Bất động sản

Novaland kiến nghị được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng

(VNF) - Kiến nghị tại hội nghị tín dụng bất động sản sáng nay (8/2), đại diện Tập đoàn Novaland đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Novaland kiến nghị được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng

Novaland kiến nghị được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng

Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tư vấn Dự án tái cấu trúc Novaland, từ tháng 11/2022, cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều diễn ra đầy biến động. Đối diện với rất nhiều khó khăn, Novaland đã kết hợp với một hãng luật và công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young (EY) để tiến hành tái cấu trúc nợ tập đoàn.

Vị nữ giám đốc cho biết trong quá trình làm việc với các chủ nợ quốc tế đều chia sẻ thời gian vừa qua chúng ta đối diện rủi ro mang tính hệ thống khi thị trường chứng khoán giảm rất mạnh, gần như mạnh nhất thế giới và thị trường trái phiếu có những thay đổi lớn về quy định pháp luật dẫn đến một số khó khăn nhất thời.

Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường bị khủng hoảng mạnh. Chính vì vậy, khi tái cơ cấu nợ với các tập đoàn quốc tế, nữ giám đốc cho biết đã thuyết phục họ nhìn nhận đây là rủi ro hệ thống nên cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và nhìn nhận đây là rủi ro thị trường để tiến đến tái cơ cấu các khoản nợ nhằm giúp doanh nghiệp không rơi vào tình trạng không trả được các khoản nợ đến hạn, dẫn đến vi phạm và vi phạm chéo các khoản vay.

Đối với các khoản vay trong nước, bà Phương Lan cho rằng có rất nhiều khó khăn. Hiện tại, Novaland vẫn đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn này, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét để cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Thứ hai, trong thời gian vừa qua, trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu rõ ách tắc pháp lý đã diễn rất lâu, trong đó rất nhiều dự án bất động sản đặc biệt ở phía Nam bị ách tắc, điển hình như TP. HCM mấy ngàn trường hợp, TP. Hà Nội chỉ có khoảng 350 trường hợp.

"Ách tắc pháp lý này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí sản phẩm bất động sản đến tay người dân rất cao. Chúng ta cần có những biện pháp căn cốt hơn trong chuyện này", bà Phương Lan nói.

Vấn đề thứ ba là khi hạ tầng TP. HCM bị quá tải, Novaland là doanh nghiệp đi đầu trong việc làm các đô thị vệ tinh. "Tại các dự án đô thị vệ tinh này, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều hạ tầng bởi khi vào những vùng sâu, vùng xa như vậy mà hạ tầng không có cho nên vốn đổ vào hạ tầng rất lớn", nữ giám đốc nói.

Hiện nay, chính sách tín dụng đối với đô thị quy mô hàng nghìn ha chưa rõ ràng và hiện vẫn được xem như là một dự án bất động sản. Trong khi, dòng vốn vào hạ tầng cần một thời gian dài để thu hồi vốn, khác với các dự án bất động sản riêng lẻ trong thành phố khi hạ tầng có sẵn. Vì vậy cần có một cơ chế tín dụng hướng dẫn chi tiết hơn về việc phát triển hạ tầng đô thị nơi vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, bà Phương Lan kiến nghị cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, chúng ta trải qua cuộc khủng hoảng về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ và rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tham gia vào thị trường này. Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu đến hạn.

Chính vì vậy, Novaland đề nghị Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ là nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp.

>>> Xem thêm: Đại diện Vingroup nêu 3 vướng mắc tại cuộc họp tín dụng bất động sản

Tin mới lên