'Nữ tướng' Vietjet Air đề nghị xã hội hoá công tác chống dịch covid - 19

Đinh Tịnh - 08/08/2021 17:48 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 8/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air mạnh dạn "hiến kế" xã hội hoá công tác chống dịch, giảm ngân sách chính phủ.

VNF

Bà Phương Thảo cho rằng: doanh nghiệp và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vắc - xin, xét nghiệm, các chi phí y tế. Vì thế, đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế để thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất để sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại.

Riêng với Vietjet năm 2019, hãng đã đóng góp cho ngân sách trực tiếp và gián tiếp hơn 9.000 tỷ đồng. Năm 2020, 2021 nhiều thời điểm thị trường trở lại, Vietjet đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tích cực tham gia kích cầu du lịch và đóng góp cho ngân sách, cho nền kinh tế...   

Định hướng về tương lai hàng không, bà Phương Thảo nhận định: sau thời gian giãn cách chống dịch, cần chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa, chúng ta cần chuyên gia, thương gia, các nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch… Vì thế, để triển khai hiệu quả, cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có 1 QR khai báo y tế và trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên (mô hình đã thành công ở Singapore).

Đồng thời, thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng, cầu đường, sân bay, đường sắt, giao thông đô thị, tạo hệ thống logistic hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nhân này cũng cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề nên cần thúc đẩy giáo dục trực tuyến, có các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần quan tâm chăm lo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, sản xuất kinh doanh cá thể, từ đó ổn định cuộc sống người dân bao gồm cả lao động phổ thông, tự do.

Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định: "Tôi đặt niềm tin ở các doanh nghiệp tư nhân, chúng tôi sẵn sàng tham gia gánh vác cùng Chính phủ các chương trình lớn, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch".

Đề nghị Chính phủ cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% 

Thông qua đề nghị của Vietjet và các Hãng hàng không, của một số chuyên gia, ngân hàng, tài chính, kinh tế, hàng không có uy tín, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã thống nhất sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội các giải pháp hỗ trợ về vốn cho các hãng hàng không, cụ thể: 

Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo NHNN sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ quy định tại Thông tư 03 (có thể đến năm 2022 theo diễn biến của dịch và khi nước ta đạt miễn dịch cộng đồng).

Bởi cơ cấu nợ theo Thông tư 03 của NHNN đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu. Không những khó khăn vì tình hình Covid bủa vây, các hãng hàng không lại tiếp tục khó khăn vì bị nhóm nợ xấu, không được cơ cấu, trả nợ kịp thời và phân loại sai nhóm nợ.

Đề nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% để tăng vốn điều lệ như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm). Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, căn cứ vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không việt Nam. Mục đích là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép ngân hàng cho các hãng hàng không vay dù chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện ngặt nghèo hiện nay. Ngân hàng thương mại và hãng hàng không được chủ động bàn, thỏa thuận về vốn vay, lãi vay, điều kiện tài sản bảo đảm, phương án đầu tư, sử dụng vốn… nhưng lãi suất bằng hoặc thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Mục đích là nhằm giúp các hãng hàng không hồi phục, bật dậy sau dịch.  

 

>>>> https://vietnamfinance.vn/hang-khong-ngu-dong-den-bao-gio-20180504224255317.htm

Cùng chuyên mục
Tin khác