Nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng

Minh Tâm - 23/06/2020 16:12 (GMT+7)

(VNF) - Nửa cuối năm 2020, lãi suất tiền gửi đối mặt áp lực tăng không hề nhỏ, đặc biệt là ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

VNF
Nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng

Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hàng năm, tiền gửi của các doanh nghiệp vào ngân hàng thường giảm và sau đó tăng dần, chốt năm, mức tăng không chênh lệch nhiều so với tiền gửi của dân cư, thậm chí vượt. Tuy nhiên, 4 tháng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã rút ròng rất mạnh tiền gửi khỏi ngân hàng (4 tháng rút ròng trên 150.000 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái rút ròng trên 50.000 tỷ), nhiều khả năng là để trang trải chi phí kinh doanh trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng nặng nề.

Nguồn tiền gửi của người dân cũng chịu tác động nhất định. Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng trong 4 tháng năm nay chỉ tăng hơn 160.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 260.000 tỷ đồng.

Tựu trung, 4 tháng đầu năm 2020, tổng tiền gửi khách hàng chỉ tăng vỏn vẹn gần 6.300 tỷ đồng (tương đương tăng 0,07%), trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới trên 200.000 tỷ đồng (tương đương tăng 2,69%).

Dưới góc nhìn khác, sự tăng lên rất chậm của tiền gửi khách hàng đối ứng với tăng trưởng tín dụng kém khả quan. Khi đầu ra không thể tăng được thì ngân hàng cũng buộc phải giảm huy động vốn đầu vào nhằm giảm chi phí.

Nhu cầu huy động vốn ít, lại được bơm vốn rẻ trên thị trường liên ngân hàng (lãi suất liên ngân hàng đang duy trì ở mức thấp kỷ lục thời gian dài gần đây) nên lãi suất huy động vốn các kỳ hạn 6 tháng trở lên đã giảm khá mạnh. Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã giảm tổng cộng 0,6-0,75 điểm% với kỳ hạn dưới 12 tháng (về mức 4-5,5%/năm) và giảm từ 0,65-1 điểm% ở các kỳ hạn 12, 13 tháng (về mức 5,7-6,2%/năm).

Giảm lãi suất là chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, không dễ thực hiện. Đã từng có không ít lần cơ quan này chủ động bơm vốn rẻ ra thị trường liên ngân hàng nhưng không "thẩm thấu" được đáng kể xuống thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức kinh tế). Trong khi đó, hạ trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng không có nhiều tác động bởi tiền có xu hướng chuyển sang kỳ hạn cao hơn không bị áp trần. Điều này là dễ hiểu bởi khi đói vốn, ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất ở các kỳ hạn này để huy động tiền.

Một điểm khác cũng chi phối chủ trương giảm lãi suất là lạm phát. Áp lực lạm phát càng tăng, áp lực tăng lãi suất càng lớn, một mặt là để duy trì lãi suất thực dương, tránh gây tâm lý lo ngại từ phía người dân, mặt khác, tăng lãi suất nhằm hút bớt tiền về để giảm áp lực lạm phát.

Nếu nhìn vào các yếu tố trên, có thể thấy còn quá sớm để khẳng định thành quả giảm lãi suất hiện nay sẽ được duy trì trong thời gian dài hậu dịch, đặc biệt là đến khi nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu dần phục hồi. Bởi do đặc thù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế, ngân hàng đang trong quãng thời gian hiếm hoi không đói vốn. Nhưng khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu huy động vốn tăng cao thì áp lực tăng lãi suất cũng dâng lên.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khá tham vọng là 11-14% dù đã tính đến tác động của dịch Covid-19. Tham vọng này không khó hiểu, bởi tăng trưởng GDP nhiều năm qua phụ thuộc lớn vào tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,13% so với đầu năm. Như vậy, áp lực tăng tín dụng trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, nhưng không hẳn là không khả thi bởi khác với các nước, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch từ cuối tháng 4, là tiền đề quan trọng để phục hồi tốt trong nửa cuối năm. Nếu tình hình kinh tế thế giới dần tốt lên sau thời gian giãn cách xã hội, "cửa" tăng tín dụng còn rộng mở hơn.

Nhu cầu huy động vốn tăng cao để phục vụ tăng trưởng tín dụng, tạo áp lực tăng lãi suất, mới là một vế. Ở vế còn lại, áp lực lạm phát cũng không nhỏ. Ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng tới 4,39% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Áp lực sẽ lớn hơn nhiều khi nền kinh tế phục hồi và như đã đề cập, áp lực lạm phát càng tăng thì áp lực tăng lãi suất càng lớn, một mặt là để duy trì lãi suất thực dương, mặt khác, nhằm hút bớt tiền về để giảm áp lực lạm phát.

Tựu trung, nửa cuối năm, lãi suất đối mặt áp lực tăng không hề nhỏ, đặc biệt là ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do không bị áp trần lãi suất.

Cùng chuyên mục
Tin khác