Bất động sản

Đại diện Vingroup nêu 3 vướng mắc tại cuộc họp tín dụng bất động sản

(VNF) - Ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup, cho rằng 3 vướng mắc về tín dụng bất động sản hiện nay là: Mục đích vay vốn, lãi suất vay vốn và tài sản đảm bảo.

Đại diện Vingroup nêu 3 vướng mắc tại cuộc họp tín dụng bất động sản

Ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện Tập đoàn Vingroup

Tại hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra sáng nay (8/2), ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes đã nêu ra 3 vướng mắc cần được tháo gỡ.

Thứ nhất là vướng mắc về mục đích vay vốn. Theo ông Hoa, các công ty bất động sản khi góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào các doanh nghiệp khác, trên quan điểm thận trọng của các ngân hàng thương mại, sẽ không tài trợ cho vay để góp vốn mua bán mà quy vào hoạt động cho vay, góp vốn đầu tư cổ phiếu, cổ phần nhưng quy định này đang bị hạn chế bởi Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngoài ra, khi triển khai các dự án bất động sản, ngay từ đầu có nhiều chi phí phát sinh, không phải khoản nào cũng được các ngân hàng giải ngân. Trước đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thuận lợi, các doanh nghiệp thường sử dụng vốn huy động này để trang trải chi phí ban đầu.

Một vấn đề nữa là khi triển khai dự án, ngân hàng chỉ cho vay đối với các chi phí phát sinh trong vòng 6 đến dưới 12 tháng, trong khi đối với các dự án bất động sản, chi phí này phát sinh trong thời gian rất dài.

Vướng mắc thứ hai là lãi suất vay vốn. Ông Hoa cho biết hiện nay, hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản lên tới 200% so với cho vay sản xuất kinh doanh thông thường.

Ông Hoa cho rằng những dự án bất động sản có đầy đủ cơ sở pháp lý, địa điểm, quy mô rõ ràng thì cũng không có rủi ro gì so với các ngành khác nhưng lại xếp vào hệ số rủi ro cao nên lãi suất cho vay hiện rất cao. Hơn nữa, hạn mức (room) cho vay bất động sản hiện đang bị hạn chế.

Vướng mắc thứ ba là tài sản đảm bảo. Trên quan điểm tiếp cận thận trọng và lo ngại về rủi ro thị trường, ông cho biết các ngân hàng thương mại yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo cao hơn vốn vay thông thường. Chính vì vậy, khi các dự án đang triển khai, chủ đầu tư phải bổ sung các tài sản đảm bảo khác.

Trước những vướng mắc trên, ông Phạm Thiếu Hoa kiến nghị NHNN và các ngân hàng thương mại cần làm rõ, bổ sung các quy định, tháo gỡ các điểm vướng mắc khi vay vốn.

Thứ hai, cần có biện pháp tháo gỡ cơ chế thông qua việc xếp loại và kiểm soát công nợ cho các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách đặc thù cho các chủ đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý, quy mô lớn, hạ tầng đầy đủ hoặc các dự án mang tính chất trọng điểm trên địa bàn, đồng thời tránh tình trạng cào bằng giữa các doanh nghiệp, các dự án.

Thứ 4, ông kiến nghị các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm dần lãi suất cho vay, hỗ trợ đặc biệt cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng.

Tin mới lên