Thị trường

Nikkei Asia: Mytel đã chiếm 4% thị phần tại Myanmar chỉ trong 2 tháng

(VNF) - Thị trường viễn thông di động Myanmar có sự thay đổi lớn về thị phần với sự xuất hiện của một tân binh – Mytel, đơn vị đưa ra những khuyến mại ‘khủng’ để thu hút khách hàng - Nikkei Asia nhận định về Mytel.

Nikkei Asia: Mytel đã chiếm 4% thị phần tại Myanmar chỉ trong 2 tháng

Theo Nikkei Asia, Mytel đã thu hút 2,4 triệu người dùng trong 2 tháng

Được hỗ trợ bởi Viettel – một tập đoàn lớn của Việt Nam, tân binh này đã nắm trong tay 4% thị phần tại Myanmar chỉ sau 2 tháng hoạt động – Nikkei Asia thông tin.

“Tôi liên tục được xem những video quảng cáo, vì vậy tôi quyết định thử chúng,” một người đàn ông 30 tuổi nói tại phòng trưng bày Mytel ở Yangon.

Mytel được thành lập năm 2016 và cho ra mắt sản phẩm dịch vụ di động đầu tiên vào cuối tháng 6/2018.

Áp phích và logo với màu sắc chủ đạo là cam và trắng được Mytel trang trí khắp các ngóc ngách của thành phố Yangon.

Điểm thu hút lớn nhất của Mytel, hay còn gọi là Telecom International Myanmar là giá rẻ. Một tài khoản 30 ngày với 5 gigabyte dữ liệu được bán với giá 3.500 kyat (2,31 USD), chỉ bằng một nửa so với giá cước của các hãng viễn thông lớn, trong đó có hãng Bưu điện và Viễn thông Myanmar.

Khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông di động tại Myanmar chủ yếu mua các gói trả trước và mọi người có thể tự do thay đổi thẻ SIM theo ý muốn.

Một người phụ nữ bán thẻ/sim tại Yagon

Có rất nhiều khách hàng giữ cùng lúc nhiều thẻ sim của nhiều mạng di động khác nhau. Tính đến cuối tháng 6/2018, 3 hãng viễn thông lớn nhất Myanmar đã phục vụ 53 triệu khách hàng. Chiến lược khuyến mãi của Mytel đã thu hút 2,4 triệu người dùng vào giữa tháng 8, chiếm 4% thị phần viễn thông di động tại Myanmar.

Con số này khá ấn tượng bởi ngay tại thị trường Việt Nam, Viettel cũng phải mất cả năm để thu hút 2 triệu khách hàng. Viettel đang sở hữu 49% cổ phần Mytel, phần còn lại thuộc về 2 cổ đông Myanmar.

Myanmar là thị trường nước ngoài thứ 10 của Viettel kể từ khi bắt đầu hoạt động đầu tư nước ngoài vào năm 2009. Viettel hiện có mặt tại các quốc gia từ Mozambique đến Haiti.

Tập đoàn này hiện nắm giữ 46% thị phần tại Campuchia, gần 50% thị phần tại Đông Timor. Hoạt động đầu tư nước ngoài mang lại doanh thu 19.000 tỷ đồng (815 triệu USD) cho Viettel năm 2010.

Viettel đã nhanh chóng thành lập doanh nghiệp của mình tại Myanmar, nơi tỷ lệ bão hòa điện thoại di động tăng từ 32,9% trong năm 2014 lên 81,5% vào năm ngoái.

MPT – một công ty viễn thông của Myanmar từng nắm giữ vị trí độc quyền thị trường trong nước. Tuy nhiên, sự chuyển đổi chế độ quân sự sang chính phủ dân sự đã thu hút các doanh nghiệp như Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar, cả hai đều ra mắt dịch vụ vào năm 2014. Trong năm đó, MPT đã hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ di động Nhật Bản KDDI và Nhà giao dịch Sumitomo ở Tokyo.

Ba đối thủ trên đã chiếm một phần lớn thị phần và giảm thiểu tốc độ xâm nhập thị trường Myanmar của Mytel. Họ đã ban hành một tuyên bố chung vào tháng 2/2018, theo đó, đồng ý “tuân thủ các biện pháp cạnh tranh về giá” – một động thái nhằm ngăn cản lộ trình giảm giá của Mytel.

Năm ngoái, chính phủ Myanmar đưa ra lệnh cấm các doanh nghiệp bán lỗ thiết bị di động và phân phối miễn phí các thẻ sim nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, vì Mytel là một công ty mới nên được miễn trừ khỏi chính sách này.

Mặc dù vậy, “mức độ giảm giá sẽ phải giảm dần cho đến mức được quy định chung cho tất cả các doanh nghiệp”, một người trong ngành cho hay, thời gian miễn trừ có khả năng sẽ hết hạn vào đầu tháng 9.

Nikkei trích lời ông Zaw Min Oo, Giám đốc quan hệ công chúng của Mytel cho biết, họ sẽ đạt được mức 4 đến 5 triệu thuê bao cuối năm 2018. Mytel đang đưa các kế hoạch hoặc tặng kèm thiết bị giá rẻ được sản xuất tại Việt Nam và đang thực hiện chiến dịch quảng cáo rầm rộ.

Mytel có khả năng thực hiện chiến lược giá rẻ nhờ sự hỗ trợ từ Viettel, một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Hiện tại, Viettel chiếm 47% thị phần Việt Nam, vượt xa mức 26% thị phần của đối thủ mạnh thứ hai là MobiFone.

Mytel nỗ lực mang đến cho khách hàng các khoản chiết khấu và giảm giá tốt nhất trước rào cản là quy định của chính phủ về tỷ lệ phần trăm khuyến mãi. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, các nhà chức trách Myanmar đã yêu cầu hãng dừng một chương trình khuyến mãi cung cấp các dịch vụ miễn phí thông qua một ứng dụng. Các công ty đối thủ đề nghị có các biện pháp trừng phạt cho Mytel.

 

Tin mới lên