USD), gần tương đương với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn 5,1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa -Vũng Tàu) của SCG mới được vận hành từ tháng 11/2024.

Ngoài ra CTCP Nhựa Bình Minh - một doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam - cũng đã trở thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG đầu 2018.

Tập đoàn Amata: Từng chi khoảng 5 tỷ Baht (tương đương 144 triệu USD) để đầu tư vào tài sản cố định năm 2023, trong đó hơn 50% dành cho các dự án tại Việt Nam là khu công nghiệp Amata Biên Hòa và khu công nghiệp Amata City Hạ Long (Sông Khoai).

Tập đoàn WHA: Nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Đông Nam Á, dự kiến đầu tư ít nhất 1 tỷ USD để phát triển các khu công nghiệp sinh thái, thông minh tại Việt Nam, nhằm thu hút các dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.

Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) được thành lập từ năm 1999, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hiện nay, ThaiCham có hơn 100 thành viên là các công ty Thái Lan hoạt động tại Việt Nam và hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Kinh doanh Thái - Việt thành lập năm 2012.

Nông nghiệp và chế biến

Đây cũng là lĩnh vực thu hút doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam với những cái tên nổi bật:

Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group): Đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các hoạt động nông nghiệp và chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Theo báo cáo kinh doanh, đến tháng 9/2024, doanh thu của CP Group tại Việt Nam đạt khoảng 92,2 tỷ baht (tương đương 68.000 tỷ đồng), tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Thai Beverage (ThaiBev): Sở hữu Sabeco (Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) sau khi mua lại 53,59% cổ phần với giá trị 4,8 tỷ USD vào năm 2017. Trong báo cáo tài chính niên độ 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), ThaiBev ghi nhận doanh thu hợp nhất tại thị trường Việt Nam đạt hơn 60 tỷ baht (khoảng 1,76 tỷ USD).

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn của SCG

Dịch vụ và bán lẻ

Central Group: Thực hiện nhiều thương vụ quan trọng như sở hữu 100% cổ phần của chuỗi điện máy Nguyễn Kim năm 2019; mua lại hệ thống siêu thị Big C trở thành Tops Market và GO!, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt Nam và xuất khẩu sang Thái Lan với giá trị khoảng 1,05 tỷ USD.

TCC Group: Năm 2016, TCC Group mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu USD và đổi tên thành MM Mega Market. TCC Group đã sở hữu nhiều bất động sản giá trị tại Việt Nam, trong đó có Khách sạn Melia Hà Nội.

BJC Group: Tiếp quản chuỗi cửa hàng tiện lợi B's mart từ đối tác Nhật Bản, hiện có hàng chục cửa hàng tại TP.HCM và đang mở rộng trên cả nước.

Tài chính - ngân hàng

Các doanh nghiệp Thái Lan đã và đang mở rộng sự hiện diện đáng kể trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam thông qua nhiều hình thức đầu tư và mua bán sáp nhập (M&A).

Ngân hàng Siam Commercial Bank (SCB): Ngân hàng lớn thứ tư của Thái Lan, SCB đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2015 thông qua chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong nửa đầu năm 2025, SCB sẽ hoàn tất việc mua lại Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam với giá trị khoảng 900 triệu USD, trở thành thương vụ M&A lớn thứ hai trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Ngân hàng Bangkok Bank: Ngân hàng lớn nhất Thái Lan, Bangkok Bank hiện có hai chi nhánh tại Việt Nam, đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với tổng vốn điều lệ đăng ký hơn 5.200 tỷ đồng.

Ngân hàng Kasikornbank (KBank): Ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan, KBank đã nâng cấp văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh thành chi nhánh với đầy đủ dịch vụ vào năm 2021. Năm 2023, KBank tăng vốn chi nhánh tại Việt Nam lên 285 triệu USD và dự kiến đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam từ nay đến năm 2027, tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và cá nhân.

Quỹ đầu tư KVision: Thuộc sở hữu của KBank, KVision tập trung đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam. Quỹ này đã rót hàng trăm triệu USD vào các start-up Việt, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.

Sản xuất điện

Lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, với 11 dự án và tổng vốn đầu tư 997,16 triệu USD, lĩnh vực này đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa nhanh chóng.

Gulf Energy Development: Một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan, đã thực hiện nhiều khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam như: Dự án điện mặt trời tại Tây Ninh, Dự án năng lượng tái tạo tại Bến Tre, Kế hoạch xây dựng nhà máy điện khí LNG,...

B.Grimm Power: Một tập đoàn năng lượng khác của Thái Lan, đã chi khoảng 34 triệu USD để mua 55% cổ phần tại Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh và 32,5 triệu đô cho 80% cổ phần tại Công ty Cổ phần TTP Phú Yên để thực hiện các dự án nhà máy điện mặt trời công suất 420 MW và 257 MW.

Nhiều dự án ở Việt Nam được người Thái đầu tư xây dựng quy mô lớn

Các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam thông qua nhiều hình thức như liên doanh và mua lại cổ phần, đầu tư trực tiếp.

Sự tham gia của các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm trong lĩnh vực hóa dầu, gạch men và điện năng từ các dự án FDI của Thái Lan không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn từ Thái Lan, Việt Nam đã tiếp cận được công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực hóa dầu và sản xuất công nghiệp. Các dự án FDI từ Thái Lan cũng đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam.

Mặt khác, sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp Thái Lan trong nhiều lĩnh vực có thể gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Thái Lan cũng ngày càng chú trọng đầu tư vào các mô hình phát triển bền vững như khu công nghiệp sinh thái và năng lượng tái tạo.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư vào 48/ 63 tỉnh thành của Việt Nam.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Dẫn đầu về tổng vốn đầu tư với 5,23 tỷ USD từ 9 dự án, nhờ lợi thế về cảng biển và hạ tầng công nghiệp.

Đồng Nai: Có 37 dự án với tổng vốn đầu tư 1,02 tỷ USD, tập trung vào sản xuất và chế biến.

Thành phố Hồ Chí Minh:
Là nơi có số lượng dự án lớn nhất (235 dự án), chủ yếu là các dự án quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Gia tộc Lamsam của Madam Pang và khoản đầu tư lớn vào Việt Nam

Gia tộc Lamsam của Madam Pang và khoản đầu tư lớn vào Việt Nam

Nhân vật
(VNF) - Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư của Madam Pang và Gia tộc Lamsam tại Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự chú ý, mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh đáng kể giữa hai quốc gia.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.