Gia tộc Lamsam của Madam Pang và khoản đầu tư lớn vào Việt Nam

Hoàng Minh - 10/01/2025 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư của Madam Pang và Gia tộc Lamsam tại Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự chú ý, mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh đáng kể giữa hai quốc gia.

Madam Pang tên thật là Nualphan Lamsam sinh năm 1966, là một trong những doanh nhân đại diện cho thành công của giới tài chính và kinh doanh Thái Lan.

Bà không chỉ nổi tiếng với vai trò Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan mà còn là hậu duệ đời thứ năm, người thừa kế tập đoàn Lamsam - một trong những gia tộc lâu đời và quyền lực hàng đầu Đông Nam Á.

'Nữ tướng' của bóng đá Thái Lan xuất thân từ gia tộc giàu có bậc nhất Đông Nam Á

Lịch sử gia tộc trải dài hơn 1 thế kỷ

Gia tộc Lamsam là gia tộc người Thái gốc Hoa với cơ nghiệp được hình thành từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã hơn 100 năm, bắt đầu từ kinh doanh gỗ và xay xát gạo trước khi tiến vào lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.

Cùng thời gian, Lamsam bắt đầu tham gia vào lĩnh vực ngân hàng và đã xây dựng được một đế chế tài chính vững mạnh. Doanh nghiệp nổi bật nhất trong lĩnh vực này là Ngân hàng Kasikorn (KBank), một trong những ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, gia tộc còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bảo hiểm, với thương hiệu tập đoàn Muang Thai Insurance, cung cấp các dịch vụ bảo hiểm đa dạng cho thị trường.

Ngoài ra, Lamsam còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như bất động sản và đầu tư. Gia tộc này đã đầu tư vào việc phát triển các dự án bất động sản cao cấp tại Thái Lan và khu vực Đông Nam Á. Các dự án này bao gồm khu phức hợp thương mại, tòa nhà văn phòng và khu dân cư cao cấp, góp phần định hình thị trường bất động sản trong khu vực. Ngoài việc phát triển, gia tộc còn tham gia vào quản lý và vận hành các tòa nhà, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá trị gia tăng cho khách hàng.

Theo ước tính, tổng tài sản của gia tộc Lamsam hiện lên tới gần 100 tỷ USD. Đến nay, họ đã xây dựng một đế chế kinh doanh đa ngành, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thái Lan và mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Madam Pang, Lamsam và hoạt động đầu tư tại Việt Nam

Ngân hàng Kasikorn (KBank)

Thành lập vào năm 1945, KBank đã phát triển mạnh mẽ và hiện tại nằm trong top các ngân hàng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Với tổng tài sản ước tính hơn 98 tỷ USD, KBank cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính, bao gồm ngân hàng cá nhân, ngân hàng doanh nghiệp, đầu tư và quản lý tài sản.

KBank tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số, với ứng dụng ngân hàng trực tuyến K PLUS được hơn 15 triệu người dùng tại Thái Lan ưa chuộng.

Với việc mở rộng hoạt động sang nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, và đặc biệt là Việt Nam, ngân hàng này đặt mục tiêu trở thành ngân hàng khu vực hàng đầu Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, KBank đã có mặt từ năm 2021 thông qua văn phòng đại diện tại Hà Nội. Năm 2022, KBank khai trương chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM với mục tiêu tiếp cận 1,2 triệu khách hàng và cam kết đầu tư 560 triệu USD vào thị trường Việt Nam.

Các dịch vụ của KBank tập trung vào tín dụng tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với các giải pháp ngân hàng số hiện đại.

Về chiến lược tài chính, KBank không chỉ tập trung vào hoạt động ngân hàng truyền thống mà còn đầu tư vào công nghệ tài chính (fintech), thông qua công ty con Kasikorn Business Technology Group (KBTG). KBTG có văn phòng tại Việt Nam để hỗ trợ chiến lược số hóa của ngân hàng.

Tháng 8/2023, tại trụ sở ở Bangkok, Chủ tịch Pipit Aneaknithi cho biết, KBank sẽ tăng ngân sách đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027. Khoản đầu tư 1,1 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các thành viên, gồm chi nhánh KBank tại TP.HCM 735 triệu USD, công ty công nghệ Kasikorn (KBTG) Việt Nam 7 triệu USD và quỹ KVision 336 triệu USD. Lực lượng nhân sự tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng từ 350 nhân viên năm 2023 lên 1.700 nhân viên vào năm 2027.

Quỹ đầu tư K-Vietnam và Kvision

Hiện tại, KBank đầu tư vào thị trường Việt Nam chủ thông qua một số quỹ đầu tư lớn. Các quỹ này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tài chính, công nghệ và khởi nghiệp.

K Vietnam Equity Fund (K-Vietnam): Được thành lập vào ngày 25/10/2018 bởi Kasikorn Asset Management, một công ty thành viên của KBank, với mục tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, và hàng tiêu dùng.

Tính đến tháng 1/2025, K-Vietnam là một trong những quỹ đầu tư từ Thái Lan có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, với giá trị tài sản ròng (NAV) gần 11,5 tỷ THB (khoảng 8.500 tỷ đồng).

Trong cơ cấu tài sản, tính đến 30/10/2024, K-Vietnam phân bổ gần 95% tài sản để mua cổ phiếu. 2,71% tài sản là gửi tiền hoặc các tài sản khác. Còn 2,33% tài sản còn lại quỹ này ủy thác đầu tư qua các đơn vị khác.

Xét theo lĩnh vực, ngành bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục đầu tư của K- Vietnam với 36,71%. Ngành hàng tiêu tiêu dùng, công nghệ thông tin và vận tải kho bãi đều chiếm trên 10% danh mục.

KVision: Là quỹ đầu tư khởi nghiệp thuộc KBank, KVision xem Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư. Quỹ này đã tham gia vào nhiều thương vụ đầu tư lớn tại Việt Nam, bao gồm Sendo, SeedCom và KiotViet, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.

Thông qua KVision, gia tộc Lamsam đầu tư vào các startup trong các lĩnh vực như công nghệ giáo dục (EdTech), công nghệ y tế (HealthTech), công nghệ tài chính (FinTech), SaaS và thương mại điện tử, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam, thông qua hình thức kết hợp với các đối tác địa phương để cung cấp tài chính, dịch vụ ngân hàng số và hỗ trợ khởi nghiệp.

Giai đoạn đầu tư sẽ rất rộng mở, từ giai đoạn pre-Series A đến Series B, Series C. Về các khoản rót vốn, đối với vòng pre-Series A - nằm trong khoảng 500.000 USD - 1.000.000 USD tùy theo quy mô công ty, các vòng sau thì một công ty sẽ rót tối đa 5 triệu USD.

Hiện tại KVision đã tham gia đầu tư vào 3 thương vụ Mega Deal tại Việt Nam. Cuối năm 2019, KVision đã cùng SBI Group, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners, và Digital Garage và EV Growth tham gia vào vòng huy động vốn Series C của Sendo với quy mô 61 triệu USD.

Trong giai đoạn 2020-2021 Covid-19 phức tạp, KVision cũng đã tham gia đầu tư vào SeedCom và vòng huy động vốn mới nhất của KiotViet (Series B, 40 triệu USD).

Ngoài những thương vụ đình đám kể trên, KVision còn rót tiền Jio Health, Selly, Lịch Việt hay One Pay.

Bảo hiểm Muang Thai

Madam Pang được biết đến như là người tiếp quản công ty bảo hiểm Muang Thai Insurance (MTI), một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất khu vực. Được thành lập vào năm 1951, MTI đã xây dựng uy tín và danh tiếng vững chắc qua nhiều thập kỷ, cung cấp các giải pháp bảo hiểm toàn diện cho cá nhân và doanh nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của Madam Pang, MTI đã đạt được những kết quả tài chính đáng chú ý. Theo dữ liệu từ Dun & Bradstreet, MTI sở hữu tổng tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, đạt doanh thu khoảng 356,14 triệu USD đến hết năm 2023 và duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức 410%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu của cơ quan quản lý.

Madam Pang đã giữ vị trí CEO của MTI từ tháng 2/2014, với nhiệm kỳ kéo dài hơn 10 năm, sở hữu trực tiếp 10,51% cổ phần của MTI, tương đương khoảng 18,5 triệu USD.

Tại Việt Nam, Muang Thai Insurance (MTI) thông qua công ty con Công ty bảo hiểm nhân thọ Muang Thai (Muang Thai Life) đã cùng với Tập đoàn bảo hiểm quốc tế Ageas (Bỉ) hợp tác với Ngân hàng MB thành lập Công ty bảo hiểm MB Ageas Life. Đây là một trong những DN bảo hiểm tăng trưởng nhanh và sớm khẳng định được vị thế trên thị trường Việt Nam.

Hoạt động đầu tư của Madam Pang và gia tộc Lamsam đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và hợp tác quốc tế. Trong tương lai, bà dự kiến sẽ mở rộng hoạt động đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác như công nghệ cao, giáo dục, y tế, bất động sản và nông nghiệp, thực phẩm.

Năm 2022, truyền thông Thái Lan ước tính bà Madam Pang sở hữu khối tài sản lên tới 740 triệu USD, chủ yếu đến từ lợi nhuận của tập đoàn bảo hiểm Muang Thai và ngành thời trang xa xỉ thông qua 2 công ty là Wanmani và San Honor. Hiện tại tổng tài sản cá nhân của bà không được công khai.

Thủ tướng Thái Lan kê khai tài sản: 400 triệu USD xa xỉ phẩm, BĐS trải rộng toàn cầu

Thủ tướng Thái Lan kê khai tài sản: 400 triệu USD xa xỉ phẩm, BĐS trải rộng toàn cầu

Tài chính quốc tế
(VNF) - Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra mới đây vừa thực hiện kê khai tài sản theo yêu cầu của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC). Theo đó, nữ thủ tướng hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá hơn 400 triệu USD, trong đó có nhiều bất động sản và hàng loạt các mặt hàng xa xỉ phẩm.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

Hình ảnh toàn tuyến cao tốc hơn 100km nối Hà Tĩnh - Quảng Bình

(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.