Thị trường

‘Ôm mộng’ bay thẳng tới Mỹ, Bamboo Airways có giải được bài toán khó?

(VNF) - Ít giờ sau khi ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways, đã chia sẻ tham vọng sẽ mở đường bay thẳng đến Mỹ. Đây là kế hoạch mà các ‘đàn anh, đàn chị’ như Vietnam Airlines và Vietjet đã ấp ủ từ rất lâu nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được.

‘Ôm mộng’ bay thẳng tới Mỹ, Bamboo Airways có giải được bài toán khó?

‘Ôm mộng’ bay thẳng tới Mỹ, Bamboo Airways có giải được bài toán khó?

Ngày 25/6, Boeing thông báo đã chốt hợp đồng về việc hãng hàng không startup Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC từ Việt Nam sẽ mua của Boeing 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner. Trị giá hợp đồng là 5,6 tỷ USD, theo mức giá công bố của dòng máy bay này. FLC đã đặt cọc cho hợp đồng và thời gian bàn giao được thực hiện từ tháng 4/2020.

Theo thông tin từ Boeing, máy bay Boeing 787-9 là máy bay thân rộng, dài hơn 6 mét so với mẫu 787-8, có hai lối đi với sức chứa 300 ghế, có thể bay quãng đường dài 14.140 km.

Trả lời VTV ngay tại nhà máy của Boeing, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đang hoàn thiện thủ tục xin phép bay cho Bamboo Airways và 99% hãng hàng không tư nhân này sẽ cất cánh trong năm 2018.

Ông Trịnh Văn Quyết cho biết ông muốn khai thác 16 đường bay nội địa và 10 đường bay quốc tế, bắt đầu với các đường bay tới quốc gia khu vực trong năm 2019, và sau đó sẽ mở rộng tới Mỹ và châu Âu.

Ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.

“Thương vụ với Boeing chỉ là bước đi khởi đầu. Chúng tôi muốn sở hữu hơn 100 máy bay trong tương lai”, ông Quyết cho hay.

Thương vụ trị giá 5,6 tỷ USD với Boeing này được thông báo chỉ vài tháng sau khi FLC tuyên bố đạt thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD khác với hãng máy bay đối thủ Airbus.

Hồi tháng 3, FLC đã ký với hãng Airbus thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay Airbus A321 NEO với tổng trị giá 3 tỷ USD, và đã đặt cọc 34 tỷ đồng cho thương vụ này.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Quyết chia sẻ tham vọng Bamboo Airways sẽ thực hiện các chuyến bay dài tới thị trường quốc tế. Ngoài ra, hãng sản xuất máy bay Boeing cũng sẽ hỗ trợ để mở tuyến bay thẳng Việt – Mỹ.

Trước ý kiến hoài nghi về khả năng sinh lợi của việc mở đường bay thẳng, ông Quyết khẳng định “Bay phải tính có lãi luôn”.

Vì sao “ông lớn’ vẫn chưa bay được?

Hồi cuối năm 2017, hãng hàng không Vietjet Air cho biết hãng này dự kiến sẽ mua thêm một loạt máy bay thân rộng để mở rộng đội bay của mình phục vụ cho kế hoạch phát triển mạng đường bay quốc tế. Vietjet dự kiến sẽ có đường bay thẳng tới California, điểm đến đầu tiên tới Mỹ bắt đầu từ năm 2019. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, hãng hàng không này sẽ sử dụng máy bay có sức chứa lớn hơn để phục vụ đường bay thẳng tới Mỹ sau khi Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho phép các hãng hàng không Việt Nam được bay thẳng tới Mỹ. Họ sẽ cân nhắc lựa chọn máy bay Boeing 787 hoặc Airbus A350 cho kế hoạch này.

Những chuyến bay đầu tiên sẽ bay thẳng từ Việt Nam tới sân bay quốc tế Norman Y. Mineta San Jose, gần với khu vực sinh sống của cộng đồng người Việt, đồng thời có thể phục vụ được hành khách ở San Francisco.

Vietnam Airlines đã đưa vào vận hành hai dòng máy bay đường dài hiện đại Airbus A350-900 XWB và Boeing 787-9 Dreamliner.

Vietnam Airlines cũng đã từng lên kế hoạch trong giai đoạn 2016-2020 sẽ mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với 2 địa điểm được cân nhắc là San Francisco hoặc Los Angeles. Đến nay Vietnam Airlines đã đưa vào vận hành hai dòng máy bay đường dài hiện đại Airbus A350-900 XWB và Boeing 787-9 Dreamliner nhưng kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.

Tháng 1 năm nay, trả lời phỏng vấn báo giới, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “Khi mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm”. Như vậy, mức lỗ trong 5 năm sẽ là khoảng 150 triệu USD, tức hơn 3.300 tỷ đồng.

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, đường bay thẳng Việt  – Mỹ sẽ là đường bay đầy thách thức và chắc chắn sẽ lỗ trong nhiều năm. Tuy nhiên, hãng sẽ cân đối để bù lỗ ở mức chịu đựng được.

Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cũng cho rằng, về kỹ thuật có thể Vietnam Airlines đủ điều kiện bay thẳng sang Mỹ nhưng đường bay Mỹ sẽ là một đường bay rất lỗ. Vietnam Airlines chỉ có thể bay được nếu giảm được mức lỗ từ các đường bay khác bù được.

Vẫn là bài toán khó

Có 2 yếu tố quan trọng phải đáp ứng để mở đường bay đến Mỹ, đó là năng lực giám sát an toàn của nhà chức trách hàng không và hãng hàng không Việt Nam phải xây dựng được Bộ quy chế an ninh do phía Mỹ phê chuẩn.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đánh giá năng lực giám sát hàng không theo tiêu chuẩn CAT1 và đưa ra khuyến cáo. Dự kiến trong năm nay, FAA sẽ phê chuẩn chính thức CAT1 đối với nhà chức trách hàng không. Tiếp theo là bước đánh giá Bộ quy chế an ninh đối với VNA. Quá trình này dự kiến kéo dài khoảng 2 năm.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, do chưa có hãng hàng không nào bay thẳng từ Việt Nam đến Hoa Kỳ nên hành khách hiện nay chủ yếu sử dụng sản phẩm có 1 điểm dừng qua các cửa ngõ như Seoul (Hàn Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản)...

Cũng theo Cục Hàng không, việc Vietnam Airlines mở đường bay không điểm dừng đến Mỹ là rất khó. Bởi xét về mặt thương mại, toàn bộ thị trường hành khách bay Việt - Mỹ đã bị các hãng hàng không Nhật, Hàn chiếm lĩnh. Bản thân các hãng hàng không này cũng thường bay đến Việt Nam để lấp thêm ghế trống.

Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, hiện nay chưa có loại máy bay nào bay không điểm dừng với trọng tải đầy. Trong trường hợp máy bay 300 ghế bay không điểm dừng mà chỉ chở được 160 khách thì hãng vận chuyển sẽ bị lỗ.

Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết và Phó Chủ tịch Boeoing, ông Dinesh Keskar ký thỏa thuận mua máy bay. (Ảnh: Đoàn Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, lượng khách người Việt tại Mỹ và khu vực Bắc Mỹ cùng với cộng đồng du học sinh Việt Nam đông nhưng lại sinh sống phân tán, đi lại mang tính thời điểm, chưa thực sự thành một nguồn khách thường xuyên. Lượng khách doanh nhân chỉ chiếm tỷ trọng không lớn.

Đây thực sự là khó khăn để đảm bảo duy trì hiệu quả khai thác đường bay trong cả năm khi điều kiện Vietnam Airlines mới đủ khả năng khai thác tới 1 điểm đến tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, các hãng hàng không lớn của châu Á như Japan Airlines, Asiana Airlines, China Southern Airlines, Cathay Pacific, Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Thai International Airways đều đang khai thác các chuyến bay tới Hoa Kỳ với tần suất khá cao.

Có thể kể đến như Singapore Airlines đã khai thác các chuyến bay thẳng từ Singapore qua Bắc Cực tới các thành phố lớn của Hoa Kỳ, rút ngắn thời gian bay thông thường từ 21-24h xuống còn 15-16h.

Hay như hãng hàng không United Airlines của Mỹ mở đường bay từ San Fransisco tới TP. HCM của Việt Nam nhưng transit (quá cảnh) ở Hongkong. Tuy nhiên, năm 2016 đường bay này đã tạm dừng khai thác, nguyên nhân được cho là vì sức cạnh tranh quá lớn trên thị trường.

Đến nay việc thiết lập đường bay thẳng đi Mỹ vẫn đang là một bài toán khó giải.

Xem thêm >> Hành trình ‘cất cánh’ của Bamboo Airways tiến thêm một bước

Tin mới lên