OCB ký kết hợp tác thanh toán biên mậu

Hoàng Ngân - 18/07/2023 09:11 (GMT+7)

(VNF) - Sáng 13/7, tại thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc đã tiến hành ký kết hợp tác thanh toán biên mậu.

VNF
Ông Phạm Bình Hùng, Giám đốc OCB, chi nhánh Lạng Sơn thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác thanh toán biên mậu với các chi nhánh thuộc Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây

Tham dự sự kiện có các cán bộ cấp cao của Cục Quản lý tài chính thành phố Bằng Tường và Ngân hàng Nhân dân Trung quốc – Chi cục Thành phố Bằng Tường; công ty, hợp tác xã cùng ban lãnh đạo các chi nhánh của Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc và đại diện lãnh đạo ngân hàng Phương Đông.

Theo đó, OCB chi nhánh Lạng Sơn cho biết đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với các chi nhánh thuộc Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc bao gồm: chi nhánh Bằng Tường, chi nhánh Ninh Minh, chi nhánh Long Châu, chi nhánh Na Pha, chi nhánh Tịnh Tây.

Mỗi bên sẽ mở tài khoản tiền gửi vãng lai tại bên còn lại và thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng như mua bán ngoại tệ, thanh toán chuyển tiền, ủy thác chuyển tiền…

“Hoạt động ký kết này sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho các khách hàng, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Cụ thể, việc thanh toán qua ngân hàng giúp tiết kiệm thời gian và an toàn hơn so với giao dịch bằng tiền mặt, tránh được rủi ro về mặt tỷ giá cùng những biến động trên thị trường. Đặc biệt, việc ký kết thỏa thuận sẽ thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên, góp phần gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, thêm sự lựa chọn về thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc”, ông Nguyễn Văn Hương, Phó tổng giám đốc phụ trách bán lẻ OCB phát biểu tại lễ ký kết.

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó tổng giám đốc OCB phát biểu tại lễ ký kết thỏa hợp tác với Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây

Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại tỉnh Quảng Tây. Ngân hàng đang có các điểm giao dịch tại bảy cửa khẩu giáp Việt Nam với doanh số giao dịch thanh toán biên mậu hơn 3.191 tỷ CNY.

"Việc ký kết hợp tác với OCB là sự kiện quan trọng và ý nghĩa, giúp chúng tôi mở rộng tiếp cận đến nhiều khách hàng đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa hai nước Việt - Trung", ông Trương Minh Châu, Phó chủ nhiệm văn phòng đại diện Nam Ninh, Khối liên hiệp Hợp tác xã Tín dụng Nông thôn khu tự trị Dân tộc Choang, Quảng Tây chia sẻ thêm.

Với định hướng chiến lược toàn ngân hàng: tập trung nguồn lực, mở rộng mạng lưới giao dịch cùng các sản phẩm đa dạng, tăng cường hoạt động quản lý rủi ro, OCB Chi nhánh Lạng Sơn cho biết đã tận dụng thế mạnh ở địa bàn có hoạt động kinh tế cửa khẩu sôi động giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhanh chóng đầu tư khai thác, triển khai dịch vụ hợp tác thanh toán biên mậu, cung cấp kênh thanh toán, an toàn và thuận tiện tới các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, giao thương, cũng như chủ động, tích cực trong công tác quản lý hoạt động thanh toán nhằm mục đích phù hợp yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Lãnh đạo 2 bên tặng quà lưu niệm chúc mừng cho sự hợp tác thành công giữa OCB và Khối liên hợp hợp tác xã tín dụng nông thôn khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây

Được biết, với hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước ngày càng sôi động, thời gian tới, OCB chia sẻ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác thanh toán biên mậu với các nước có chung biên giới.

Đại diện 2 bên chụp ảnh lưu niệm sau lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ áp dụng công nghệ thanh toán hiện đại, tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Từ đó, OCB mong muốn góp phần giảm áp lực cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ công tác quản lý chống buôn lậu, hạn chế gian lận thương mại và thất thu thuế, thúc đẩy đảm bảo an ninh tiền tệ vùng biên.

Cùng chuyên mục
Tin khác