Ôn cố tri tân: Trần Trinh Trạch, đại điền chủ giàu có nhất Nam Kỳ

Hoài Thương - 06/12/2020 18:58 (GMT+7)

Danh tiếng về ‘vua muối Bạc Liêu, đại điền chủ Trần Trinh Trạch’ đã không còn xa lạ với nhiều người. Từ hai bàn tay trắng, với một chút may mắn và ý chí làm giàu đã đưa ông Trần Trinh Trạch tới tột đỉnh giàu sang, trở thành một trong ‘Tứ đại Phú hộ’ của Nam Kỳ xưa.

VNF
Chân dung ông Trần Trinh Trạch

Tuổi thơ nghèo khó và bước ngoặt đổi đời

Ông Trần Trinh Trạch vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở ấp Cái Dầy, tỉnh Bạc Liêu. Lên 10 tuổi, ông phải đi ở đợ cho một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp.

Đến năm 1881, thực dân Pháp ra quyết định con những người Tây gốc Việt đều phải học tiếng Pháp. Gia đình điền chủ có một cậu ấm bằng tuổi ông, vốn làm biếng, ham chơi nên ông Trạch được cho đi học thay. Nhờ cơ may này ông được biết cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Chính ông cũng không ngờ đây là cánh cửa giúp ông đổi đời sau này.

Với vốn liếng học hành đó, khi lớn lên, ông Trạch không đi làm thuê làm mướn nữa mà xin vào làm trong Tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu và trở thành thầy ký.

Ông Phan Văn Bì là bá hộ có ruộng đất nhiều nhất ở Bạc Liêu, ông còn được mệnh danh là vua lúa gạo miền Tây. Trong quá trình lên Tòa hành chính tỉnh để đóng thuế, thấy thầy ký Trạch mặt mũi sáng sủa, hiểu biết tinh thông nên ông Bì đã giới thiệu cô con gái thứ tư tên Phan Thị Muồi cho thầy.

Tượng đồng ông Trần Trinh Trạch (phải) và bà Phan Thị Muồi

Khi hai bên đều đã phải lòng nhau, ông Bì cho tổ chức đám cưới và cho một số ruộng đất làm vốn.

Ông Trạch thôi làm thầy ký về làm điền chủ, nhờ thông minh, chăm chỉ lại không ăn chơi nên ông đã phất lên nhanh chóng. Các lô ruộng đất của những người con khác của ông Bì do ham mê cờ bạc đều lần lượt cầm cố về tay ông Trạch hết. Sau khi đã gom hết ruộng đất của người nhà, ông Trạch tiếp tục công việc cầm cố đất đai của nhiều điền chủ sa cơ lỡ vận (do làm ăn thua lỗ hoặc bài bạc) và ngày càng giàu có.

Đại điền chủ nhiều ruộng nhất Nam Bộ

Sự nghiệp làm giàu của ông Trần Trinh Trạch ngày càng phất lên khi ông trúng thầu trở thành nhà cung cấp muối cho cả Nam Kỳ. Hoa lợi từ ruộng lúa và ruộng muối không thể kể xiết, từ đó ông tiếp tục mua thêm ruộng và trở thành đại điền chủ có số ruộng đất nhiều nhất Nam Bộ.

Cả tỉnh Bạc Liêu có 13 lô ruộng muối thì ông Trạch chiếm tới 11 lô, với hơn 50.000 mẫu ruộng muối. Riêng ruộng lúa ông có 74 sở điền với 150.000 mẫu.

Chưa dừng lại, ông trúng thầu quản lý sở cầm đồ và nghiễm nhiên trở thành người hoạt động độc quyền cầm đồ tại Bạc Liêu. Ông cũng sở hữu hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu và một dãy phố lầu ở Sài Gòn.

Nhờ kinh nghiệm và quen biết từ những năm đi làm thầy ký cho Tây, ông Trạch lại trúng thầu quản lý hãng rượu Bình Tây, độc quyền phân phối rượu ở Bạc Liêu. Tất cả những thứ đó đã làm cho vợ chồng ông Trạch trở nên giàu có, vượt ra ngoài phạm vi của một làng, một huyện.

Năm 1927, ông đồng sáng lập ra Ngân hàng Việt Nam đầu tiên và trở thành chánh hội trưởng của ngân hàng. Cùng thời gian đó, ông tham gia Hội đồng tư mật Nam kỳ và được người dân gọi là ông Hội đồng Trạch.

Khi đã có tiền của, ông Trần Trinh Trạch xây dựng một khu biệt thự sang trọng và to lớn nhất ở thị trấn Bạc Liêu. Thiết kế do kỹ sư người Pháp đảm nhiệm. Toàn bộ vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang. Các thiết bị trang trí nội thất được đặt mua từ Mỹ, Ý, và Trung Quốc...

Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay ở địa chỉ 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, thị xã Bạc Liêu

Trải qua hơn 100 năm, đến nay khu biệt thự này vẫn giữ được vẻ sang trọng bề thế của nó. Hiện nay biệt thự mang tên khách sạn “ Công tử Bạc Liêu” do ngành du lịch Bạc Liêu quản lý. Đặc biệt căn phòng mà công tử Bạc Liêu ở ngày trước lúc nào cũng đông khách đăng ký thuê ở. Phía bên phải tòa biệt thự người ta vẫn giữ nguyên gian phòng thờ vợ chồng đại điền chủ Trần Trinh Trạch. Ở đó có hai bức tượng bán thân bằng đồng tạc chân dung ông Trạch và bà Phan Thị Muồi.

Dù có khối tài sản đồ sộ nhưng ông Trạch sống rất giản dị. Ông cũng chỉ có một người vợ với 7 người con. Ông dành hết gia tài và tình yêu thương cho các con của mình, nhất là cậu Ba Huy (Trần Trinh Huy hay còn được biết với danh xưng Công tử Bạc Liêu).

Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy

Gia tài của ông gần như đều để cho cậu Ba Huy sử dụng. Ngày cậu Huy từ nước ngoài trở về, ông mua hẳn xe sang để đi đón. Ông còn cho phép con mình mua máy bay, mua ca nô phục vụ thú ăn chơi xa xỉ.

Khi thực dân Pháp kêu gọi người Việt Nam ủng hộ ngân quỹ, ông Trạch đã bỏ ra một khoản tiền lớn giúp Pháp. Ông cũng thường xuyên làm từ thiện trên phạm vi cả nước, đơn cử như việc xây cất Cư xá Đại học Đông Dương ở Hà Nội.

Vào các dịp mừng thọ 50, 60 và 70 tuổi, ông Trạch đều mở hầu bao ra để phân phát tiền của, lúa gạo cho người nghèo. Ông cũng cho xé hết giấy nợ của các tá điền, vì vậy cứ đến dịp mừng thọ của Hội đồng Trạch là cả vùng Bạc Liêu mừng như trẩy hội.

Gia sản khánh kiệt

Năm 1942, sau khi mừng thọ tuổi 70 được hơn tháng, ông Trạch nói với cậu Huy đưa xuống Sài Gòn đổi gió. Sau khi đi biển Long Hải về, ông Trạch bị cảm lạnh và qua đời ở Sài Gòn.

Đám tang của ông là một sự kiện lớn ở Bạc Liêu và cả Nam Kỳ. Tang lễ kéo dài đến 7 ngày 7 đêm. Tá điền, dân chúng tới viếng và đeo tang đều được đãi ăn uống và cho một cắc (tương đương 1 giạ lúa). Dòng người đưa tang lên đến cả ngàn người, tới mức xe tang đã đến nghĩa trang cách thị xã Bạc Liêu 5 km mà dòng người đi theo vẫn chưa ra khỏi thị xã.

Không ai ngờ cả đời ông Trần Trinh Trạch cần kiệm làm nên khối tài sản lớn như thế mà con cái lại tiêu xài phá tán hết. Nhất là cậu con trai mà ông đặt nhiều kỳ vọng và trao cho cả sản nghiệp là Ba Huy đã tàn phá núi gia sản với tốc độ còn nhanh hơn người cha Hội đồng Trạch trước đó gây dựng nên.

Có nhiều giai thoại kể về độ ăn chơi khét tiếng của Công tử Bạc Liêu như đốt tiền nấu chè, đổi nhà phố lấy người đẹp hay vua Bảo Đại có gì là Ba Huy có cái đó… Để rồi chỉ trong chốc lát tất cả gia sản tiêu tan, đến đời con cháu của Công tử Bạc Liêu, lại quay trở lại sống nghèo khổ như cái thời ông Trạch đi ở đợ năm nào.

Cùng chuyên mục
Tin khác