Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Theo đó, từ năm 2020 trở đi, khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được cộng vào GDP của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) gồm 5 nhóm: hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, một phần hoạt động kinh tế phi chính thức, một phần hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và các hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Việc Chính phủ muốn thống kê NOE để cộng vào GDP đã gây nên một cuộc tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế. Để hiểu rõ hơn về động thái này của Chính phủ cũng như các hệ quả, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam.
- Ông có thể giải thích ngắn gọn vì sao lại có nhiều hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các cuộc điều tra, thống kê?
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Trước đây và cả ngay bây giờ chúng ta đã bỏ sót rất nhiều hoạt động kinh tế trong các cuộc điều tra, thống kê, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể/tiểu chủ hay một số hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp.
Một ví dụ đơn giản, tôi thuê một cô giúp việc nhà với mức lương 7 triệu đồng/tháng thì khoản đó được tính vào GDP. Nhưng khi tôi lấy cô giúp việc đó làm vợ thì phần giá trị cô ấy tạo ra không còn được tính vào GDP nữa.
Như vậy, có những hoạt động vẫn đang tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nhưng vì một số lý do mà không được đưa vào thống kê. Đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Tôi cho có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Một là các thực thể kinh tế cố tình che đậy hành vi, giao dịch để tránh/trốn thuế. Hai là cơ quan thống kê không đủ năng lực tổ chức hoạt động thống kê bài bản, có hệ thống với chi phí có thể chấp nhận được.
- Trong quá khứ, Việt Nam đã khi nào nghĩ tới chuyện điều tra/thống kê NOE?
Tôi được biết Tổng cục Thống kê cũng từng mở rộng phạm vi thống kê. Họ đưa một số hoạt động của NOE vào các cuộc điều tra. Nhưng ngay cả đã làm như vậy, việc bỏ sót vẫn là rất nhiều.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc lượng hóa NOE là rất khó, ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ đặt vấn đề khó hay không khó là chưa phù hợp, vì nếu kêu khó thì không làm nữa hay sao. Dễ hay khó là do năng lực của chúng ta chứ không phải do bản thân vấn đề.
Vấn đề luôn là khách quan, còn chúng ta yếu về năng lực, thấy lạ lẫm, thấy chưa có tiền lệ, chúng ta nghĩ là khó. Nhưng mọi việc đều khởi đầu như vậy cả. Nếu ta thấy khó quá mà không làm thì chẳng bao giờ nó thành dễ cả.
Vấn đề khó nhưng nếu chúng ta quyết tâm cải thiện năng lực của mình như nền tảng thế chế, chất lượng con người, làm từng bước với sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế… thì từng phần, từng mảnh ghép của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ được đưa vào bảng thống kê.
Chúng ta càng làm thì càng thêm hiểu biết, thêm kinh nghiệm, nắm bắt tốt hơn các hành vi, các thuộc tính và đặc điểm của khu vực. Mọi việc luôn khởi đầu là như vậy, không nên than khó.
- Trên thế giới đã có nước nào thành công trong việc lượng hóa NOE như là một hình mẫu để chúng ta có thể học theo?
Khái niệm “thành công” cũng chỉ là tương đối thôi. Và tôi cho là không có thước đo cho “thành công” hay “thất bại” trong việc này.
Cho đến nay, các nước đo lường NOE cũng chỉ là làm dần dần. Ví dụ, họ đặt ra quy định những giao dịch/những thực thể kinh tế có quy mô 1 tỷ đồng trở lên phải khai báo hoặc nhiệm vụ mà cơ quan thống kê phải thu thập dữ liệu. Sau đó, họ hạ dần ngưỡng đó xuống, 800 triệu đồng rồi 600 triệu đồng…
Chúng ta có thể thấy, việc đặt ra một ngưỡng sẽ giúp cơ quan thống kê nắm bắt chính xác hơn. Nhưng với một ngưỡng như vậy, có rất nhiều giao dịch hay thực thể kinh tế bị bỏ sót hoặc tạo ra động cơ khai thấp thông tin dưới ngưỡng. Tuy nhiên, các nước chấp nhận việc bỏ sót này, vì điều đó liên quan đến chi phí thống kê. Anh càng muốn mở rộng khu vực quan sát thì anh càng tốn thêm chi phí. Và nhà chức trách phải cân đối điều này.
Các nước vẫn chấp nhận việc bỏ sót đối tượng thống kê, miễn là việc bỏ sót đó không ảnh hưởng lớn đến kết quả thống kê chung và việc hoạch định chính sách.
Cách làm này cũng cho thấy một điều là việc thống kê NOE phải làm từng bước, không thể có kết quả ngay được.
- Thực tê có lo ngại rằng việc cộng NOE vào GDP sẽ tạo nên thành tích ảo về tăng trưởng?
Tôi thấy chẳng có thành tích gì ở đây cả. Lấy ví dụ năm 2018, GDP là 245 tỷ USD, năm 2019 giả sử cộng thêm NOE thành 300 tỷ USD, dựa vào đó nói Chính phủ tính NOE để lấy thành tích tăng trưởng thì không thỏa đáng. Vì về nguyên tắc, nếu năm 2019 ta đưa NOE vào GDP thì ta đồng thời phải điều chỉnh các năm trước thì mới so sánh được.
Mặt khác, nếu năm 2019 đã có sự điều chỉnh GDP nhờ NOE thì sang năm 2020, sự tăng lên đột biến của GDP không còn nữa, trừ khi lại tiếp tục mở rộng phạm vi thống kê.
Tôi cho rằng nên nhìn việc thống kê NOE theo hướng tích cực. Tức là lâu nay Chính phủ thiếu chính sách quản lý và hỗ trợ cho NOE. Khi muốn phát triển kinh tế bao trùm thì Chính phủ không thể bỏ sót khu vực nào trong hoạch định chính sách cả. Vậy làm sao Chính phủ thiết kế được một chính sách có tính chất bao trùm nếu như bỏ sót một tỷ phần khá lớn hoạt động của nền kinh tế? (!) Một khi không quan sát và nhận diện hết được các đặc tính riêng có của một khu vực nào đó, các chính sách thường không thực tế mà chúng ta hay chỉ trích là chính sách bàn giấy. Tôi nghĩ nên nhìn vấn đề mở rộng phạm vi thống kê ở khía cạnh tích cực hơn.
- Nhưng khi cộng NOE vào GDP khiến GDP tăng lên, chúng ta không thể bóc tách được trong số tăng thêm đó bao nhiêu là do tăng trưởng, bao nhiêu do mở rộng phạm vi quan sát?
Đúng vậy, rất khó để bóc tách. Nhưng chúng ta có thể ghi chú rằng từ năm này GDP được tính cả NOE. Việc này giúp các nhà phân tích không bị nhầm lẫn khi giải thích, đánh giá sự tăng trưởng của GDP cũng như phân tích các chỉ tiêu có neo vào GDP.
- Ông có nghiên cứu nào về quy mô của NOE không?
Trong một nghiên cứu trước đây, chúng tôi ước tính quy mô NOE ở Việt Nam những năm cao nhất có thể lên tới 26 – 27% GDP; giai đoạn thấp cũng vào khoảng 15 – 16% GDP.
Một số người cho rằng quy mô đó là quá lớn. Bên Tổng cục Thống kê cũng từng có phản ứng về con số này, yêu cầu tính toán lại. Nhưng trách nhiệm tính toán lại và xác định con số chính xác thuộc về Tổng cục Thống kê chứ không thuộc về các nhà kinh tế.
- Với các phân tích của ông, việc đo lường NOE là khả dĩ, vậy việc thu thuế từ khu vực này có khả dĩ không?
Tôi nghĩ thu thuế từ NOE hiện nay có thể cải thiện được, thậm chí cải thiện được ngay cả khi Chính phủ không mở rộng thống kê kinh tế của mình.
Tại sao lại nói vậy?
Chúng tôi đã từng tư vấn cho các địa phương trong việc tái cơ cấu nguồn thu ngân sách. Chúng tôi thấy ở các địa phương, nguồn thu thuế dưới tiềm năng rất nhiều, đặc biệt là thuế ở khu vực kinh tế hộ gia đình.
Ở khu vực này, người ta áp dụng hình thức thuế khoán. Ví dụ quy định doanh thu dưới 100 triệu đồng thì không phải kê khai nộp thuế, từ 100 triệu đồng trở lên thì kê khai và nộp thuế theo hình thức thuế khoán. Trên thực tế, các cơ sở kinh doanh luôn cố tình khai báo dưới mức đó hoặc kê khai càng thấp càng tốt để giảm nghĩa vụ thuế. Và trong trường hợp này nhân viên quản lý thuế ở địa bàn đó rất dễ có động cơ tham nhũng thuế. Tình trạng cưa đôi cưa ba là có tồn tại. Nói không có thì hoặc không không hiểu vấn đề hoặc là để phớt lờ trách nhiệm.
Vì vậy có thể nói rằng có thu được thuế hay không, có nắm được tóc của người nộp thuế hay không phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực của cơ quan thuế địa phương chứ không phải là trách nhiệm của cơ quan thống kê.
Không chỉ hộ kinh tế mà ở nhiều loại hình kinh doanh khác, việc che đậy nguồn thu cũng rất phổ biến. Nhiều giao dịch không có hóa đơn chứng từ, nằm ngoài sổ sách. Rõ ràng là không nhất thiết phải thống kê mới thu được thuế. Vấn đề là bản thân cơ quan thuế địa phương và nhân viên quản lý thuế từng địa bàn cũng có động cơ che đậy.
Thế nên câu chuyện nằm ở năng lực của cơ quan thuế chứ không phải ở cơ quan thống kê. Không phải lâu nay tôi không thống kê thì anh không thu thuế được. Thành ra tôi nghĩ nên mạch lạc nhìn nhận hai vấn đề này một cách tách rời nhau.
- Việc cộng NOE vào GDP đương nhiên làm GDP danh nghĩa tăng lên, như vậy tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống. Một số ý kiến lo ngại rằng Chính phủ cộng NOE vào GDP là để tăng dư địa vay nợ. Ông nghĩ sao?
Đồng ý rằng khi GDP danh nghĩa tăng thì các chỉ tiêu neo vào GDP danh nghĩa như nợ công, thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống. Nhưng nói Chính phủ qua đó có thêm dư địa vay nợ thì tôi nghĩ chưa thỏa đáng.
Bởi vì khi Chính phủ điều chỉnh GDP như thế thì Quốc hội phải tính toán lại các chỉ tiêu an toàn nợ quốc gia mới. Quốc hội phải tính lại chứ. Ví dụ trước đây trần nợ là 65% GDP, bây giờ anh cộng NOE vào thì trần chỉ còn 60% chẳng hạn. Đâu phải anh được phép dùng chiếc áo cũ.
Trong trường hợp Quốc hội chưa tính lại được thì Chính phủ phải sử dụng song song hai con số: nợ công/GDP cũ và nợ công/GDP mới. Điều này vẫn có thể làm được, mặc dù có đôi chú khó khăn và kết quả cũng chỉ là tương đối. Tuy nhiên, ngay cả ngưỡng nợ công an toàn mà Quốc hội đang xác lập hiện nay cũng chỉ là tương đối.
- Có một vấn đề khác phát sinh từ việc thống kê NOE. Mại dâm là hoạt động được xếp vào nhóm kinh tế phi pháp (một trong 5 nhóm của NOE). Lâu nay chúng ta vẫn chưa thống nhất được quan điểm có nên hợp pháp hóa mại dâm mà một trong những nguyên nhân chính là chưa có cái nhìn tổng quan về quy mô của hoạt động này. Phải chăng khi thống kê được NOE, chúng ta sẽ có một lối thoát?
Tôi không cho rằng hoạt động kinh tế phi pháp cần tính vào GDP. Vì đã gọi là phi pháp thì chúng ta không công nhận nó. Chúng ta phải có biện pháp để xử lí triệt để, loại bỏ nó.
Chừng nào vẫn được định nghĩa là phi pháp thì hoạt động đó ta không thừa nhận. Không thừa nhận thì không đưa vào thống kê chính thức. Nếu đưa vào thống kê thì khác nào anh gián tiếp thừa nhận. Còn khi nào thừa nhận thì khi đó mới tính tiếp.
Vấn đề mại dâm còn phức tạp ở chỗ: ví dụ anh hợp thức hóa mại dâm, coi như 1 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện thì được tính vào GDP, còn những cơ sở lén lút, hoạt động chui nhưng nếu chúng ta có thể quan sát được thì có tính không? Tôi nghĩ để hỗ trợ ngược trở lại cho các cơ quan thống kê và công tác thống kê, hệ thống luật pháp, chính sách cũng phải rõ ràng hơn, năng lực quản lý nhà nước cũng phải được tăng cường.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.